Chùa Hương “ngọn” và chùa Hương “gốc”

Chùa Hương “ngọn” và chùa Hương “gốc”

Cả 2 chùa Hương, gọi đầy đủ thì chùa Hương Tích, gọi theo dân gian lại rất Việt Nam là chùa Thơm.

Chùa Hương “ngọn”

Ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, có quần thể chùa Hương tọa lạc trong thung lũng rộng khoảng 6km2. Lâu nay, du khách cùng khách hành hương dạo thăm quần thể này theo 3 tuyến chính.

Tuyến thứ nhất, từ bến Đục bên bờ sông Đáy, khách ngồi đò theo dòng suối Yến, chui qua cầu Hội (gọn hóa địa danh Hội Xá), ghé đền Trình còn gọi đền Ngũ Nhạc xong, thiện nam tín nữ từ bến Trò tản bộ vào chùa Thiên Trù (chữ Hán mang nghĩa Bếp Trời) / chùa Trò / chùa Ngoài. Tại khu vực chùa Thiên Trù, qua tam quan “Nam thiên môn”, khách vào chính điện thờ Tam Bảo gồm 2 tầng, quanh đó có đỉnh đồng giữa sân, nhà thờ tổ, điện thờ Thánh Mẫu, buồng cung văn, gác tàng thư, gác sư trụ trì, nhà quan cư, nhà oản, nhà lẫm (thóc gạo), mộ tháp, nhà bia, suối điện, hồ song nguyệt... 

Chùa Thiên Trù từng bị quân đội Pháp phá hủy vào năm 1947, những công trình hiện nay được tái thiết sau này, tuy nhiên vẫn còn một số di vật mà nổi trội có chuông đồng đúc từ thời Tây Sơn, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ nhì, nhằm năm Giáp Dần 1794.

Rời chùa Thiên Trù, khách thập phương viếng chùa Giải Oan, động Thanh U / am Phật Tích, động Tuyết Quỳnh quen bị gọi động Tuyết Kình, đền Trấn Song / Cửa Võng, chùa Hinh Bồng trong động cùng tên.

Đích đến của tuyến đầu tiên là động Hương Tích, cách chùa Thiên Trù 2.040m. Sách Thăm cảnh Hương Sơn, đọc thơ Hương Tích do Trần Lê Văn và Vũ Quần Phương hợp soạn (Ty Văn hóa Thông tin Hà Sơn Bình ấn hành, 1981) có đoạn: “Thiên Trù có quan hệ mật thiết với Hương Tích như hai câu thơ bổ sung cho nhau mới trọn vẹn một ý, tứ. Thiên Trù là chùa Ngoài. Hương Tích là chùa Trong. Khách từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài đều phải qua Thiên Trù. Hương Tích là bề sâu, Thiên Trù là bề rộng”.

Động Hương Tích bảo lưu thư pháp của chúa Trịnh Sâm với 5 đại tự “Nam thiên đệ nhất động” khắc trên vách đá vào năm Canh Dần 1770, Lòng động Hương Tích có nhiều măng đá, vú đá, trụ đá tạo bao hình thù như cà sa, khánh, quả bòng, trái bưởi, lợn mẹ, lợn con, đụn rơm, đụn gạo, cây bạc, cây vàng, đầu cô, đầu cậu, vú sữa mẹ... Trong động còn bia đá khắc bài thơ chữ Hán Vịnh Hương Sơn của danh sĩ, đại thần Bùi Dị (1833 - 1895). Động Hương Tích thờ tượng đá xanh Bồ Tát Quán Thế Âm do võ quan Nguyễn Huy Nhật cùng vợ Nguyễn Thị Huề phát tâm dâng cúng vào năm Quý Sửu 1793, thời Tây Sơn.

Tuyến thứ nhì dùng đò theo suối Long Vân, một nhánh của suối Yến, khách vào động Long Vân, hang Thánh Hóa, động Cây Khế / động Âm, động Người Xưa, động Hương Đài, chùa Thanh Sơn.

