Chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho HS trước Kỳ thi THPT

GD&TĐ - Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho học sinh khối 12 bước vào Kỳ thi THPT quốc gia vào tháng 6 tới, nhiều trường THPT tại TPHCM vừa giảng dạy theo kế hoạch chung, vừa chú trọng tổ chức ôn tập với nhiều hình thức để các em nắm vững kiến thức. 

Chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho HS trước Kỳ thi THPT

Bên cạnh đó, công tác tư vấn, hướng dẫn cho HS trong việc hoàn thiện hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ cũng được các nhà trường chú trọng.

Trường ôn tập tốt, trò yên tâm

Theo thầy Trần Công Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), từ học kỳ 2, trường bắt đầu cho HS khối 12 ôn tập theo chuyên đề với khoảng 7 chuyên đề như chuyên đề Sử, Địa, Giáo dục công dân… mỗi chuyên đề 1 buổi và song song với đó là một bài kiểm tra. “Đây là chuyên đề ôn tập theo hình thức cuốn chiếu nhằm củng cố kiến thức cũng như giúp các em vận dụng tốt kiến thức các bài vừa được học trong việc giải quyết các bài tập. Học sinh tỏ ra rất hào hứng với cách ôn của trường và hình thức ôn tập này nhà trường không thu phí”.

Em Trần Minh Trí, HS lớp 12A9 Trường THPT Phú Nhuận chia sẻ: Em thấy cách ôn tập theo chuyên đề khá hiệu quả. Thường thì thầy cô sẽ cho chúng em làm các bài tập, rồi sửa bài và giảng lại về kiến thức mà chúng em vừa học trong tuần. Chúng em được hệ thống lại kiến thức đã học để nắm kĩ hơn. Có những phần chưa rõ thì các thầy cô sẽ nói rõ hơn cho chúng em, từ đó hiểu bài kĩ hơn, giải quyết được những câu hỏi liên quan đến bài học. Ban đầu, bản thân em cũng có chút lo lắng nhất định, nhưng với cách dạy và ôn tập của các thầy cô giúp chúng em yên tâm, tự tin hơn rất nhiều.

Trước đó, ngay từ học kỳ 1, trường cũng đã tổ chức chuyên đề phương pháp giải Toán trắc nghiệm cho HS toàn trường để các em nắm được cách thức thi bằng hình thức trắc nghiệm với bộ môn này.

Được biết, năm học này nhà trường có 778 HS khối 12, trong đó có hơn 100 HS đăng ký chọn bài thi tổ hợp KHXH. Song song với việc dạy học theo chương trình quy định, thầy Trần Công Tuấn cho biết: “Vì hầu hết HS ở các lớp đăng kí bài thi tổ hợp KHTN nhiều cũng như khả năng, trình độ của các em trong từng lớp của trường khá đồng đều nên vẫn giữ nguyên lớp trong quá trình ôn tập. Một vài lớp có 5 - 10 em đăng kí thi bài tổ hợp KHXH, trường bắt đầu ghép lớp ở một số môn như Sử, Địa, GDCD để đảm bảo việc ôn tập, hệ thống kiến thức cho các em”.

Tương tự, tại Trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2), ngoài giảng dạy chương trình học theo quy định, thì ngay từ đầu năm học trường đã có chủ trương cho HS ôn tập theo các chuyên đề: Chuyên đề nâng cao dành cho HS khá, giỏi, chuyên đề ôn tập kiến thức cho HS có lực học trung bình trở xuống.

Coi trọng công tác tư vấn, hướng dẫn đăng ký dự thi

Ngoài kế hoạch ôn tập tốt cho trò, thời điểm này, việc nộp hồ sơ dự thi THPT quốc gia và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ cũng được các trường hướng dẫn, tư vấn rất kĩ cho HS để các em cân nhắc trước khi nộp hồ sơ.

