Nằm cách đất liền gần 3km, đảo Rều được chia làm 2 đảo, gồm đảo Rều Đất rộng 22ha và Rều Đá rộng 17ha. Cả 2 đảo có 14 cán bộ, công nhân viên làm công việc chăn nuôi phát triển đàn khỉ Macaca Mulatta (khỉ vàng) khoảng 1.000 để phục vụ nhiệm vụ thiêng liêng là nghiên cứu, thử nghiệm vắc - xin và các đề tài khoa học, y tế…
Đàn khỉ vàng Macaca Mulatta đang ăn cơm gạo lứt trộn đỗ đen và hoa quả tại nhà ăn trên đảo Rều.
Bác sỹ Vũ Công Long - Trại trưởng trại chăn nuôi khỉ thuộc Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế ( Bộ Y tế) cho biết, đảo Rều được thành lập từ những năm 1960, những năm đầu thường phải dùng đến 300 con khỉ vàng Macaca Mulatta để nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất các loại vắc – xin, song lượng vắc-xin cũng chỉ sản xuất được ít.
Từ khi các cán bộ trong ngành được cử đi học nước ngoài, thêm vào đó là Việt Nam nhập những công nghệ máy móc hiện đại của nước ngoài về nên mấy năm gần đâu số lượng khỉ đỡ bị tiêu tốn hơn, chỉ khoảng 100 con/năm, mà lượng vắc-xin vẫn sản xuất đủ, thậm chí còn nhiều hơn.
Một góc đảo Rều Đất nơi đang nhân nuôi thành công loài khỉ vàng Macaca Mulatta.
Trên thế giới và Việt Nam có rất nhiều loài khỉ, nhưng chỉ có khỉ vàng Maccaca Mullata mới được dùng để phục vụ cho y tế. Lý giải điều này, bác sỹ Long cho biết: Giống khỉ nuôi trên đảo Rều thuộc họ khỉ vàng Đông Nam Á, có tên khoa học là Maccaca Mullata.
Chỉ có tế bào thận của khỉ vàng này mới được điều chế vắc-xin được, các loài khỉ khác không được bởi cơ thể của khỉ vàng sạch, trong các năm qua, Trung tâm đã tiến hành kiểm tra hơn 2.000 con nhưng không phát hiện mầm bệnh gây hại cho người.
Công nhân đảo Rều gánh thức ăn lên nhà ăn để phục vụ hơn 1.000 chú khỉ vàng Macaca Mulatta.
“Những chú khỉ đủ tiêu chuẩn được lựa chọn tiến hành nghiên cứu là những chú khỉ trong độ tuổi 1,5 - 2 năm tuổi, cân nặng từ 2 - 2,5kg và thường chọn khỉ đực để nghiên cứu vì khỉ cái còn dùng để sinh sản. Trung bình khỉ đẻ 1con/lứa, khi còn sung sức thì 1 năm/1 lứa, sau đó thì cứ 2 - 3 năm/lứa.
Một khỉ cái một cuộc đời chỉ đẻ được từ 7 - 10 lứa. Tuổi thọ trung bình của khỉ vàng là 25 tuổi. 4 tuổi là những chú khỉ bắt đầu vào tuổi tình yêu. Chúng sống theo từng bầy, mỗi bầy có một khỉ chúa” – anh Long tiết lộ.
“Chúa đảo hoa quả sơn” Vũ Công Long - Trại trưởng trại chăn nuôi khỉ thuộc Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế ( Bộ Y tế) đang kiểm tra các chú khỉ vàng Macaca mulatta để chuẩn bị mang đi thử nghiệm vắc - xin.
Khỉ vàng thường có tập tính sinh hoạt bầy đàn, mỗi bầy có từ 20 đến 40 con và thường có 1 con đầu đàn đực hay còn gọi là khỉ chúa, rất to khỏe, thông minh, đặc biệt là phải biết đánh nhau khỏe để bảo vệ tranh giành lãnh thổ với các bầy khác.
Khỉ vàng Macaca mulatta đang ăn chuối.
Khác với ngoài tự nhiên, mùa giao phối hay còn gọi là “mùa tình yêu” của khỉ vàng được chăn nuôi bán hoang dã tại đảo Rều kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10 (âm lịch).
Khác với chế độ ăn “vương giả” ngày thường bữa sáng vào 9 giờ và bữa chiều vào 2 giờ, bữa cơm gạo lứt nấu với đậu, lạc cùng hoa quả. Các con khỉ đực thời gian này được công nhân viên bổ sung thêm cho ăn giá đỗ để nhằm tăng khả năng tình dục và bổ sung thêm cho khỉ cái ăn nhiều hoa quả hơn để có chất dưỡng thai và cho con bú.
Cận cảnh mẹ con loài khỉ vàng Macaca mulatta đang ăn cơm gạo lứt trộn đỗ đen tại nhà ăn trên đảo Rều.
Đặc biệt, bác sỹ Long còn tiết lộ thêm về bí quyết đặc biệt trong điều phối tỷ lệ đực, cái của khỉ vàng.
Trong tự nhiên, tỷ lệ đực – cái là 50 – 50, tuy nhiên, tại đảo, tiêu chuẩn là 1 khỉ vàng đực sẽ đảm bảo phục vụ cho 10 đến 12 khỉ cái. Để làm được điều này, hàng năm, mỗi lần đem khỉ đi nghiên cứu, phục vụ sản xuất vắc-xin, vị “chúa đảo” này thường bắt những con đực theo số lượng nhất định, từ đó sẽ tính được tỷ lệ để cân đối sao cho chuẩn nhất.
“Làm được như vậy, các thế hệ khỉ con sinh sau sẽ có chất lượng tốt nhất, trung bình 1 con khỉ chất lượng tốt có thể sản xuất được gần 1 triệu liều vắc – xin phòng bệnh cho gần 1 triệu trẻ em của Việt Nam” – “chúa đảo hoa quả sơn” Vũ Công Long chia sẻ.