Chùa Trăm Gian: Báu vật và huyền bí

Chùa Trăm Gian: Báu vật và huyền bí

Từ lâu giới hội họa, điêu khắc đã coi bốn tác phẩm họa khắc ở chùa Trăm Gian thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương (Chương Mỹ - Hà Nội) vào hàng tuyệt tác. Lấy cảm hứng từ kiệt tác này, hàng trăm điêu khắc gia dựa vào tác phẩm Phật giáo “Thập Vương kinh” và “Ngục lý truyện” của Đạo giáo để sáng tạo sản phẩm nghệ thuật đương đại.

Tứ họa 835 năm tuổi

Theo cách giải thích dễ hiểu nhất của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, thì “Thập điện Diêm vương” còn được gọi là 10 vị vua theo quan niệm tín ngưỡng của Phật giáo Á Đông. 

Họ là các vị thần linh cai quản cõi chết và phán xét con người ở địa ngục căn cứ vào những việc thiện – ác đã làm khi còn sống. 10 vị vua này được xếp từ “Nhất đến Thập”, họ cai quản các điện từ “nghiệt cảnh đài” cho đến “dĩ huyễn độ chơn” theo góc độ hoằng pháp.

Chính những kiến thức bao la đó đã tạo ra những tích truyện, những quan niệm mà xa xưa đã đặt ra ngầm răn đe kẻ ác, khuyến khích người thiện, nhắc nhở người đời theo phương châm đạo lý: Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ.

Nội dung trên mỗi bức họa thường ở phần trên khắc Phán quan ngồi chính giữa, hai bên có người hoặc quỷ sứ đứng hầu để xét hỏi cân đo công - tội. Phần dưới của bức tranh là các tầng lớp địa ngục mà tội nhân phải nhận với các mức án: Đeo gông, chặt đầu, vạc dầu, xé xác...

Ni sư trụ trì Thích Đàm Khoa cho biết, tuổi của bộ tranh “Thập điện Diêm vương” tương đương với lịch sử của chùa Trăm Gian. Quảng Nghiêm Tự (một tên khác của chùa Trăm Gian) lập thời Lý Cao Tông niên hiệu Trinh Phù thứ 10, tức năm 1185. Tính đến nay, bốn bức họa quý giá đã 835 năm tuổi…

Chùa Trăm Gian: Báu vật và huyền bí ảnh 1
Chùa Trăm Gian được xây dựng từ năm 1185.

Báu vật bị đánh cắp

Ni sư Thích Đàm Khoa cho biết thêm: Từ khi những bức tranh được đưa về chùa, chúng tôi luôn phải để mắt trông coi. Người trong chùa phải thay nhau canh giữ, nhất là những ngày trời mưa gió.

“Tranh và tượng Diêm Vương thường được bố trí trong chùa và xếp thành hai hàng, mỗi bên năm vị. Các họa sĩ xưa khi sáng tác tranh “Thập điện Diêm vương” thường vận dụng 6 phép hội họa Trung Hoa cổ đại là khí vận động, cốt pháp dụng bút, ứng vật tượng hình, tùy loại phú thái, kinh dinh vị trí, truyền mô di tả” - Họa sĩ Phan Cẩm Thượng.

Theo lời Thích Đàm Khoa, bốn báu vật từng bị đánh cắp khi các thầy trong chùa đi học bên Bà Đá, chỉ có mấy bà vãi ở lại trông nom. Vào một đêm, bốn bức họa không cánh mà bay. Nhà chùa lập tức trình báo cơ quan chức năng. Các trinh sát giỏi nhất được tung vào cuộc truy tìm, nhưng sau một thời gian rất dài vẫn không phát hiện được tung tích các tác phẩm.

Khoảng một năm sau, chùa Trăm Gian lại bị kẻ gian lấy đi bốn bức tranh nữa trong bộ tranh cổ. Như vậy, ngoài bốn bức trong bộ “Thập điện Diêm vương” và bốn bức họa cổ khác thì nhà chùa chỉ còn giữ lại được hai bức tranh nhỏ.

Theo đánh giá của một số nhà sưu tầm cổ vật, các bức họa cổ là món mồi “ngon ăn” nhất của bọn trộm cắp chuyên nghiệp. Khi chúng đã có trong tay các báu vật này thì việc bán đi là không khó...

Trở về sau 17 năm

Ni sư Thích Đàm Khoa cho biết, sau khi những bức tranh cổ bị đánh cắp, nhà chùa đã đi sưu tầm những hình ảnh để thuê người khắc lại. Tuy nhiên, sau một thời gian dài thì cũng chỉ có được hình ảnh của hai bức tranh do khách tham quan từng vãn cảnh chụp lại.

Chùa Trăm Gian: Báu vật và huyền bí ảnh 2
Khách tham quan rất tò mò về các bức họa cổ trong bộ “Thập điện Diêm vương”.

Vào một ngày, đại diện Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hà Nội đã đến chùa với bốn bức họa cổ trong bộ “Thập điện Diêm vương”. Các sư không giấu nổi những giọt nước mắt mừng vui khi nhìn thấy các báu vật về chùa.

Thì ra, sau thời gian mười mấy năm đằng đẵng theo dõi hoạt động của một số đối tượng buôn đồ cổ xuyên quốc gia, các trinh sát đã khám phá ra đường dây buôn bán cổ vật đưa ra nước ngoài bằng đường hàng không để tiêu thụ. Những bức tranh này được bọn buôn bán đồ cổ ra giá hàng trăm nghìn đô la Mỹ… 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