Tuyến thứ ba từ bến Phú Yên, khách được đò đưa theo suối Tuyết, viếng chùa Bảo Đài, chùa Cá, rồi chùa Tuyết trong động cùng tên.

Tham quan cả 3 tuyến phải dành 3 ngày liền. Vì vậy, rất đông khách chỉ “sáng đi, chiều về” theo tuyến thứ nhất. Đến đây, khách còn thích thú thưởng thức nhiều đặc sản như canh rau sắng, chè củ mài, cùng nhiều món chế biến từ cây mơ: Quả mơ tươi chín, rượu mơ, xi rô mơ, trà mơ / chè mai... Từ mùng 6 tháng Giêng đến hạ tuần tháng 3 âm lịch, đông đảo khách gần xa trẩy hội chùa Hương.

Chùa Hương “ngọn” và chùa Hương “gốc” ảnh 1
Nhà bia Thiên Trù trong quần thể chùa Hương ở huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Ảnh: Phanxipăng

Chùa Hương “gốc”

Theo sách Hương Sơn Thiên Trù thiền phả, chùa Hương ở huyện Mỹ Đức được khởi dựng vào năm Bính Dần 1686, đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa VII. Bia đá nơi chùa Thiên Trù được khắc vào niên điểm đó, nội dung cũng thế.

Số là thuở nọ, đông đảo phi tần mỹ nữ của vua Lê và chúa Trịnh có gốc gác Thanh Nghệ Tĩnh nên họ chuộng vào miền Trung dự lễ chùa Hương trên núi Hồng Lĩnh / Ngàn Hống, nhất là dịp trẩy hội ngày 18 tháng 2 âm lịch. Dẫu bố trí quân sĩ bảo vệ hành trình cho các người đẹp, nhưng chúa Trịnh Căn (1633 - 1709) chẳng an tâm, bèn lệnh tìm nơi gần kinh thành Thăng Long để dựng chùa. Hòa thượng Trần Đạo Viên Quang làm được điều đó, tạo chùa Hương “phó bản” tại Mỹ Đức vào năm Bính Dần 1686. Sự thật, trước đó, trong thung mơ Hương Tích cũng đã xuất hiện một số vị tăng lập thảo am tu tập.

Chùa Hương trên núi Hồng Lĩnh, độ cao 650m, nay thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, được mệnh danh “Hoan Châu đệ nhất danh thắng” là ngôi chùa đứng đầu 21 danh lam thắng cảnh ở Nghệ An và Hà Tĩnh thuở xưa. Tương truyền chùa Hương này được khởi lập từ thế kỷ XIII.

Chùa Hương ở Can Lộc là quần thể am, đền, điện, miếu, chùa, cung, hang, động được tôn tạo nhiều lần, lần đại trùng tu mới đây vào năm 2006. Quần thể này có thể chia 3 khu vực chính gồm Thượng điện, đền Thiên Vương và am Thánh Mẫu. Nơi đây còn nhiều hạng mục tự nhiên lẫn nhân tạo thu hút khách muôn phương như động Tiên Nữ, am Phun Mây, miếu Cô, suối Tiên Tắm, khe Quỷ Khóc.

Vì nhiều nguyên nhân, chùa Hương “gốc” ở Can Lộc lâu nay chẳng thể thu hút đông đảo thiện nam tín nữ bằng chùa Hương “ngọn” ở Mỹ Đức. Sách 108 danh lam cổ tự Việt Nam của Võ Văn Tường (NXB Thuận Hóa, Huế, 2007) giới thiệu chùa Hương ở Mỹ Đức nhưng chẳng đề cập chùa Hương trên Ngàn Hống. Lễ hội cả 2 chùa năm nay, Canh Tý 2020, đành không thể tổ chức vì phòng và chống đại dịch Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Ứng xử nơi tôn nghiêm

GD&TĐ - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vừa mới khai trương đã thu hút sự chú ý của nhiều người.