Bên cạnh tháo gỡ về số lượng giáo viên, cơ sở vật chất… thì dồn điểm trường lẻ sẽ giúp cho việc bố trí giáo viên, nâng cao chất lượng dạy học môn học và đổi mới giáo dục.
Khó khăn từ thực tế
Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh, Hà Giang) hiện có 23 điểm trường lẻ. Học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 đã được đưa về trường chính. Chỉ còn hơn 800 em lớp 1 và lớp 2 đang học tại điểm lẻ. Tuy nhiên, cơ sở vật chất điểm trường còn thiếu thốn. Các phòng học chính, bán trú, bộ môn Tin học, Tiếng Anh, nhà vệ sinh… tại trường chính chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thầy Dương Văn Đông, Hiệu trưởng chia sẻ: Việc dồn điểm trường lẻ chưa theo mong muốn bởi hầu hết điểm cách nhau xa. Nếu dồn 2 điểm trường lẻ vào 1 đồng nghĩa học sinh mỗi ngày phải đi học gần 20km/lượt. “Chắc chắn phụ huynh vừa không có thời gian vừa không có phương tiện di chuyển hàng ngày đưa đón trẻ đi học. Nguy cơ bỏ học có thể xảy ra…”, thầy Đông trao đổi.
Theo kế hoạch đến năm 2025, trường chỉ có thể dồn học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 của 3 điểm lẻ gần nhất về trường chính. Đồng nghĩa chấp nhận số học sinh/lớp tăng lên 38 - 40 em, vất vả cho cả thầy và trò trong quá trình thực hiện Chương trình GDPT mới, nâng cao chất lượng dạy học. Tuy vậy, trường chưa tìm ra phương án tối ưu hơn.
Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát, Thanh Hóa) sau nhiều lần dồn điểm lẻ vẫn còn 1 điểm trường chính, 8 điểm trường lẻ với tổng số 95 học sinh lớp 3 học tại 6 điểm lẻ.
Trường đang hợp đồng với 1 giáo viên Tiếng Anh nhưng cũng chỉ đảm đương được việc dạy học tại 1 điểm chính và 4 điểm lẻ với 2 tiết/tuần. Còn 2 điểm lẻ quá xa trung tâm (16km, đi lại khó khăn, thiếu cơ sở vật chất, có điểm trường không có điện, sóng điện thoại) thì học sinh lớp 3 chưa thể tiếp cận môn học.
Với môn Tin học, tình trạng nan giải hơn khi vẫn “trắng” cả giáo viên lẫn cơ sở vật chất. Học sinh toàn trường chưa được tiếp cận với Tin học, kể cả ở điểm trường chính.
Thầy Lê Quang Tùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nguồn tuyển giáo viên Tiếng Anh, Tin học tại địa phương vô cùng khó khăn. Năm trước trường tuyển mãi cũng chỉ được 1 giáo viên. Còn Tin học thì không có giáo viên nào. Đến nay còn 3 điểm trường chưa có điện, không phòng học bộ môn, không có máy tính… nên trường hợp có hợp đồng được giáo viên giảng dạy thì cũng kém hiệu quả.
“Việc dồn học sinh các điểm lẻ về trung tâm đối với nhà trường là điều bất khả thi lúc này bởi cơ sở vật chất trường chính không thể đáp ứng được yêu cầu. Năm học tới, cố gắng lắm trường chỉ có thể dồn được 9 học sinh lớp 3 của 1 điểm lẻ về trường chính…”, thầy Tùng cho biết.
Bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang chia sẻ: Hà Giang hiện có 218 trường có lớp tiểu học/490 lớp với 104.000 học sinh. Toàn tỉnh còn 817 điểm trường với 1.860 lớp đang học tại các điểm trường. Trong đó có 318 lớp 3. Với địa hình chia cắt, thôn bản xa xôi, mạng lưới rộng nên học sinh khó khăn trong việc tới trường hàng ngày đặc biệt với học sinh tiểu học nếu không có điểm lẻ.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai thông tin, toàn tỉnh còn khoảng hơn 500 điểm trường lẻ với trên 2.000 học sinh lớp 3. Các điểm trường lẻ và số học sinh khối 3 tập trung nhiều hơn tại các huyện/thị trấn vùng cao khó khăn như Bát Xát, Mường Khương, Sa Pa…
Thời gian tới Lào Cai sẽ nỗ lực với nhiều giải pháp để dồn các điểm trường lẻ, đưa học sinh lớp 3 về trường chính nhằm đảm bảo 100% học sinh được học Tiếng Anh, Tin học bắt buộc theo Chương trình GDPT 2018.
