Trang bị cho trẻ vào lớp 1: Kỹ năng thích ứng

GD&TĐ - Để chuẩn bị tâm thế bước vào học lớp 1 không chỉ đòi hỏi các trường phải tạo ra môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, đội ngũ GV yêu trẻ vững nghề… mà cha mẹ cũng cần giúp trẻ vững vàng, không áp lực...

HS lớp 1 Trường Tiểu học Gia Vân - Gia Viễn – Ninh Bình. Ảnh: TG
HS lớp 1 Trường Tiểu học Gia Vân - Gia Viễn – Ninh Bình. Ảnh: TG

Không bắt trẻ “cõng” áp lực

Theo tiến sĩ chuyên ngành tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh – Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội): Từ mầm non (MN) sang tiểu học (TH) là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng với trẻ. Các em đang từ môi trường chủ yếu học, chơi tự do sang học có kỷ luật, đúng giờ giấc và có định hướng nên khá vất vả…

Như vậy, theo cơ chế hoạt động của bộ não, trẻ bị áp lực, khả năng tiếp thu sẽ bị hạn chế vì vậy trong giai đoạn này phụ huynh cần hết sức kiên nhẫn, không gây áp lực thêm cho trẻ. Càng không nên quá kỳ vọng bởi học tập là quá trình lâu dài, nếu trẻ chưa theo được, cũng không nên sốt ruột mắng mỏ, thúc ép học thêm.

“Điều quan trọng là cha mẹ hướng dẫn con thích nghi dần với cái mới, tạo cho con sự hứng thú để bước vào học tập. Nên động viên, khuyến khích con, không nên dùng các biện pháp tiêu cực như quát mắng, so sánh... để dạy. Áp lực học tập sẽ làm trẻ sợ học và không phát triển tư duy và trí tuệ…” - TS Vũ Việt Anh nói.

Dưới góc độ chuyên môn, thầy Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) lại đưa ra lời khuyên: Việc chuẩn bị tâm thế cho trẻ trước khi vào lớp 1 không thể bỏ qua bước chuẩn bị tâm thế cho chính bố mẹ bởi đôi khi trẻ chịu sức ép học tập từ người lớn.

“Cha mẹ hay kỳ vọng, mong muốn, đặt niềm tin quá nhiều vào trẻ. Tuy nhiên thực tế khi bắt đầu bước vào học tập trẻ chắc chắn phải trải qua bỡ ngỡ khó khăn, thậm chí làm đi làm lại mới được. Do đó cha mẹ không nên vội vàng mong con đọc thông, viết thạo hơn các bạn trước khi vào học. Cần tin tưởng vào thầy cô và nhà trường khi gửi con tới trường học tập. Hãy để trẻ phát triển theo quy luật tự nhiên. Việc chuẩn bị kiến thức trước bằng cách ép trẻ học đọc viết trước hoàn toàn phản khoa học. Thay vào đó, hãy giúp trẻ được tăng cường giao tiếp, tạo tự tin, chuẩn bị tốt thể lực sức khỏe…”, thầy Mạnh chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội) chia sẻ thực tế: Việc triển khai CTGDPT 2018 ở lớp 1 không đòi hỏi HS phải biết đọc, viết trước. Năm học đầu tiên triển khai dạy học lớp 1 theo CTGDPT 2018 tại trường, gần như 100% HS lớp 1 không hề biết đọc viết trước; nhà trường cũng không tổ chức lớp tiền tiểu học. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại kết quả học tập của HS khối 1 tương đối ổn.

“Ban giám hiệu nhà trường đã tiến hành dự giờ đột xuất các lớp 1, dù không có sự chuẩn bị trước nhưng HS vẫn đọc và làm Toán khá nhanh, kĩ năng đọc, viết tốt. Chưa hết học kỳ II nhưng nhà trường thấy tự tin với kết quả bước đầu và yên tâm tiển khai CTGDPT 2018 với lớp 1 cho HS có đầu vào không học trước…”,  cô Ngọc khẳng định.

