Đây cũng là vấn đề quan trọng trong việc chuẩn bị đón làn sóng dịch chuyển đầu tư đến Việt Nam trong thời gian tới.
Điểm đánh giá chất lượng lao động
Chất lượng nguồn nhân lực là điểm đánh giá quan trọng trong đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Qua tổng hợp khảo sát đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, lao động Việt Nam có nhiều ưu điểm, trong đó đặc biệt là ý thức chủ động trong việc tự học hỏi, tìm tòi nghiên cứu và phát triển các ứng dụng sản xuất ngoài giáo trình đào tạo. Khả năng này của lao động Việt Nam được đánh giá cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của thế giới.
Tuy nhiên, lao động Việt Nam cũng có những yếu điểm về kỹ năng làm việc nhóm, để có thể phối hợp giữa trong một chuỗi sản xuất, các lao động tự điều hành, bảo ban nhau là rất khó. Bên cạnh đó, về kỷ luật lao động còn thấp, tính “sĩ diện” của lao động Việt Nam rất cao, họ sẵn sàng bỏ việc nếu bị nhắc nhở hoặc chỉ trích.
Về chất lượng giáo dục nghề nghiệp thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, kỹ năng nghề của người tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng được nâng lên. Ở nhiều nghề, lao động Việt Nam đã đạt trình độ quốc tế, tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế.
Đảm nhận được các vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải thuê lao động, chuyên gia nước ngoài; trên 80% người học nghề có việc làm hoặc tự tạo việc làm sau tốt nghiệp.
Những hạn chế của giáo dục nghề nghiệp cũng được chỉ ra, bao gồm: Chất lượng hiệu quả của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu câu, chưa gắn với nhu cầu thực tế.
Việc chuẩn bị đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0 còn khó khăn và chưa triển khai được nhiều; mạnh lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn bất cập về phân bổ giữa các vùng miền, ngành nghề, trình độ và quy mô đào tạo.
Nâng cao sức đề kháng và sáng tạo
Theo các chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài, có 5 lĩnh vực mà các tập đoàn đang có xu hướng dịch chuyển vào Việt Nam là: Công nghệ thông tin và công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistic, hàng tiêu dùng và bán lẻ.
Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam (PCI) năm 2019 dự báo 70% số việc làm Việt Nam đứng trước nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa. Người lao động không có kỹ năng, mới học hết tiểu học hoặc trung học là nhóm có nguy cơ mất việc làm cao nhất.
Cho đến nay, sử dụng máy móc tự động dường như là sự lựa chọn đáng tin cậy hơn, vì vậy nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nghề sẽ là một giải pháp giúp giảm nhu cầu tự động hóa, đồng thời trang bị cho người lao động Việt Nam những kỹ năng mới để tiếp cận những công việc có thu nhập cao hơn.
Ông Nguyễn Chí Trường – Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Xu hướng việc làm đang có sự chuyển dịch từ tìm việc làm sang tự tạo việc làm và khởi nghiệp, từ tuyển dụng đã qua đào tạo sang tuyển dụng có thể đào tạo được và đào tạo để học tiếp.
Những kỹ năng nghề trong thời kỳ mới sẽ được trang bị theo hướng cơ bản, nền tảng, liên ngành với những phẩm chất nhằm nâng cao sức đề kháng, tính sáng tạo cho người lao động.
Phát triển kỹ năng để hình thành các năng lực của người lao động như: Năng lực nhận thức; năng lực thích nghi; năng lực ứng xử nghề nghiệp và giá trị, ứng xử cộng đồng; năng lực học tập suốt đời và thăng tiến nghề nghiệp dựa vào kỹ năng nghề theo khung trình độ nghề quốc gia.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đang có nhiều giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt, thúc đẩy mạnh mẽ gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI.
Thúc đẩy doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh trách nhiệm xã hội, tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo với các trường, huấn luyện giáo viên, tiếp nhận học sinh sinh viên thực tập, tài trợ học bổng, hỗ trợ nhà trường về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo…