Chủ tịch Quốc hội: ngành ngân hàng đã vượt qua những khó khăn, thách thức

GD&TĐ - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ngân hàng là lĩnh vực rất quan trọng, là huyết mạch của nền kinh tế. Việc bảo đảm an toàn và phát triển lành mạnh ngành ngân hàng được đại biểu Quốc hội, cử tri, Nhân dân quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc nội dung chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Quang Khánh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc nội dung chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Quang Khánh.

Ngành ngân hàng đã vượt qua những khó khăn, thách thức

Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên chất vấn chiều 8/6 và sáng ngày 9/6 đã có 57 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, đã có 32 đại biểu nêu câu hỏi chất vấn, 5 đại biểu tranh luận, còn 25 đại biểu đã đăng ký hết thời gian đề nghị được gửi câu hỏi chất vấn đến Thống đốc Nguyễn Thị Hồng để được trả lời bằng văn bản.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy các đại biểu đã bám sát nội dung chất vấn, tập trung nhiều ý kiến, tâm huyết, trách nhiệm, đi thẳng vào vấn đề và gợi mở nhiều giải pháp quan trọng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tuy mới nhận nhiệm vụ hơn 1 năm nhưng đã có nhiều năm công tác tại Ngân hàng Nhà nước nên đã chuẩn bị kỹ lưỡng và nắm chắc các vấn đề thuộc chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước, đã trả lời thẳng vào vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đồng thời giải trình đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, đề xuất một số giải pháp tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua. Tham gia trả lời, giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề chất vấn có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thời gian qua, nhất là trong năm 2021, 5 tháng đầu năm 2022, do tác động của dịch bệnh và biến động của tình hình địa chính trị trên thế giới đã tác động lớn đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ta nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.

Tuy nhiên, với sự cố gắng, nỗ lực, trách nhiệm, ngành ngân hàng đã vượt qua những khó khăn, thách thức đạt được nhiều kết quả quan trọng và nổi bật. Đó là điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng linh hoạt và chủ động, phối hợp nhịp nhàng với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm được an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tiếp tục triển khai tích cực các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng yếu kém, xử lý hiệu quả nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng và các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, qua chất vấn nhiều đại biểu Quốc hội vẫn còn những băn khoăn, lo lắng trước những khó khăn, thách thức có thể ảnh hưởng tới lĩnh vực ngân hàng trong thời gian tới, như tác động chính trị trên thế giới, áp lực lạm phát ngày càng tăng, ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ ở trong nước.

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thuộc trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước nhìn chung còn chậm. Nhất là việc triển khai gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% trong thực tế.

Việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội chưa đạt được mục tiêu áp lực nợ xấu gia tăng do khó khăn, tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Việc phê duyệt Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 còn chậm. Việc xử lý các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng yếu kém cần phải huy động lớn nguồn lực và chưa có tiền lệ nên còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Việc ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng còn bất cập, nhìn chung chưa có tiêu chí, phương thức thống nhất, việc điều chỉnh trong năm cũng chưa linh hoạt, còn bị động. Việc phấn đấu tiết kiệm chi phí hoạt động và sử dụng các công cụ, chính sách tiền tệ để giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế còn rất nhiều thách thức.

Tình trạng tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng còn diễn biến phức tạp, diễn biến không bình thường của giá vàng khi chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và thế giới cũng như giữa các thương hiệu vàng trong nước.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn sáng 9/6. Ảnh: Quang Khánh
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn sáng 9/6. Ảnh: Quang Khánh

Tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế

Trên cơ sở những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế thời gian qua, để phát triển ngành ngân hàng lành mạnh, bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn đề nghị Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các Bộ trưởng, Trưởng ngành quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp:

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế, chị ứng kịp thời về diễn biến thị trường trong nước và quốc tế...

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về tiền tệ, quản lý ngoại hối, vàng và hoạt động ngân hàng, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống các tổ chức tín dụng như tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Phòng, chống rửa tiền… Tổ chức triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, phát triển hệ thống tổ chức tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò chủ lực, hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch, đáp ứng các chuẩn mực về an toàn và các hoạt động ngân hàng và tiệm cận thông lệ quốc tế, phấn đấu đạt trình độ phát triển của nhóm nước dẫn đầu khu vực ASEAN năm 2025.

Tập trung xây dựng, phê duyệt, triển khai Đề án cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, phấn đấu đến hết năm 2025 cơ bản xử lý xong các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém, nâng cao năng lực tài chính của tổ chức tín dụng. Quan tâm cung cấp thêm vốn điều lệ cho Ngân hàng Thương mại Nhà nước và Ngân hàng có cổ phần nhà nước chi phối.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị tiếp tục ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo và sử dụng có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng. Tăng cường năng lực, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, thanh tra chuyên đề đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật số, đẩy mạnh ứng dụng Fintech, công nghệ tài chính trong lĩnh vực này…

Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, thực hiện quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh đến năm 2025 đưa nợ xấu toàn hệ thống bao gồm nợ xấu đã bán cho VAMC và xuống mức 3%...

Phát triển thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng một cách lành mạnh. Giám sát chặt để tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời bảo đảm cung ứng vốn cho thị trường chứng khoán, bất động sản tiếp tục phát triển lành mạnh và bền vững, quyết liệt triển khai chiến lược tài chính toàn diện, phát triển mạnh các tổ chức tài chính vi mô, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn vay…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, triển khai giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm an toàn và hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.
Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.