Chưa thể lạc quan

Chưa thể lạc quan

(GD&TĐ) - Tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2013, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tiếp tục có những chuyển biến rõ rệt và đạt nhiều kết quả tích cực, đúng hướng. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi nền kinh tế dẫu đã có tốt lên nhưng vẫn không nhanh như mong muốn, theo ngôn ngữ của các nhà kinh tế, thì gọi là “kinh tế tăng trưởng dưới mức tiềm năng”. Đầy rẫy những khó khăn thách thức vẫn tiềm ẩn với nền kinh tế, trong đó đáng lo ngại nhất vẫn là nguy cơ lạm phát chưa thực sự được đẩy lùi.

Điểm qua một chút về tình hình kinh tế vĩ mô 7 tháng đầu năm, khách quan mà nói các diễn biến vẫn đang theo đúng hướng đề ra. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sau mấy tháng âm thì tháng 7, sau khi điều chỉnh một số giá, đã tăng lên (0,27% so với tháng trước và tăng 2,68% so với tháng 12 năm 2012). Bên cạnh đó, tình hình sản xuất kinh doanh cũng tốt lên, chỉ số tăng trưởng công nghiệp quý sau cao hơn quý trước, tháng sau cao hơn tháng trước. Mặc dù còn gặp số khăn nhưng số doanh nghiệp thành lập mới đã tăng lên, số doanh nghiệp ngưng trệ sản xuất giảm đi. Tồn kho đã quay lại mức bình thường. Tình hình các lĩnh vực khác cũng đúng theo hướng từ đầu năm tới nay như an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh được bảo đảm.

 

Đó là các kết luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2013 và được các thành viên Chính phủ nhất trí trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 mới đây. Như vậy, so với năm 2012 và cả với năm 2011, mục tiêu Quốc hội đặt ra cho năm 2013 kiềm chế lạm phát thấp hơn (khoảng 7%) là mục tiêu khả thi. Tất nhiên khi CPI chững lại hay xuống quá thấp thì lại dấy lên nỗi lo giảm phát (vốn được đánh giá là còn nguy hiểm hơn lạm phát). Bởi thế, mỗi tháng có CPI giảm hay tăng quá ít, lại có nhiều ý kiến lo ngại về sự suy giảm kéo dài của tiêu dùng xã hội, cần phải có biện pháp kích cầu để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy vậy, cũng không ai dám chắc liệu “kích cầu” thì “cầu” có “lên” được hay không, khi mà nền kinh tế vẫn chưa thực sự hết khó khăn, người dân vẫn phải thắt chặt chi tiêu, dẫu nhu cầu tiêu dùng thì chưa bao giờ là hết.

Cái khó bao trùm của nền kinh tế hiện nay là gì? Theo ngôn ngữ của các nhà kinh tế, có thể nói là sức mua kém. Thông thường, sức mua hay nhu cầu thấp thì phải tăng cầu nhưng nếu không cẩn thận, việc tăng cầu có thể gây lạm phát. Gần đây, Chính phủ đã đề nghị các nhà kinh tế trong và ngoài nước tập trung phân tích, có nhiều ý kiến nhưng tựu chung lại là trong thời gian tới, chúng ta phải đặt mục tiêu điều hành như điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ bám vào mục tiêu dài hạn hơn, cố gắng kiềm chế lạm phát ở mức 7%, đưa tốc độ tăng trưởng nhích dần lên. Nghĩa là, phục hồi và ổn định nền kinh tế vẫn đang và sẽ là ưu tiên hàng đầu, ít nhất là trong năm 2013 này, sau đó mới là tốc độ tăng trưởng.

Tập trung ý kiến của rất nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu có thể nhận thấy một quan điểm chung khá phổ biến rằng điều quan trọng là không chạy theo mục tiêu kiềm chế lạm phát xuống mức thấp ngay lập tức, đưa tăng trưởng tăng cao ngay, mà điều quan trọng là giữ ổn định vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tạo đà cho các bước tiếp theo. Đó cũng là hướng đi được Chính phủ lựa chọn hiện nay, chậm mà chắc, còn hơn tăng trưởng nóng mà lạm phát cao hay giữ lạm phát thấp nhưng tăng trưởng chậm, đều là lợi bất cập hại.

Tuy nhiên như thực tế hiện nay thì khả năng giữ lạm phát thấp vẫn khá bấp bênh, trong khi dự báo tăng trưởng lại không có nhiều tín hiệu khả quan. Không ngạc nhiên khi tại buổi họp báo thường kỳ vừa được tổ chức của Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phải lưu ý: “Nếu không tái cơ cấu, chỉ đều đều tăng trưởng 5,5 – 6 %, Việt Nam sẽ rơi vào cái mà các nhà kinh tế gọi là bẫy thu nhập trung bình. Nói cách khác là sẽ mãi ở mức làng nhàng trong khu vực”.

Thế mới nói nền kinh tế vẫn chưa thể lạc quan là vậy.

Khánh Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.