Trong khi các trường tiểu học ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn không có hình thức bán trú dành cho học sinh, phụ huynh phải đưa đón con đến 4 lượt/ngày, gây khó khăn trong việc sắp xếp thời gian, công việc. Do đó, cử tri kiến nghị Bộ GD&ĐT có giải pháp hiệu quả để bảo đảm tính khả thi của chương trình khi triển khai trên thực tế.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Thời gian qua, Bộ chủ trương khuyến khích các địa phương có điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với sự hỗ trợ của chính quyền, các lực lượng xã hội và gia đình học sinh. Hiện nay, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày chiếm trên 80% tổng số học sinh tiểu học. Đây là những điều kiện thuận lợi để chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các địa phương, các cơ sở giáo dục tiểu học có kế hoạch chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… nhằm bảo đảm thực hiện chương trình theo lộ trình. Bộ GD&ĐT đã tham mưu với Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025; Công văn số 344/BGDĐT-GDTrH ngày 24/01/2019 hướng dẫn triển khai chương trình giáo dục phổ thông… để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai Chương trình mới.
Đối với việc tổ chức dạy học ở cấp tiểu học, trong đó có việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn chỉ đạo việc này, trong đó khuyến khích các địa phương, nhà trường tổ chức bán trú cho học sinh để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và gia đình các em trong việc đưa đón, quản lý con em mình. Hoạt động bán trú được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, thỏa thuận giữa gia đình, nhà trường, sự hỗ trợ ngân sách địa phương (nếu có) và được cấp có thẩm quyền quản lý, phê duyệt.