Chưa khi nào Lưu Quang Vũ 'vắng mặt' ở sân khấu đương đại

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dù đã đi xa 35 năm (1988 - 2023) nhưng chưa khi nào Lưu Quang Vũ 'vắng mặt' trong đời sống sân khấu đương đại.

Một cảnh trong vở kịch 'Bệnh sĩ' của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: NHKVN.
Một cảnh trong vở kịch 'Bệnh sĩ' của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: NHKVN.

Dù đã đi xa 35 năm (1988 - 2023) nhưng chưa khi nào Lưu Quang Vũ “vắng mặt” trong đời sống sân khấu đương đại, từ kỳ cuộc hội diễn, liên hoan đến những đêm các nhà hát sáng đèn thường xuyên.

Cũng bởi, những đứa con tinh thần của cây bút tài hoa này vẫn luôn tỏa sáng, chiếu rọi và sẽ không bao giờ nhạt phai trong lòng khán giả hôm nay - mai sau.

Mùa nối tiếp mùa

Nhà hát Tuổi trẻ được coi là đơn vị nghệ thuật đầu tiên may mắn “phát hiện” tài năng biên kịch Lưu Quang Vũ từ việc đạo diễn Phạm Thị Thành gợi ý ông viết một kịch bản về anh hùng Lý Tự Trọng, trong đó có tham khảo tư liệu của bà và kịch bản “Ông Nhỏ” của tác giả Đào Duy Kỳ.

Hẹn là hoàn thành trong 20 ngày nhưng chỉ 2 tuần sau, cây bút mới tinh này đã đem bản thảo “Sống mãi tuổi 17” đến gặp bà Thành và ngay sau đó được dàn dựng để rồi trở thành hiện tượng sân khấu nước nhà khi ẵm giải Vàng hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980.

Cơ duyên ngọt lành đó đã mở ra “biển lớn” cho cây bút này “thỏa chí tang bồng”, liên tiếp sáng tạo những đứa con tinh thần thuộc về mọi thời đại như: “Lời thề thứ 9”, “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Tin ở hoa hồng”, “Ông không phải là bố tôi”, “Ai là thủ phạm?”, “Bệnh sĩ”, “Mùa hạ cuối cùng”, “Trái tim trong trắng”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, “Người tốt nhà số 5”, “Nỗi đau lòng mẹ”, “Điều không thể mất”…

Và có lẽ, ngay từ khi “trình làng” đến giờ, chưa khi nào sàn diễn sân khấu (tập trung ở 3 loại hình: Kịch nói, chèo, cải lương) thiếu vắng kịch bản được viết bởi Lưu Quang Vũ. Trước những năm 2010, các vở diễn được tổ chức dàn dựng rải rác theo kế hoạch công tác của từng đoàn nghệ thuật.

Từ năm 2013, khi Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ nhân kỷ niệm 25 năm ông đi xa, dần dần, một số đơn vị nghệ thuật như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam bắt đầu tổ chức thành những đợt biểu diễn thường niên trong khoảng tháng 8, tháng 9 để tưởng nhớ đến người tài mà bạc mệnh (Lưu Quang Vũ cùng vợ - thi sĩ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ bất ngờ đi xa vì tai nạn giao thông, khi đôi vợ chồng thi sĩ này mới 40 tuổi).

Một cảnh trong vở kịch 'Hoa cúc xanh trên đầm lầy' của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: NHTT.

Một cảnh trong vở kịch 'Hoa cúc xanh trên đầm lầy' của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: NHTT.

Thế hệ nghệ sĩ hôm nay như: NSƯT Đức Khuê, NSƯT Hoa Thúy, Nguyệt Hằng, Thanh Dương, Quang Ánh, Thanh Bình, Thanh Sơn, Thu Quỳnh, Lương Thu Trang, Chí Huy, Thanh Tú, Đức Anh, Du Ka, Hương Thủy... (Nhà hát Tuổi trẻ); NSƯT Xuân Bắc, NSND Việt Thắng, NSƯT Phú Đôn, NSƯT Đình Chiến, NSƯT Mai Nguyên, NSƯT Dũng Nam, Hồ Liên… (Nhà hát Kịch Việt Nam) đã rất tròn vai khi được hóa thân vào các nhân vật Lưu Quang Vũ dựng nên trong mỗi tác phẩm.

Nhất là, mấy năm qua, Nhà hát Tuổi trẻ đã tạo thành những “mùa kịch Lưu Quang Vũ”, khi tổ chức biểu diễn các vở được đơn vị phục dựng bằng góc nhìn khá mới mẻ, hiện đại của các đạo diễn NSƯT Chí Trung, NSƯT Sĩ Tiến như “Lời thề thứ 9”, “Lời nói dối cuối cùng”, “Tin ở hoa hồng”, “Ai là thủ phạm”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, “Ông không phải là bố tôi”, “Sống mãi tuổi 17”… “Mùa kịch Lưu Quang Vũ” năm nay, nhà hát lên kế hoạch biểu diễn vào những ngày cuối tuần ngay từ tháng Bảy này để gối sang tháng Tám – tháng kỷ niệm 35 năm ngày mất của tác gia này (29/8/1988 - 29/8/2023).

