Không lo thiếu sách
Trong tháng 8, ngành GD-ĐT Lai Châu đã yêu cầu phòng GD&ĐT huyện, thành phố chỉ đạo các trường tiểu học trên địa bàn tiến hành rà soát, tổng hợp số học sinh lớp 1 toàn tỉnh, đặc biệt là học sinh từng trường theo huyện, nhu cầu từng bộ SGK. Địa phương này cũng có văn bản hướng dẫn các phòng GD&ĐT phân loại học sinh để xác định nguồn kinh phí mua sách.
“Chúng tôi phân loại học sinh ra làm ba nhóm: Học sinh thuộc diện hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP được Nhà nước hỗ trợ 100.000 đồng/tháng/học sinh trong 9 tháng/năm học. Chúng tôi đề nghị nhà trường phối hợp, thống nhất với phụ huynh học sinh dùng nguồn kinh phí hỗ trợ chi phí học tập để muasách giáo khoa, vở viết và đồ dùng cho học sinh”, NGƯT Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu chia sẻ.
Với nhóm thứ hai, học sinh được hưởng chính sách đặc thù của tỉnh Lai Châu sẽ được đầu tư kinh phí mua sắm thiết bị học tập. Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT Lai Châu đã xây dựng kế hoạch để mua SGK lớp 1 cho học sinh. UBND tỉnh Lai Châu cũng đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để cung cấp SGK và vở viết đến các trường trước khi bước vào năm học mới.
Trường hợp học sinh không thuộc diện được hỗ trợ chi phí mua SGK, nhà trường cũng chủ động tuyên truyền đến các bậc phụ huynh chủ động mua SGK cho con. Những học sinh khó khăn, các trường đã và đang kêu gọi tổ chức thiện nguyện chung tay, góp sức với tinh thần mỗi học sinh có 1 bộ SGK.
Sìn Hồ là huyện vùng cao, khó khăn của tỉnh Lai Châu. Địa phương này có 19/22 xã thuộc diện khó khăn và đặc biệt khó khăn. Năm học này, toàn huyện có 134 lớp 1 với tổng số gần 2.200 học sinh. Do đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, việc mua sách cho con em với mỗi gia đình là cả vấn đề, thậm chí trông chờ vào các thầy, cô.
“Để các con không phải học chay, chúng tôi đang cùng toàn ngành nỗ lực kêu gọi sự chung tay, góp sức của các tổ chức thiện nguyện”, bà Nguyễn Thị Giang - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ bày tỏ.
Giáo viên phải thông thạo kiến thức mới
Ngành GD-ĐT Lai Châu thực hiện nhiều giải pháp giúp đội ngũ giáo viên sớm tiếp cận với bộ SGK năm nay. Sở đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành làm tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt với các cơ quan truyền thông trong việc nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, xác định vị thế nhà giáo trong việc thực hiện Chương trình SGK mới. Sở GD&ĐT cũng phối hợp với Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) chuyển các bộ SGK đến nhà trường để cán bộ giáo viên, học sinh, phụ huynh được xem và nghiên cứu trực tiếp. Sở yêu cầu mỗi cán bộ quản lý, giáo viên phải chủ động đọc, tìm hiểu sâu chương trình môn học.
“Việc tiếp cận và nghiên cứu các bộ SGK là yêu cầu bắt buộc để đơn vị căn cứ thực tế công tác giáo dục có lựa chọn cho phù hợp. Bên cạch đó, đẩy mạnh việc nghiên cứu các bộ sách trên Website của NXB để có cái nhìn toàn diện về Chương trình SGK, đổi mới cách dạy, học, kiểm tra, đánh giá”, NGƯT Đinh Trung Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT Lai Châu phối hợp NXBGDVN tổ chức tập huấn trực tuyến và trực tiếp sử dụng các bộ SGK trên toàn tỉnh cho cán bộ cốt cán và tập huấn đại trà cho toàn bộ giáo viên về sử dụng SGK. Dự kiến, công việc này sẽ hoàn thành trước 30/8.
Ông Nguyễn Vương Hùng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ (Lai Châu) thông tin: Chúng tôi cử hơn 30 cán bộ cốt cán tham dự các chương trình tập huấn do Bộ tổ chức. Những giáo viên này sẽ phổ biến đại trà cho cán bộ, giáo viên. Ngoài ra, chúng tôi đã trang bị phần mềm trực tuyến, cung ứng hơn 600 tài khoản cho giáo viên để các thầy cô thuận tiện trong việc tham gia bồi dưỡng. Ngày 24/8, giáo viên kết thúc bồi dưỡng hè, sau đó chúng tôi lại bồi dưỡng thêm 6 ngày nữa để tập huấn lại cho thầy cô dạy lớp 1 và các khối còn lại, làm sao để đội ngũ thực sự nhuần nhuyễn khi bước vào năm học mới.
Để tổ chức giờ dạy điểm với SGK lớp 1, ngành GD-ĐT Lai Châu đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ cốt cán, trường/lớp thực hành, các nội dung thảo luận trên cơ sở mục tiêu cần đạt để chia sẻ, thống nhất. Việc làm này sẽ giúp cán bộ quản lý tiếp tục hiểu sâu mục tiêu chương trình, phương pháp, kỹ thuật, hình thức tổ chức dạy học theo đúng tinh thần phát triển phẩm chất và năng lực cho người học. Trước thềm năm học mới, công việc trên sẽ được hoàn tất.