Thầy Trần Công Tuấn cho biết, Trường THPT Phú Nhuận đã hướng dẫn ghi các thông tin trong hồ sơ, phát hồ sơ cho các em và yêu cầu các em photo ra làm mấy bộ để “viết nháp”, để khi điền vào bộ chính thức không để sai sót nào, đảm bảo đúng từ khâu đầu tiên.

Trước đó, trường đã tư vấn rất kĩ cho HS về đăng kí xét tuyển nguyện vọng xét tuyển vào ĐH. Theo đó, để tư vấn cho HS, trường phải căn cứ vào các điểm: Đầu tiên là khả năng học lực, rồi đến sở trường sở thích các em, xu thế ngành nghề của XH, nguyện vọng của phụ huynh (hay còn gọi cố vấn gia đình), rồi đến cố vấn giáo viên chủ nhiệm tư vấn.

“Trước khi thu tập trung hồ sơ của các em HS, vào ngày 9/4 trường tổ chức họp phụ huynh và tiếp tục tư vấn để cho phụ huynh HS cùng con em mình đưa ra những quyết định cuối cùng trong lựa chọn nguyện vọng xét tuyển. Để cho các em cân nhắc kĩ trường thu tập trung từ ngày 10 - 15/4. Trước tiên sẽ là giáo viên chủ nhiệm từng lớp kiểm tra, sau đó các lớp sẽ kiểm tra chéo cho nhau, khi nhập dữ liệu, bộ phận học vụ, CNTT sẽ in ra dò hồ sơ thêm lần nữa để đảm bảo một cách chuẩn xác nhất ngay từ khâu đầu tiên trong khi làm thu hồ sơ”, thầy Công Tuấn nhấn mạnh.

Tương tự, tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, theo thầy Nguyễn Hùng Khương, Phó Hiệu trưởng, từ cuối tháng 3, trường đã có buổi hướng dẫn HS làm hồ sơ cho HS. Từ ngày 1 - 9/4, các em đã có thời gian cân nhắc cũng như điền các thông tin, xem lại về độ chính xác và nhà trường nhận hồ sơ tập trung bắt đầu từ thứ 2 (ngày 10/4). Sau khi nhận, trường để cho các lớp kiểm tra chéo nhau và cho em dò lại lần nữa để đảm bảo tính chính xác. Được biết, năm học này nhà trường có 615 HS lớp 12, trong đó có khoảng 60 HS đăng ký bài thi tổ hợp KHXH, số còn lại đăng ký bài thi tổ hợp KHTN.

Liên quan đến hồ sơ của các thí sinh tự do, ông Huỳnh Tấn Thanh, Giám đốc TT GDTX Chu Văn An (quận 5), cho biết, năm nay quận có khoảng 450 thí sinh tự do không trúng tuyển vào ĐH và rớt tốt nghiệp năm ngoái đến trung tâm nộp hồ sơ. Do đó, trung tâm đã có một buổi hướng dẫn cách làm hồ sơ cho những thí sinh này. Hiện trung tâm cũng đã nhận một số hồ sơ dự thi và phần các hồ sơ này không có gì sai sót, chủ yếu là để trống mã ngành và mã trường. Vì vậy, khi đến nộp hồ sơ, trung tâm lại hướng dẫn bổ sung thêm để giúp các em hoàn thiện các thông tin.

Đầu tháng 4 vừa qua, Sở GD&ĐT TPHCM đã tổ chức chương trình Hỏi - Đáp trực tuyến để giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của thí sinh, phụ huynh liên quan Kỳ thi THPT quốc gia. Theo đó, có hơn 1.000 câu hỏi liên quan đến thủ tục làm hồ sơ dự thi năm 2017, cách thức đăng kí xét tuyển, cách làm bài trắc nghiệm, cách thay đổi nguyện vọng, đổi mới tổ hợp môn thi… đã được lãnh đạo Sở và các chuyên viên giải đáp cụ thể. Được biết, trước đó, Sở cũng đã thành lập Tổ Thông tin truyền thông để tư vấn, giải đáp, thắc mắc của thí sinh, của các trường và của phụ huynh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