Nhà hát Tuổi trẻ là một trong những nơi Lưu Quang Vũ gắn bó nhiều nhất, với loạt tác phẩm kinh điển được dàn dựng khi ông đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Tuy nhiên, “Sóng” không phải là dựng lại kịch của ông như thường lệ, mà do đạo diễn - NSƯT Cao Ngọc Ánh ấp ủ từ một năm trước.
Nhạc kịch thuần Việt
NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - tác giả của “Trời biếc thu sang”, một vở diễn khắc họa sự đa tài của nữ sĩ Xuân Quỳnh, cho biết: “Nếu chọn một tác phẩm kinh điển sẵn có thì có lẽ sẽ đông người xem. Đấy là cách làm dễ và an toàn. Nhưng tôi đang muốn làm nhạc kịch thuần Việt, mang nội dung, âm hưởng và phong cách Việt”.
Sau Đại hội 13 của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc, những người làm văn hóa có một niềm tin, một sự thúc đẩy, cảm thấy vai trò của văn hóa đã được đánh giá và coi trọng. Trong đó có lĩnh vực công nghiệp văn hóa cũng được đưa lên trở thành mũi nhọn để phát triển.
Từng là một trong số các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ sang Nhật học hỏi xây dựng nhạc kịch, nghệ sĩ Cao Ngọc Ánh không thể thôi nghĩ tới những Lion King, Mamma Mia ở Tokyo, luôn ước ao để khán giả Việt xem được nhạc kịch nhiều hơn. Và “Sóng”, có lẽ là kết quả của sự ao ước và khám phá sáng tạo của đạo diễn nhạc kịch Việt.
“Tôi đã đọc thơ của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ. Càng đọc càng bị cuốn vào, tôi thấy mảng thơ của hai người rất đẹp. Tôi nghĩ phải đến 65% khi được hỏi có thuộc câu thơ nào của Xuân Quỳnh không, thì ít nhất họ thuộc một câu”, nghệ sĩ Cao Ngọc Ánh chia sẻ.
Trong một cuộc họp, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - NSƯT Chí Trung có hỏi “năm sau chúng ta làm gì?”. Câu hỏi khiến đạo diễn Ngọc Ánh suy nghĩ, và từ đó ấp ủ kể câu chuyện về tình yêu tuyệt đẹp giữa Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ.
Chị Ngọc Ánh nói rằng, hai người gặp được nhau như thuyền được thả ra biển. Họ yêu nhau là vì họ cảm nhau về tư tưởng, họ đồng điệu rồi mới yêu nhau, họ vượt qua tất cả mọi hà khắc về quan niệm để đến với nhau. Vì họ cảm thấy rằng, có nhau thì con người họ mới được tròn trịa là mình, mới được thật sự thỏa mãn cả tâm hồn và thể xác.
“Bằng lời thoại chân thật và âm nhạc hiện đại, “Sóng” cuốn sâu vào những góc nhỏ nhất trong đời sống thực. Để khán giả có thể khóc, cười và trái tim có thể rung lên khi nhìn thấy một phần xã hội được phản chiếu trong vở nhạc kịch”, đạo diễn Ngọc Ánh cho hay.
Dám hi sinh vì ước mơ
Nhạc kịch “Sóng” bắt đầu với câu chuyện khi Xuân Quỳnh là diễn viên múa 18 tuổi xinh đẹp, sôi nổi và đầy khát vọng. Tại nhà hát, cô nảy sinh tình yêu với nhạc công Trọng Khoa. Họ nhanh chóng kết hôn và có với nhau một cậu con trai.
Ngoài múa, Xuân Quỳnh luôn khao khát trở thành một văn nhân nên đã chuyển sang học viết văn và làm việc tại nhà xuất bản. Trong thời gian này, cô gặp Đăng Dương - con của một người bạn thơ cao tuổi.
Đăng Dương cảm mến văn tài và rung động trước vẻ đẹp cũng như tính cách sôi nổi của bậc đàn chị Xuân Quỳnh. Khi Quỳnh đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp thi ca, cũng là lúc cuộc hôn nhân đầu tiên rạn nứt.
Cô cảm thấy buồn tủi vì không tìm được sự hòa hợp với chồng. Cô đi đến quyết định khó khăn - chia tay Khoa và tái hôn với Đăng Dương trước búa rìu kỳ thị của xã hội, và sự phản đối gay gắt từ người thân.
Dù cuộc sống khó khăn, vất vả chồng chất nhưng vì hòa hợp, đồng điệu với nhau nên gia đình sống đong đầy hạnh phúc. Một căn nhà chỉ 6m2 mà con anh, con tôi, con chúng ta lại cùng sống vui vẻ, tiếng cười rộn rã.
Cho đến khi Đăng Dương dần gặt hái những thành công trong nghề, thường xuyên phải công tác xa nhà và được nhiều bóng hồng ngưỡng mộ. Cùng lúc này, căn bệnh tim của Quỳnh tái phát khiến cô nhập viện. Cô bắt đầu tự vấn về cuộc đời, về ước mơ và tình yêu đích thực.
Vai Xuân Quỳnh được trao cho Thu Thảo - sinh viên Thanh nhạc Trường ĐH Văn hóa. Lê Việt Anh từng tốt nghiệp thủ khoa Thanh nhạc Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, đã vượt qua các ứng viên vào vai Đăng Dương (nguyên mẫu từ Lưu Quang Vũ).
Xuyên suốt vở nhạc kịch “Sóng”, ê-kíp sử dụng lời thoại được sáng tạo dựa trên các bài thơ nổi tiếng của Xuân Quỳnh như: Sóng, Nếu ngày mai em không làm thơ nữa, Tự hát, Dẫu em biết chắc rằng anh trở lại… để nói lên tiếng lòng của nhân vật.
Những bức thư tình vượt thời gian của vợ chồng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ cũng được gửi gắm vào vở nhạc kịch. Đó chính là chất thơ, là gia vị nhằm làm tròn trịa hơn không khí lãng mạn, yêu đương rất đời và cũng rất thơ thời bấy giờ.
Điểm đáng chú ý nhất trong dàn dựng của “Sóng” là hình tượng thuyền và biển được khai thác tối đa để khắc họa cuộc đời và những thăng trầm của nữ thi sĩ. Ca khúc “Thuyền và biển” được phối khí như người kể chuyện.
Vở nhạc kịch còn có sự bắt tay giữa Nhà hát Tuổi trẻ và nghệ sĩ Nguyễn Triều Dương. Triều Dương trở về từ Anh quốc sau thời gian lưu trú và được đào tạo bài bản về nhạc kịch. “Sóng” còn có cố vấn nghệ thuật NSƯT Chí Trung, trợ lý đạo diễn Vũ Minh Ly, đạo diễn sân khấu Duy Anh, nhạc sĩ Bùi Tường Văn và chỉ huy dàn nhạc - nhạc sĩ Minh Đạo...