Sự chuẩn bị trước khi vào lớp 1 đúng cách giúp trẻ học tập tiến bộ. (HS lớp 1 Trường Tiểu học Gia Vân - Gia Viễn). Ảnh minh họa
Sự chuẩn bị trước khi vào lớp 1 đúng cách giúp trẻ học tập tiến bộ. (HS lớp 1 Trường Tiểu học Gia Vân - Gia Viễn). Ảnh minh họa 

Sẵn sàng tâm thế

Từ kinh nghiệm làm GV và CBQL trường tiểu học, cô Nguyễn Thị Kim Ngọc cho rằng, muốn giúp trẻ vững vàng tâm thế vào lớp 1 cần có bước chuẩn bị kĩ càng, khoa học từ nhà trường, phụ huynh.

Về phía trường MN hãy giúp trẻ có cơ hội làm quen với trường, lớp bậc tiểu học. Có thể cho trẻ MN làm quen, giao lưu với các anh chị lớp 1. Cho trẻ MN được trực tiếp vào các lớp của tiểu học (TH) để hình dung lớp học sắp tới của mình. Thậm chí trường TH, MN có thể tặng vở, sách truyện cho HS 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 để làm quen, kích thích học tập. Được làm quen sớm sẽ giúp trẻ không còn lo lắng, sợ hãi khi chuyển đổi sang môi trường học tập mới.

Về phía bố mẹ có thể chuẩn bị tâm thế vào lớp 1 cho trẻ bằng hoạt động vừa học vừa chơi: Đếm bước chân, cây hoa, cây cảnh bên đường. Ngồi tập tô trong khoảng thời gian được định trước (5 - 10 phút)… Từ đó giúp trẻ hình thành kĩ năng, kiến thức, sự tập trung học tập… một cách tự nhiên, không áp lực.

Cha mẹ cũng có thể hướng dẫn tư thế cầm bút, cùng trẻ mua sắm đồ dùng học tập, sách truyện (dù chưa biết đọc)… để tạo ra tâm lý háo hức với đồ dùng học tập và việc học tập ở lớp 1. Cô Đỗ Huyền Trang – GV dạy lớp 1 Trường TH Phan Đình Giót cũng đưa ra tư vấn để phụ huynh có thể áp dụng trong việc tạo tâm thế cho trẻ vào lớp 1.

Theo cô Trang: “Việc tập trung của trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố và tùy theo từng độ tuổi thì khả năng tập trung phù hợp với độ tuổi đó. Tuy nhiên, trước khi vào lớp 1 việc rèn luyện tập trung bước đầu qua môi trường, hoàn cảnh sống cụ thể vô cùng cần thiết. Nếu trẻ không được rèn luyện tập trung thì việc mất tập trung sẽ ảnh hưởng lớn tới quá trình học tập và trau dồi kiến thức.

Cha mẹ cần lưu ý các trò chơi, bài tập phát triển tập trung cho trẻ cần được diễn ra trong một không gian yên tĩnh, thoáng mát. Nếu con thuộc nhóm mất tập trung thì nên hạn chế những đồ vật màu mè… Có thể giúp trẻ nhớ con số một cách đơn giản là cho trẻ đọc biển số xe máy, ô tô, đọc biển báo, chữ, tạo thói quen. Phân tích sự khác biệt giữa số 4 - 1, 6 và 9 ngay trên biển số… sẽ giúp trẻ nhớ lâu.

Theo cô Trang, cha mẹ hãy giúp tăng cường những kĩ năng thích nghi và học tập cho trẻ trước khi vào lớp 1. Việc học kiến thức trước hoàn toàn không cần thiết bởi thực tế khi trẻ biết đọc viết trước thường quá tự tin, học thiếu tập trung, hào hứng so với những HS chưa biết gì. Thậm chí kết quả của HS biết đọc, viết trước cũng không hề tốt hơn, có khi không bằng HS “trắng trơn” khi bước vào lớp 1. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.