Thống kê gần đây của Bộ GD&ĐT cho thấy, toàn quốc có 13.650 trường tiểu học, trong đó 46,84% số trường có điểm trường (bình quân 2,39 điểm trường/trường), 699 trường có 5 điểm trường trở lên, chiếm 10,93% số trường có điểm trường; Số học sinh học tại các điểm trường chiếm tỷ lệ 15,94%, với trung bình 20,9 học sinh/lớp.
Tháo gỡ trước giờ “G”
TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, một trong những khó khăn khi triển khai dạy Tiếng Anh, Tin học bắt buộc với học sinh lớp 3 tại một số địa phương miền núi là địa hình chia cắt, nhiều điểm trường lẻ, cơ sở vật chất tại các điểm trường chưa đảm bảo để triển khai dạy học, thiếu giáo viên để bố trí dạy học ở tất cả các điểm lẻ.
Thực tế các địa phương miền núi cho thấy, cần có các giải pháp tháo gỡ song hành, trong đó việc dồn học sinh lớp 3 tại các điểm trường lẻ về trường chính rất cần thiết.
Chia sẻ việc tháo gỡ khó khăn dạy học Tiếng Anh, Tin học bắt buộc với lớp 3 từ năm học 2022 – 2023, ông Võ Văn Luyến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre khẳng định, việc sáp nhập lại điểm lẻ tạo điều kiện cho 100% học sinh lớp 3 được học 2 môn học này được tỉnh và ngành Giáo dục quan tâm, đẩy mạnh. Dự kiến từ nay tới năm 2025, từ 180 trường tiểu học và 289 điểm lẻ sẽ được sáp nhập lại còn 140 điểm.
Bên cạnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất các điểm trường, đảm bảo số lượng giáo viên đứng lớp… việc sáp nhập điểm lẻ sẽ cơ bản giúp cho học sinh lớp 3 nói riêng, và học sinh lớp 4, lớp 5 nói chung trong các năm học tới được học đầy đủ Tiếng Anh, Tin học.
Cũng giải bài toán khó khăn trong dạy và học Tiếng Anh, Tin học đối với lớp 3 năm học tới, bà Nguyễn Thị Kim Chung cho biết: Ngành GD&ĐT Hà Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh giai đoạn 2 Đề án chuyển học sinh tiểu học các điểm lẻ về học tại điểm trường chính trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025; Quan tâm, chú trọng vào chuyển học sinh lớp 3 các điểm lẻ về trường chính để được học môn Tiếng Anh, Tin học với điều kiện tốt nhất.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai cũng khẳng định: Trước mắt Sở đang chỉ đạo UBND các huyện/thị trấn gấp rút rà soát lại cơ sở vật chất trường chính để đưa học sinh lớp 3 các điểm lẻ về trường chính học Tiếng Anh, Tin học.
Tuy nhiên theo ông Dũng, trong trường hợp chưa kịp đưa học sinh lớp 3 các điểm lẻ về trường chính từ đầu năm học 2022 - 2023 hoặc không dồn được điểm trường, ngành Giáo dục Lào Cai sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ, trong đó tận dụng lực lượng giáo viên dạy liên cấp, dạy ghép giữa các trường, giáo viên có thể tới các điểm lẻ và dạy cuốn chiếu. Với môn Tin học, sẽ căn cứ trên số học sinh để đầu tư máy chứ không đầu tư phòng máy... Như vậy, cơ bản việc dạy Tiếng Anh, Tin học bắt buộc với lớp 3 sẽ triển khai tốt ở Lào Cai.
Thầy Lê Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát, Thanh Hóa) bày tỏ: Khi dồn ghép các điểm trường thì tỉ lệ học sinh tăng hơn nhưng học sinh sẽ được đảm bảo điều kiện bán trú, được học các môn Tiếng Anh, Tin học...
Để việc sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, dồn dịch điểm trường thuận lợi nhất thiết phải có sự quan tâm đầu tư của huyện, tỉnh. Trường đã tham mưu và có đề án sửa chữa xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất trường chính, nâng cấp thành trường bán trú trình lên huyện. Nếu được triển khai việc “dồn điền đổi thửa” không chỉ tạo điều kiện tốt cho dạy học Tiếng Anh, Tin học bắt buộc mà cũng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.