Mưa lớn gây lũ lụt, khiến một số người thiệt mạng và hàng triệu người thiệt hại về tài sản.
Seoul là nơi có hàng triệu người sống trong những khu chung cư chật chội. Gần như mọi mảng đất đều được trải nhựa hoặc bê tông. Điều đó có nghĩa là mặt đất không thể hấp thụ nước mưa mà phải dẫn nước mưa qua một mạng lưới đường ống vào các vùng nước tự nhiên, như sông Hàn.
Điều này có nghĩa là ngay cả những quận như Gangnam cũng bị ngập. Song, những người dân Seoul chịu nhiều thiệt hại nhất không phải ở Gangnam, mà là tại khu vực kém phát triển nhất của thành phố như Dongjak. Hơn 200.000 căn hộ bán ngầm (banjiha) vẫn tồn tại ở trung tâm thành phố Seoul, bất chấp những nỗ lực loại bỏ của chính phủ.
Câu hỏi mà nhiều người đã đặt ra là tại sao một quốc gia với công nghệ tiên tiến như Hàn Quốc lại không quản lý được những vấn đề cơ bản như nhà ở và hệ thống thoát nước. Vào tháng 7/2011, lũ lụt tàn phá đã khiến Seoul phải đánh giá lại hệ thống quản lý nước của mình. Đồng thời, thành phố cũng đối mặt với những rủi ro khí hậu ngày càng tăng.
Theo chính quyền thành phố, những trận mưa từ 30mm trở lên mỗi giờ có thể gây ra thảm họa như ngập lụt. Trong 50 năm qua, mức tăng của lượng mưa đã xảy ra trung bình 3,4 lần hằng năm. Năm 2011, có tám trận mưa như vậy. Tiếp sau đó là chín trận vào năm 2013.
Để thích ứng với tình trạng mưa nhiều, thành phố đã cải tạo hệ thống thoát nước và phòng chống thiên tai. Chính phủ Hàn Quốc cũng bổ sung các đường ống thoát nước ở những khu vực trũng thấp để ngăn ngập lụt. Nước này đã mở rộng hệ thống cảnh báo sơ tán cho các hộ gia đình ở khu vực dễ bị lụt và lập kế hoạch di dời nhà ở bán ngầm.
Sau khi nhậm chức, Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon đã cố gắng trả lời các câu hỏi về kế hoạch phòng chống lũ lụt trong những năm tới, khi tần suất mưa lớn có khả năng tăng. Vào ngày 10/8, chính quyền thành phố cam kết phân bổ 30 tỷ won để hỗ trợ khắc phục.
Ngày hôm sau, giới chức Seoul tiếp tục công bố kế hoạch chi 1,5 nghìn tỷ won trong thập kỷ tới để xây dựng các cơ sở ngầm. Qua đó, giúp lưu trữ và thoát nước mưa ở những khu vực dễ bị ngập lụt. Chính phủ cũng sẽ loại bỏ căn hộ bán ngầm trong vòng 20 năm, trong khi xây dựng các đơn vị nhà ở mới.
Khi công bố những kế hoạch này, Thị trưởng Oh đặc biệt đề cập đến những thách thức do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Vì vậy, ông cho rằng, việc cần thiết là phải thúc đẩy các hệ thống của thành phố để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Seoul có thể sẽ ghi nhận những trận mưa lớn hơn vào mùa hè sắp tới. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã cho thấy sự kiên cường và khả năng học hỏi từ những rủi ro.
Nếu chính quyền của Thị trưởng Oh thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra, thì cơ sở hạ tầng mạnh mẽ hơn có thể ngăn chặn ngập lụt. Song, trận lũ lụt ở Seoul gần đây đã nhấn mạnh những hậu quả của biến đổi khí hậu. Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất hoặc bị cuốn trôi.