Gia tài văn chương của Nguyễn Nhược Pháp

GD&TĐ - Cuốn sách “Hoa một mùa” vừa ra mắt độc giả nhân kỷ niệm 80 năm ngày mất của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, đã mang lại cái nhìn toàn diện về văn nghiệp của ông. Nhờ tuyển văn này giới nghiên cứu phê bình văn học và độc giả cảm nhận rõ ràng hơn văn tài của một bậc “tài hoa bạc mệnh” chỉ có 24 năm “ở trọ thế gian”.

Tuyển văn “Hoa một mùa” của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp
Tuyển văn “Hoa một mùa” của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp

Không phải “tác giả một bài”

Nhiều năm qua, mỗi khi nghe đến cái tên Nguyễn Nhược Pháp người ta nhớ ngay đến hai bài hát quen thuộc “Đi chùa Hương”, “Em đi chùa Hương” do GS Trần Văn Khê và nghệ sĩ Trung Đức phổ nhạc từ bài thơ “Chùa Hương” của ông. Công chúng mới phần nào biết được Nguyễn Nhược Pháp là một nhà thơ mà không biết tài năng của ông còn thể hiện ở nhiều lĩnh vực.

Sau 80 năm sau ngày ông rời cõi tạm, tuyển văn “Hoa một mùa” do NXB Phụ nữ phát hành đã tập hợp đầy đủ tác phẩm trong mọi lĩnh vực sáng tác của ông khiến nhiều người vô cùng thán phục thành tựu và những giá trị mà văn nhân 24 tuổi Nguyễn Nhược Pháp để lại.

“Hoa một mùa” gồm 3 truyện ngắn (Tình trẻ thơ, Mẹ và con, Bức thư), 6 vở kịch (Một chiều Chủ nhật, Khỏi nấc, Sầm Sơn, Bữa cơm, Người học vẽ, Người lao), 10 bài phê bình bằng tiếng Pháp (về Thế Lữ, Nguyễn Công Hoan, truyện Vua Hàm Nghi, Đời mưa gió, bài thơ Vần và điệu, sân khấu kịch đương thời...).10 bài thơ cho thấy tác giả tập trung vào các nhân vật trong truyền thuyết (Chùa Hương, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Mỵ Châu, Giếng Trọng Thủy, Tay ngà, Mỵ Ê, Một buổi chiều xuân, Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống, Đi cống, Mây).

Truyện ngắn và kịch của Nguyễn Nhược Pháp lấy chủ đề chung là các câu chuyện trong gia đình buổi giao thời với những xung đột mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, giữa bạn bè đồng trang lứa. Nguyễn Nhược Pháp được tiếp xúc với nền giáo dục phương Tây từ rất sớm, giỏi tiếng Pháp nhưng nhờ được tiếp thu vốn hiểu biết uyên thâm từ người cha, học giả Nguyễn Văn Vĩnh nên có tình yêu sâu đậm với văn hóa và văn học dân gian. Trong điều kiện thuận lợi đó, tài năng Nguyễn Nhược Pháp đã nảy nở và phát lộ.

Theo sự nhìn nhận của nhà thơ Vũ Quần Phương, Nguyễn Nhược Pháp được tiếp thu những mầm mống âm điệu của Thơ Mới từ chính người cha, học giả Nguyễn Văn Vĩnh - cây cầu nối văn hóa Đông - Tây buổi giao thời. Đọc thơ cha dịch từ thơ La Fontaine với sự phá bỏ luật lệ, âm điệu của lối thơ cũ, chú trọng tính tư tưởng và lối biểu đạt phóng khoáng, Nguyễn Nhược Pháp đã tiếp thu và có nhiều ảnh hưởng rõ rệt. Bây giờ, dưới các góc độ soi chiếu, nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học nhận định, Nguyễn Nhược Pháp là một trong những người khởi đầu cho một trào lưu văn học. Bởi năm 1938, khi Nguyễn Nhược Pháp mất, các tài năng của phong trào Thơ Mới còn chưa xuất hiện hết. Năm 1940 “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu mới in tập thơ đầu tiên...

Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp
Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp 

Gia tài văn chương đáng giá

Được tiếp xúc với bài thơ “Sơn Tinh, Thủy Tinh” từ thời đi học lớp đệ lục do thầy Nguyễn Xuân Huy giảng dạy, nhà thơ Vũ Quần Phương giữ mãi những cảm nhận sâu sắc. Ông chia sẻ: Nguyễn Nhược Pháp chỉ có một tập thơ mỏng mang tên “Ngày xưa” với 10 bài thơ nhưng đã làm nên tên tuổi một tác giả. Hai bài thơ thành công nhất của Nguyễn Nhược Pháp là “Sơn Tinh, Thủy Tinh” và “Chùa Hương”.

Ý nghĩa của văn chương không phụ thuộc vào số lượng mà cần sự tinh tế và nét đặc sắc riêng. Giữa nhiều giọng thơ, Nguyễn Nhược Pháp đã có một hương vị riêng. Bài thơ “Sơn Tinh, Thủy Tinh” mở ra một thế giới thần tiên gần gũi, dào dạt cảm xúc với nét ngây thơ sơ khai của thế kỷ. Bài thơ “Chùa Hương” diễn đạt rất hóm hỉnh diễn biến tâm lý của cô gái tuổi cập kê, vừa ngại ngùng muốn giấu mình đi lại vừa muốn khoe ra những niềm rung động hân hoan, mới mẻ, bộc lộ cái nhìn hồn hậu của Nguyễn Nhược Pháp về con người.

Cái duyên của Nguyễn Nhược Pháp mà nhà thơ Vũ Quần Phương luận giải chính là ở chỗ cả trong thơ và truyện ông đều rất tinh tế trong thi pháp, bút pháp phân tích tâm lý nhân vật. Lời văn giản dị mà hóm hỉnh, kín đáo, các nhân vật tự bộc lộ dung mạo, tính cách qua lời nói cử chỉ, thái độ, không rạch ròi tốt hay xấu mà đan cài, lẫn lộn như đời thực, nhà văn không bình luận, không cần có ngoại đề.

Văn tài Nguyễn Nhược Pháp thể hiện trong những bài phê bình ngắn gọn nhưng nhạy bén, thẳng thắn nhưng không thiên kiến. Tranh luận nhưng vẫn giữ chừng mực ôn tồn, mỉa mai một cách lễ phép. Cách phê bình thói hư tật xấu của Nguyễn Nhược Pháp là một nụ cười nhẹ nhàng, đánh thức sự xấu hổ giúp người ta tự ngượng và tự sửa chứ không dùng ngôn từ sâu cay, đao to búa lớn.

Nhấn mạnh chất anh nhi trong văn chương của Nguyễn Nhược Pháp, PGS.TS Văn Giá cho rằng: “Có thể coi Nguyễn Nhược Pháp là người đầu tiên mở ra dòng văn học thiếu nhi cho thời hiện đại. Cái nhìn hóm hỉnh của ông là cách tỏ thái độ, bình giá của người hôm nay với những sự việc diễn ra ở thời đã qua. Ông không làm nghiêm trọng sự việc mà làm tăng lên tính tươi vui, hài hước, dựng lại theo lối hoạt cảnh. Trong tư duy, Nguyễn Nhược Pháp đã sân khấu hóa sự kiện. Sức hấp dẫn thật khó phân biệt rạch ròi đâu là chất trẻ con trong sáng của người có tuổi, đâu là chất đôn hậu, khoan dung, chừng mực của một người trưởng thành trong một người còn quá trẻ…”.

Theo TS Văn học Mai Anh Tuấn, giới học thuật và người yêu văn chương cần khẳng định giá trị và thành tụu sự nghiệp các tài năng như Hàn Mặc Tử, Vũ Trọng Phụng và cả Nguyễn Nhược Pháp để lại mà không cần gắn vào chữ “tài hoa bạc mệnh” nữa. “Dù ra đi từ tuổi 24, mới sáng tác được 10 bài thơ,“nhưng bằng một sự tinh tế và mẫn cảm, Nguyễn Nhược Pháp đã nhìn ra sự khác thường và những nỗi buồn, éo le trong thân phận con người. Quan niệm văn chương của Nguyễn Nhược Pháp tiến bộ với những nhận xét thức thời. Với hai bài thơ đặc sắc, có ý vị riêng đủ giúp tên ông đứng vững trên văn đàn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.