Chùa Hương (Hà Nội): Dự án du lịch tâm linh 15.000 tỷ đồng?

GD&TĐ - Trong Công văn gửi UBND TP Hà Nội mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường vừa đề nghị thực hiện siêu dự án du lịch tâm linh có quy mô 1.000 ha ở khu vực chùa Hương, với tổng vốn đầu tư lên đến 15.000 tỷ đồng...

Du khách vãn cảnh chùa Bảo Đài, thuộc Quần thể thắng cảnh Hương Sơn. Ảnh: Đăng Chung
Du khách vãn cảnh chùa Bảo Đài, thuộc Quần thể thắng cảnh Hương Sơn. Ảnh: Đăng Chung

Dự án du lịch tâm linh

Theo đó, ngày 25/11 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thành phố Hà Nội đã có Công văn số 7257/KH&ĐT-NNS gửi UBND thành phố Hà Nội về việc doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường đề xuất đầu tư xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức.

Công văn cho biết: Ngày 13/11, Sở KH&ĐT thành phố Hà Nội đã chủ trì cuộc làm việc, nghe đại diện doanh nghiệp Xuân Trường báo cáo tóm tắt ý tưởng dự án khu du lịch tâm linh Hương Sơn và đang tính cực phối hợp, đôn đốc triển khai, tổng hợp đề xuất, báo cáo thành phố trong tháng 12/2018. Cũng theo công văn này, tập thể UBND thành phố đã họp và chỉ đạo Sở KH&ĐT chủ trì họp với các doanh nghiệp để nghiên cứu đề xuất trên.

Những năm gần đây, Xuân Trường là doanh nghiệp đã đầu tư và đề xuất đầu tư nhiều khu du lịch tâm linh như: Quần thể Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình), Khu Du lịch Tam Chúc - Ba Sao (Hà Nam), Khu tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (Hải Phòng), Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên)… 

Trước đó, ngày 5/9, Sở KH&ĐT TP đã có Công văn số 5360/KH&ĐT-NNS gửi UBND TP Hà Nội về việc doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đề nghị đầu tư xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn. Theo công văn này, doanh nghiệp đề xuất xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức với quy mô khoảng 1.000 ha (phía Bắc giáp khu bến đò Suối Yến, phía Nam giáp khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao của tỉnh Hà Nam, phía Tây là dãy núi giáp với tỉnh Hòa Bình, phía Đông giáp sông Đáy tỉnh Hà Nam), tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng. Dự án gồm các hạng mục như: Nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 20km (giống như Tràng An); khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực; xây dựng một tháp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao 100m để thờ Xá Phật Lợi (tâm điểm là tháp đá đỏ granit); xây dựng hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng.

Trong công văn, ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường kiến nghị: “Chùa Tam Chúc nằm sát với chùa Hương (Hà Nội). Chính vì vậy doanh nghiệp muốn xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội ở giữa chùa Tam Chúc và chùa Hương, với diện tích 1.000 ha gồm núi đá có cây và đầm lầy. Nếu được TP Hà Nội đồng ý chúng tôi sẽ đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng”.

“Nếu được triển khai, doanh nghiệp cam đoan Khu du lịch tâm linh Hương Sơn sẽ trở thành di sản văn hóa cùng với khu du lịch Tam Chúc Hà Nam vào năm 2028; khi khu du lịch hoàn thành, sẽ đón từ 6 - 8 triệu lượt khách/năm, tạo việc làm cho 30.000 lao động và ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng/năm” - Công văn số 5360/KH&ĐT-NNS cho biết.

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích

Trao đổi với Báo GD&TĐ sáng 13/12, ông Nguyễn Bá Hiển - Phó Ban quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết, tới thời điểm này vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản nào từ doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng liên quan đến đề xuất đầu tư xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn.

Phó Ban quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn nhấn mạnh, dự án mà giúp khu di tích tốt hơn, tăng thêm lượng du khách về với di tích thì Ban quản lý hoàn toàn ủng hộ để phát triển, hoàn thiện tốt hơn các sản phẩm du lịch chất lượng cao. “Về việc nạo vét các dòng chảy, khôi phục, tôn tạo đền chùa, miếu mạo trong khu vực cũng cần thiết bởi cơ sở vật chất chùa Hương chưa thật sự đáp ứng hết được lượng khách vào dịp lễ hội và tiềm năng phát triển du lịch tại đây...” - ông Hiển chia sẻ.

Liên quan đến thông tin về dự án, đại diện lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức nhấn mạnh với Báo GD&TĐ rằng nếu có, dự án phải bảo tồn, phát huy tốt giá trị của các khu di tích thắng cảnh Hương Sơn. Đồng thời, phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch và hạn chế tối đa sự tác động của con người vào thiên nhiên…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.