Mùa thu, thổn thức cùng kịch Lưu Quang Vũ

GD&TĐ - Thu đến là dịp khán giả hẹn hò với kịch Lưu Quang Vũ, có khi là một liên hoan ở khắp các rạp hát nhưng cũng có khi chỉ ở rạp Nhà hát Tuổi trẻ.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Mỗi khi thu đến cũng là dịp khán giả hẹn hò với kịch Lưu Quang Vũ, có khi là một liên hoan ở khắp các rạp hát nhưng cũng có khi chỉ ở địa chỉ quen thuộc - rạp Nhà hát Tuổi trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm.

Điều lạ là, dù diễn ra trong suốt mười năm qua, giữa lúc sân khấu bị cho rằng “khán giả quay lưng” nhưng cuộc hẹn hò này lúc nào cũng làm rộn ràng những bước chân đong đầy sự háo hức tinh khôi.

Sáng đèn trong tháng 8 và cả tháng 9 này để xoay vòng với những vở diễn được dàn dựng từ các kịch bản của Lưu Quang Vũ viết cách đây cả nửa thế kỷ như: “Lời thề thứ 9”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, “Ông không phải là bố tôi”, “Ai là thủ phạm”, các suất diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ đều được đặt chỗ từ sớm.

Nhiều khán giả còn than phiền vì sao nhãng một chút mà bỏ lỡ những tấm vé hạng A, để rồi lại cười xòa: Không sao, vào được rạp hát để nghe kịch Lưu Quang Vũ cũng mãn nguyện rồi. Nhiều người không chỉ xem đủ 4 vở diễn, mà còn trở lại lần 5, lần 6, để trong khán phòng, len vào những mái tóc muối tiêu còn có những mái tóc xanh của tuổi trẻ cũng say sưa đắm mình…

Vậy, vì sao kịch Lưu Quang Vũ kể những câu chuyện ở một thời xa lắc – thời bao cấp – mà vẫn có sức hút bền bỉ đáng kinh ngạc đến vậy? Vì sao đến rạp là khán giả vẫn có thể khóc cười với từng tình huống, từng bối cảnh; vẫn có thể hòa cảm xúc của mình vào cảm xúc của nhân vật mà không thấy cũ rích, không lắc đầu kêu ca: “Lại chuyện ngày xưa…”. Nhất là, những dư vị của mỗi vở kịch luôn đọng mãi trong tâm trí, trong cảm xúc khi trở về nhà.

Tất nhiên, nếu những vở diễn xưa cũ ấy không đi đến tận cùng những dằn vặt, khổ đau, không cất cao tiếng nói, nỗi lòng của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân lao động thì nó có thể khiến khán giả rưng rưng nước mắt được không?

Nếu những vở diễn một thời ấy không dám mổ xẻ các vấn đề tồn tại muôn đời của xã hội, của con người, từ những thói quan liêu, đạo đức giả, cửa quyền, hối lộ, bè phái, giáo điều đến những tật xấu: Gia trưởng, bệnh sĩ, háo danh, háo lợi… thì làm sao đủ sức đưa khán giả vào những giây phút hả hê, hân hoan, ngẫm ngợi, suy tư để không ít lần cũng thầm chột dạ?

Nhưng, dù có đắng đót, có chua cay, có buồn tủi, thậm chí có cả những giây phút tuyệt vọng đánh mất niềm tin đến bao nhiêu đi chăng nữa thì cuối cùng kịch Lưu Quang Vũ luôn hướng đến những nguồn sáng tươi xanh vượt thời đại của tình yêu, lòng bao dung, sự thức tỉnh, đồng cảm và sẻ chia…!

Quả đúng như nhà phê bình Ngô Thảo từng nhận xét: “Anh Vũ không chỉ tạo ra được những tấm kính mặt phẳng để phản ánh cuộc sống một thời nào cho chúng ta soi mà bản thân anh Vũ đã tạo ra những viên ngọc để thời nào chúng ta cũng soi được”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.