Chu Văn An - Người thầy của muôn đời

Chu Văn An - Người thầy của muôn đời

(GD&TĐ) - Sự nghiệp của Chu Văn An là sự nghiệp của một nhà giáo, nhà thơ và sự nghiệp ở chốn quan trường với một "Thất trảm sớ" lưu danh thiên cổ. Trong những sự nghiệp vẻ vang ấy thì sự nghiệp giáo dục được coi là vẻ vang nhất, kì vĩ nhất để ông được đương thời và hậu thế suy tôn là "Người thầy của muôn đời".

Tượng thờ Chu Văn An tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Tượng thờ Chu Văn An tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Chu Văn An (1292-1370) là người làng Quang Liệt, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Trong chính sử Việt Nam, không có nhiều tư liệu về ông. Tuy nhiên, qua những tài liệu ít ỏi, ông được coi là "bậc nho học tiêu biểu nhất của nước Việt", là "bậc thánh cao nhất", là "ngôi sao sáng nhất trên bầu trời văn hiến Việt Nam", được hậu thế tôn vinh là "Vạn thế sư biểu", tức là "Người thầy của muôn đời".

Khi còn ở quê, ông mở trường dạy học ở Huỳnh Cung, là phần đất giáp ranh giữa hai xã Thanh Liệt và Tam Hiệp (nay thuộc huyện Thanh Trì - Hà Nội). Đại Việt sử kí toàn thư chép: "Tiếng đồn xa gần, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ". Hai học trò nổi tiếng nhất của Chu Văn An là Lê Quát quê ở Thanh Hóa và Phạm Sư Mạnh quê ở Hải Dương, đây là hai vị quan xuất thân từ khoa bảng có nhiều công lao đóng góp cho nước nhà hồi đó.

Chu Văn An không chỉ là người thông tuệ kinh sách mà còn là một nhà giáo rất nghiêm khắc, lấy mình làm gương mẫu cho học trò noi theo. Những học trò của ông tuy đã làm quan đến hàm thượng thư như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát những khi về thăm đều được thầy dặn dò chỉ bảo cặn kẽ. Những người không giữ được phẩm hạnh thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào.

Do tài năng, nhân cách, phương pháp đào tạo học trò và viết sách mà lịch sử đã tôn vinh "Chu Văn An là ông tổ đạo Nho của nước Nam ta", "Chu Văn An là nhà giáo dục đầu tiên của Việt Nam".

Tại làng Huỳnh Cung xã Tam Hiệp còn lưu dấu tích về ngôi trường của Chu Văn An ngày xưa, là một khu đất rộng, có địa thế đẹp, trên nền trường có nhiều mô đất để các môn sinh đến dựng lều chõng mà dân làng gọi là trường thi.

Tượng Chu Văn An tại khuôn viên Trường THPT Chu Văn An- Hà Nội
Tượng Chu Văn An tại khuôn viên Trường THPT Chu Văn An- Hà Nội

Chu Văn An có nhiều năm là người đứng đầu Quốc Tử Giám. Đại Việt sử kí toàn thư chép: "Minh Tông mời ông làm Quốc Tử Giám Tư nghiệp, dạy thái tử học". Ông nhập chốn quan trường từ chức Tư nghiệp và cũng rời bỏ chốn quan trường ở chức này.

Trong thời gian đứng đầu Quốc Tử Giám, Chu Văn An có nhiều đóng góp trong việc hoàn thiện chương trình truyền dạy tư tưởng Nho giáo vào Việt Nam và được lưu danh là "ông tổ của đạo Nho ở Việt Nam". Ông là người giữ chức Tư nghiệp đầu tiên và trong một thời gian dài, ông là người tài cao đức trọng và đã đóng góp lớn trong việc đào tạo nhân tài, là người đầu tiên được đưa vào thờ tại Văn Miếu.

Chu Văn An được sử sách khẳng định: "Ông thực xứng đáng là ông tổ của các nhà Nho nước Việt ta mà thờ vào Văn Miếu". Không chỉ vì tài năng, tiết hạnh trao truyền cho môn sinh mà ông còn có công mở đầu cho việc viết sách giáo khoa dùng để giảng dạy ở Quốc Tử Giám.

Với chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Chu Văn An là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Quốc học ở Việt Nam. Trải qua hơn 30 năm ở cương vị này, từ việc dạy dỗ các thái tử đến việc viết sách giáo khoa, đề xuất các tiêu chí lựa chọn người vào học, chương trình giảng dạy, thi cử để đào tạo và tuyển chọn nhân tài cho đất nước, những cống hiến của Chu Văn An với sự nghiệp giáo dục của nước nhà quả là "không ai sánh bằng".

Sinh thời, Chu Văn An đã nói: "Ta chưa từng nghe nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được". Tư tưởng của Chu Văn An đã thể hiện rõ tầm quan trọng của giáo dục đối với sự thịnh suy, hưng vong của mỗi quốc gia. Chu Văn An là một trong những người đặt nền móng cho việc đào tạo nhân tài bằng Nho học, không chỉ truyền đạt cho các nho sinh những tri thức thông qua Tứ thư, Ngũ kinh, Bắc sử, Nam sử... mà còn giáo dục về đạo lý làm người, trung với nước, hiếu với dân.

Chu Văn An đã đi tiên phong trong việc mở trường dạy học "học trò đẩy cửa", hoàn chỉnh lối học, lối thi cử cho nền giáo dục Việt Nam thời kì Trung Đại. Khi về Chí Linh ở ẩn, ông vẫn tiếp nhận học trò. Theo ông, việc dạy học phải dành cho tất cả mọi người: "Việc dạy dỗ của thành nhân không phân biệt người đến học thuộc loại nào".

Học phải đi đôi với hành: "Học mới chỉ là có mắt, hành mới có chân, có mắt có chân mới tiến bước được, có biết mới làm, có làm mới biết, cái biết trong làm mới là cái biết thực sự, cái biết sâu sắc nhất". Giáo dục văn hóa phải đi đôi với giáo dục để làm người. Phương châm "Tiên học lễ, hậu học văn" của Chu Văn An vẫn đang là khẩu hiệu của ngành GD&ĐT Việt Nam hiện nay.

Việt Cường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