Chú trọng phát triển khoa học cơ bản và chất lượng đội ngũ giáo viên

Chú trọng phát triển khoa học cơ bản và chất lượng đội ngũ giáo viên

PGS.TS.Lê Thanh Sơn (ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG Hà Nội): Xác định nghiên cứu cơ bản là nền tảng.

Những năm gần đây, phát triển khoa học cơ bản gặp nhiều khó khăn, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới. Đảng và Nhà nước ta cần có các chiến lược và giải pháp dài hạn cũng như trước mắt khắc phục khó khăn để phát triển bền vững các khoa học cơ bản.

Một số giải pháp thực hiện cụ thể được TS.Lê Thanh Sơn  đưa ra, như, cần có chính sách cho đội ngũ đang công tác trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản tại các trường ĐH, viện nghiên cứu trong cả nước, giúp họ yên tâm công tác. Có chính sách tầm vĩ mô điều tiết thu nhập của các ngành có lợi nhuận cao như dầu khí, viễn thông, ngân hàng... với các ngành không trực tiếp sinh lợi nhuận ngay.

Có chính sách ưu tiên như miễn giảm học phí cho các em học sinh phổ thông thi vào các trường ĐH thuộc lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và khó tuyển sinh viên (như đã áp dụng với sinh viên ngành sư phạm nhiều năm trước đây), khuyến khích các em học sinh vào học tập để bổ sung cho đội ngũ cán bộ khoa học sau này.

Thành lập nhiều quĩ hỗ trợ phát triển khoa học ở mức độ khác nhau để các nhà khoa học có thể tự tìm nguồn tài trợ cho nghiên cứu phù hợp của mình. Công khai tiêu chí đầu vào và yêu cầu sản phẩm đầu ra để các nhà khoa học có điều kiện tiếp cận.

Cũng theo TS.Lê Thanh Sơn, muốn phát triển khoa học cơ bản thì các nhóm nghiên cứu phải phát triển. Vì vậy, có giải pháp cụ thể xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh ở các khía cạnh: đội ngũ, hướng nghiên cứu, tài chính – cơ sở vật chất và cơ chế chính sách phù hợp để phát triển.

Ngoài việc đặt hàng của nhà nước đối với các nghiên cứu, một kênh quan trong là khuyến khích các nhà khoa học tự đề xuất các nghiên cứu. Có giải pháp tạo môi trường làm việc thuận lợi để các nhà khoa học tự do nghiên cứu, đề xuất những vấn đề nghiên cứu khoa học.

Th.s Trần Thị Cẩm Tú – Giảng viên ĐH sư phạm Hà Nội: Chất lượng đầu vào sinh viên sư phạm thấp ảnh hưởng lớn đến chất lượng GD&ĐT.

Th.s Trần Thị Cẩm Tú cho rằng, đầu vào của sinh viên trường sư phạm thấp hơn nhiều so với trước đây. Chất lượng đầu vào của sinh viên sư phạm thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo người giáo viên và do đó ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục và đào tạo. Vấn đề này, theo Th.s Trần Thị Cẩm Tú có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xu hướng chọn nghề nghiệp của học sinh có sự thay đổi mang tính thực dụng hơn.

Thực tế, lương của giáo viên thấp hơn so với nhiều ngành nghề khác, trong khi yêu cầu đầu tư trí tuệ vào yêu cầu chuyên môn và yêu cầu đạo đức rất cao. Vấn đề ra trường xin việc làm của sinh viên sư phạm cũng gặp nhiều khó khăn, chưa kể trong xã hội còn tồn tại những hiện tượng tham nhũng trong giáo dục khiến cho họ không có động cơ thúc đẩy để lựa chọn và theo đuổi ngành sư phạm.

Góp ý cho vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Th.s Trần Thị Cẩm Tú cho rằng, dự thảo cần phải thể hiện sự kiến quyết hơn nữa khi thiết lập mối liên hệ chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo chứ không chỉ dừng lại ở “cơ chế chính sách” mang tính chất dự báo.

Về vấn đề công bằng xã hội trong giáo dục, theo Th.s Trần Thị Cẩm Tú, dự thảo nên bổ sung thêm một vấn đề nữa, đó là bình đẳng xã hội trong giáo dục. Vấn đề giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, dự thảo cần nêu cụ thể hơn các chính sách ưu đãi đối với giáo viên vùng sâu, vùng xa để giúp họ vượt qua khó khăn yên tâm công tác. Về vấn đề học tập suốt đời, dự thảo cần nhấn mạnh tạo điều kiện học tập suốt đời ở mức độ nào? Làm rõ vấn đề trong tương lai tới, Đảng và Nhà nước có tiếp tục thực hiện chính sách giáo dục bắt buộc hay không?...

Để chăm lo phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, Th.s Trần Thị Cẩm Tú  cho rằng, cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho giáo dục và đào tạo, thực sự coi giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu. Vai trò của đội ngũ trí thức cần phải được làm rõ và những đóng góp của họ đối với sự phát triển của đất nước cần phải được khẳng định xứng đáng. Đảng và Nhà nước cần có “chế độ ưu đãi đặc biệt” chứ không chỉ dừng ở việc “khuyến khích các nhà trí thức, các nhà khoa học phát minh sáng tạo gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh”. Một điều quan trọng nữa là phải đổi mới mạnh mẽ quản lý giáo dục; chú trọng đầu tư phát triển giáo dục đại học, nhất là khối trường ĐH sư phạm; cần đầu tư nhiều hơn, có hiệu quả hơn và quan tâm giáo dục toàn diện thế hệ trẻ...

Ths.Ngô Thị Khánh - Giảng viên Học viện thanh thiếu niên Việt Nam: Cần bổ sung thêm “Chú trọng tạo việc làm".

Để nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng trong đào tạo, bồi dưỡng thanh niên, trong dự thảo Cương lĩnh, định hướng về giáo dục đào tạo nên bổ sung: Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời và "được thụ hưởng chính sách ưu đãi trong giáo dục".

Qua khảo sát thì có tới 55% sinh viên cho rằng mối quan tâm hàng đầu của họ là nghề nghiệp, việc làm. Để giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng lao động trẻ cần tìm hướng giải quyết cơ bản và lâu dài việc làm cho thanh niên.

Vì vậy, phần "Chính sách xã hội" trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2010 cần bổ sung thêm "Chú trọng "tạo việc làm", cải thiện điều kiện sống, lao động, học tập của thanh thiếu niên".

Hiếu Nguyễn (ghi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