Rễ cây rung rúc cho vị thuốc thiết bao kim có vị đắng, tính bình. Có tác dụng thông ứ huyết, trừ phong thấp, tiêu thũng độc…
Cây rung rúc còn được gọi là rút rế, cứt chuột, đồng bìa, lão thử nhĩ, cẩu cước thích, đề vân thảo, thiết bao kim, ô long căn, câu nhi trà, ... tên khoa học là Berchemia lineata (L.) DC., thuộc họ Táo.
Là loại cây leo, cành rất mảnh, hình trụ, lúc non màu xám nhạt, sau màu hồng nâu, nhẵn, trơn, cứng rắn. Lá đơn, mọc cách, hình bầu dục, tròn ở hai đầu, gân nổi rõ rệt, mép nguyên, mặt trên màu lục, mặt dưới màu xám.
Hoa màu trắng, mọc thành chùm ở kẽ lá hay đầu cành. Quả hình cầu dài, màu tím đen. Cây mọc hoang khắp nơi, thường thấy ở các bờ bụi, ven đường.
Một số bài thuốc theo kinh nghiệm
Bài 1: Chữa mụn nhọt sưng đau (chưa vỡ mủ): Lá non của cây rung rúc 30g; rửa sạch, để ráo nước, giã nát với chút muối, đắp lên mụn nhọt sau 2 giờ tháo băng, đắp ngày 1 lần. Đồng thời dùng cúc hoa trắng 15g, cam thảo 5g, đổ 200ml nước sắc còn 100ml, chia 2 lần nước trong ngày. Uống liền 5 ngày.
Bài 2: Chữa ho lâu ngày do nhiễm lạnh: Rễ rung rúc 30g, xuyên phá thạch 10g, cam thảo 9g. Tất cả cho vào ấm, đổ 700ml nước sắc còn 300ml chia 3 lần uống trong ngày sắc uống trong ngày, uống lúc còn ấm. 10 ngày một liệu trình.
Hoặc lá và cành non của cây rung rúc 60g rửa sạch, đổ 200ml nước sắc còn 100ml, đổ 60ml rượu trắng đun sôi, chia 2 lần uống trong ngày uống liên tục trong 15 ngày.
Bài 3: Hỗ trợ điều trị trĩ ngoại: Lá và cành non của cây rung rúc 30g, rửa sạch, thái ngắn; đuôi lợn 1 cái, làm sạch, chặt khúc ướp vừa, đổ nước và để lão thử nhĩ hầm nhừ ăn cả nước lẫn cái. 10 ngày một liệu trình.
Bài 4: Chữa mẩn tịt: Rễ cây rung rúc 30g, đổ 500ml nước sắc còn 250, chia 3 lần uống trong ngày. 5 ngày một liệu trình.
Ngoài ra, theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của cố Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Đỗ Tất Lợi, để chữa phong tê thấp, xương khớp đau, nhức, mỏi, có thể sử dụng cây rung rúc như sau: Rễ rung rúc thái mỏng, sao vàng 200g, rượu trắng (30 - 40 độ) 1 lít; ngâm trong 15 ngày trở lên; ngày uống 20 - 30ml.