Thực hiện Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, thời gian qua nhiều trường học ở các tỉnh, thành đã tổ chức cho học sinh học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, thời lượng khoảng 1 - 2 tiết/tuần.
Nhiều địa phương còn đưa hẳn tiêu chí học với giáo viên nước ngoài vào mục tiêu phấn đấu. Như Đồng Nai đặt ra yêu cầu đến năm 2025, có ít nhất 60 trường phổ thông triển khai liên kết dạy kỹ năng nghe, nói với giáo viên người nước ngoài bằng nhiều hình thức.
Mô hình học tiếng Anh với người nước ngoài ở các trường phổ thông thời gian qua đã góp phần cải thiện chất lượng, giúp học sinh tự tin hơn trong giao tiếp, hình thành phương pháp học tập phù hợp, hiệu quả. Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Nam Định, chương trình thí điểm giảng dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài của tỉnh đã thành công ngoài mong đợi sau 5 năm thực hiện.
Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh của Nam Định trước đây hầu như không vào top 10, nhưng mấy năm trở lại đây luôn giữ vững vị trí thứ 5, thứ 6 trong cả nước. Đội ngũ dạy môn Tiếng Anh các trường được giao lưu, trao đổi, học hỏi với giáo viên bản xứ để trau dồi năng lực và phương pháp sư phạm. Sự bổ sung tương trợ lẫn nhau giữa các giáo viên đã đem lại môi trường học ngoại ngữ hiệu quả hơn.
Tuy vậy, thực tiễn tổ chức dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài thời gian qua ở các tỉnh, thành cũng bộc lộ một số bất cập. Mức học phí còn cao so với điều kiện kinh tế của hầu hết gia đình học sinh. Ở nhiều địa phương, một số trường triển khai dạy khi chưa có văn bản đồng ý của phòng/sở GD&ĐT; hợp đồng với các trung tâm ngoại ngữ thực hiện việc dạy học có người nước ngoài thiếu chặt chẽ, chưa đủ các nội dung theo quy định.
Đặc biệt, việc quản lý chất lượng chuyên môn của nhiều trường đối với việc học tiếng Anh với người nước ngoài còn nhiều hạn chế, tồn tại như: Giáo án giảng dạy chưa bám sát nội dung trong chương trình chính khóa. Một số thầy, cô phát âm chưa chuẩn, nghiệp vụ sư phạm còn yếu, chưa chú ý kỹ năng viết.
Thực tế đã có trường hợp giáo viên nước ngoài có hành vi không phù hợp văn hóa người Việt. Như cuối năm ngoái, Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Quận 3, TPHCM) phải sa thải một giáo viên nước ngoài vì cách cư xử và giao tiếp không phù hợp với môi trường học đường.
Đến nay, các trường phổ thông, nhất là trường công ít khi dám “tuyển” giáo viên nước ngoài trực tiếp, mà chủ yếu thông qua hợp đồng dịch vụ với trung tâm ngoại ngữ, hoặc tổ chức cho thuê giáo viên nước ngoài.
Hồ sơ pháp lý, đào tạo, năng lực ứng viên do trung tâm nắm, trong khi đó việc tuyển dụng và bảo đảm chất lượng giáo viên của đơn vị này vẫn chưa thật sự chuẩn chỉ. Lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM cho biết năm học 2023 - 2024, thành phố sẽ đặc biệt chú ý đến chất lượng của đội ngũ giáo viên là người nước ngoài ở các trung tâm ngoại ngữ.
Trong bối cảnh hội nhập, việc tăng cường năng lực ngoại ngữ cho học sinh phổ thông qua mô hình học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài là giải pháp khá hiệu quả, cần tiếp tục nhân rộng. Bên cạnh tính toán mức học phí phù hợp để thêm cơ hội tiếp cận cho nhiều học trò, các nhà trường phải tăng cường yếu tố chất lượng, không thể khoán trắng giáo viên nước ngoài cho các trung tâm ngoại ngữ hay dịch vụ cho thuê giáo viên.
Song song với việc chọn trung tâm ngoại ngữ, dịch vụ cho thuê giáo viên nước ngoài uy tín, mỗi trường cần làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra nội dung giảng dạy, thực hiện chế độ giáo viên trợ giảng, chủ động nắm bắt tình hình học tập của học sinh để có biện pháp điều chỉnh kịp thời. Có như vậy, việc học với giáo viên nước ngoài mới đạt được hiệu quả thực chất, không bị dư luận thắc thỏm, rằng giáo viên nước ngoài bao nhiêu là thầy thật, bao nhiêu là “Tây ba lô?”.