Ba vở diễn: “Ông không phải là bố tôi”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”(Huy chương Vàng Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018) và “Ai là thủ phạm?” cuốn hút khán giả trong “mùa kịch” Lưu Quang Vũ 2022 tiếp tục trở lại dịp này cùng với “Sống mãi tuổi 17” trên sàn diễn tại 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trong tháng Bảy, trừ “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” có một suất diễn (tối 23), các vở “Ông không phải là bố tôi”, “Ai là thủ phạm?” đều có 2 suất, vào các tối 15,16, 29 và 30.

Theo NSƯT Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, “Mùa kịch Lưu Quang Vũ” đã trở thành thương hiệu nghệ thuật đặc sắc của đơn vị. Khi bước vào đây, “khán giả được đắm chìm trong thế giới xúc cảm mà Lưu Quang Vũ đã gửi gắm, khắc họa với nhãn quan thi vị vượt thời gian, những khám phá tinh tế từ mọi góc cạnh của cuộc sống”.

Nhà hát Kịch Việt Nam cũng lên lịch diễn từ cuối tháng 7 và các ngày cuối tuần tháng 8 tại rạp số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội các vở được thế hệ đạo diễn hôm nay như cố NSND Hoàng Dũng, NSND Tuấn Hải, NSƯT Trịnh Mai Nguyên, NSƯT Tạ Tuấn Minh dàn dựng từ kịch bản của Lưu Quang Vũ trong gần 10 năm qua.

Trong đó, vở diễn luôn hút khách, “Bệnh sĩ”, sẽ khai màn với suất diễn tối 22/7 và 12, 29/8; “Người tốt nhà số 5” có các suất diễn tối ngày 10, 18 và 28/8; “Người trong cõi nhớ” là 11, 20 và 25/8. Riêng vở “Nguồn sáng trong đời” do cố NSND Hoàng Dũng dàn dựng có đến 5 suất diễn vào các tối: 19, 26, 27, 30 và 31/8.

Trước đó, nhà hát cũng tổ chức các đêm kịch Lưu Quang Vũ không chỉ để tưởng nhớ ngày ông đi xa mà còn nhân kỷ niệm 70 năm thành lập đơn vị với các vở “Bệnh sĩ”, “Người trong cõi nhớ” và “Người tốt nhà số 5”.

Ở đây, nếu “Bệnh sĩ” là vở diễn ăn khách nhất của nhà hát trong gần 10 năm qua thì 2 vở còn lại đều từng giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2020 và Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V – 2022.

Luôn được mong đợi

Một cảnh trong vở kịch 'Ông không phải bố tôi' của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: NHTT.

Một cảnh trong vở kịch 'Ông không phải bố tôi' của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: NHTT.

“Mỗi vở kịch của Lưu Quang Vũ tại Nhà hát Tuổi trẻ đều mang trong mình những khát khao sáng tạo của các nghệ sĩ khi đứng trước thách thức làm mới mình trong việc ứng xử với những tác phẩm có tầm vóc, mang đậm tính khái quát điển hình. Đó vừa là cách tiếp nối và khẳng định các giá trị bền lâu của Kịch Lưu Quang Vũ, vừa mở ra không gian đối thoại giữa khán giả với tư tưởng, tình cảm mà ông gửi gắm, thông qua cách nhìn nhận, giải mã và chiêm nghiệm mới mẻ” - Đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến – Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ

Dù phần lớn các vở diễn được phục dựng hoặc dựng lại từ kịch bản của Lưu Quang Vũ có tuổi đời “trẻ” nhất cũng đã 35 năm (như “Ông không phải bố tôi”, “Lời nói dối cuối cùng”) còn “già” nhất cũng quá tuổi 40 song chưa khi nào bị khán giả hôm nay nhạt phai, quay lưng, kể cả khán giả trẻ.

Khi các nhà hát thông báo lịch diễn trên fanpage, ngay lập tức khán giả tương tác về giá vé cũng như quay sang rủ bạn bè, người thân đầy háo hức, mong đợi: “Nào cả nhà mình cùng đi thôi!” để còn “đặt chỗ… đẹp”; “nghiện các vở kịch Lưu Quang Vũ…”.

Nhiều khi, nhà hát chưa kịp tổ chức biểu diễn theo lịch quen thuộc “đến hẹn lại lên”, khán giả đã thắc mắc, thục giục. Trong đó có không ít người xem nhiều lần một vở diễn trong suốt “mùa kịch”.

“Mùa kịch Lưu Quang Vũ” thường diễn ra vào những tháng Hè – tháng các gia đình ở Hà Nội “xê dịch” có khi đưa trẻ nhỏ về quê, cũng có khi du lịch khám phá các vùng đất mới. Thực tế ấy đem lại không ít e ngại về sự vắng khách của các nhà hát.

Thế nhưng, khi kịch Lưu Quang Vũ “vào mùa” và không phải lúc nào cũng có vở mới song chưa khi nào các suất diễn bị vắng khán giả, thậm chí có những suất còn chật kín khán phòng, nhất là với các vở “Lời thề thứ 9”, “Bệnh sĩ”, “Ông không phải là bố tôi”…

Nhớ “mùa kịch” Lưu Quang Vũ năm trước tại Nhà hát Tuổi trẻ, trong giờ giải lao của suất diễn vở “Lời thề thứ 9”, một cụ ông được cháu gái đưa từ Gia Lâm sang xem kịch, thắc mắc: “Tôi muốn xem thêm vở “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, vậy mua vé ở đâu? Cuối buổi, tôi ra quầy mua luôn có được không?”.

Thì ra, cụ ông đang tỏ vẻ khó chịu vì lần này cháu gái mua vé chậm (qua fanpage nhà hát) làm ông phải ngồi ở bên hàng ghế cánh gà, khá xa sân khấu. Trong khi ông muốn được tập trung nhìn rõ động tác, cử chỉ, điệu bộ khi nghệ sĩ hóa thân vào vai diễn mà ngồi chéo thế này rất khó cảm nhận.

Vở kịch “Lời thề thứ 9” ông đã xem từ những năm 80 của thế kỷ trước, thế hệ có Chí Trung, Lê Khanh… biểu diễn. Giờ xem lại phiên bản của thế hệ mới ông cũng khá hài lòng song vẫn tiếc…

Trước đó, một vị khách vội vã đến rạp 11 Ngô Thì Nhậm với chiếc ba lô còn lấm bụi đường trên vai. Anh kể, vừa từ Sài Gòn ra, anh vội bắt taxi đến thẳng nhà hát cho kịp giờ mở màn. May đường sá không tắc nên anh vẫn dư thời gian để chụp tấm hình bên pano tái hiện lại khung cảnh Hà Nội xưa của nhà hát.

Vị khách ấy là thầy giáo chuyên dạy Toán - Tin nhưng lại rất mê kịch, mê từ thuở nhỏ. Anh đã xem nhiều vở diễn được dàn dựng từ kịch bản của Lưu Quang Vũ và đây là lần thứ 2 anh xem vở kịch “Lời thề thứ 9” vì “càng xem càng thấy hay, thấy chí lý”. Riêng vở “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” thì lần đầu anh được biết đến nên liền đặt lịch cho suất diễn gần nhất…

Một cảnh trong vở 'Người trong cõi nhớ' của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: Bình Thanh.

Một cảnh trong vở 'Người trong cõi nhớ' của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: Bình Thanh.

Với nghệ sĩ, việc được dàn dựng và tham gia vai diễn các tác phẩm do Lưu Quang Vũ viết luôn là niềm hạnh phúc xen lẫn vinh dự. Chẳng thế mà khi đảm nhiệm việc phục dựng loạt kịch bản: “Mùa hạ cuối cùng”, “Lời nói dối cuối cùng”, “Ai là thủ phạm”, “Tin ở hoa hồng”… cho Nhà hát Tuổi trẻ, NSƯT Chí Trung luôn nâng niu, chăm chút từng chi tiết trong kịch bản.

Vẫn bổ sung màu sắc hiện đại song chỉ qua cách thiết kế sân khấu với những chuyển động đa dạng, âm nhạc nhiều màu sắc, gần với thế hệ trẻ còn lại anh luôn bám sát nguyên tác.

Cũng bởi, đã từng thủ nhiều vai trong các vở kịch của Lưu Quang Vũ từ những buổi đầu Nhà hát Tuổi trẻ là “bà đỡ”, anh hiểu rằng, kịch của cây bút tài hoa này luôn gọn gàng, chặt chẽ, sắc sảo và đắt giá trong mọi thời điểm.

Đặc biệt, chính đạo diễn này đã góp sức để Nhà hát Tuổi trẻ “chắp cánh” cho các vở kịch ấy có hàng trăm đêm diễn không chỉ ở Hà Nội mà còn đến với khán giả nhiều tỉnh thành trong cả nước như: Hưng Yên, Ninh Bình, Bắc Ninh, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, TP. Hồ Chí Minh... qua dự án “Chắp cánh niềm tin” được nhà hát phối hợp với ngân hàng SHB thực hiện trong nhiều năm.

“Được sáng tạo từ những kịch bản Lưu Quang Vũ viết, chúng tôi lớn lên rất nhiều cả về kỹ năng dàn dựng, diễn xuất lẫn cách tư duy về thực tế cuộc sống. Khi làm tốt, chúng tôi luôn nhận được niềm tin yêu từ khán giả...”, NSƯT Chí Trung từng chia sẻ.

Còn với diễn viên Thanh Sơn – người thủ nhiều vai chính trong các vở diễn của Lưu Quang Vũ, anh gọi đó là sự may mắn đặc biệt, không phải nghệ sĩ nào cũng có được. Khi nói về cơ duyên này, Thanh Sơn đã bày tỏ: “Tôi trân trọng từng cơ hội và luôn cố gắng xứng đáng với những gì tác giả, đạo diễn trao gửi cũng như khán giả mong đợi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