Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nói về phát ngôn gây xôn xao dư luận

5 ngày sau cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với cộng đồng doanh nghiệp, thông tin giá kit test do ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đưa ra vẫn gây xôn xao dư luận.

Bộ Y tế cũng đã có công văn chỉ đạo Sở Y tế các địa phương việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19. Để rộng đường dư luận, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hồng Anh xung quanh mức giá mà ông công bố.
Giá kit test ở mỗi thời điểm, mỗi nước khác nhau - ảnh 1

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Ảnh: NVCC.

- Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương ngày 26.9, ông có nói giá mua các bộ kit test Covid-19 tại nước ngoài về chỉ khoảng 1,5 USD/kit test, thậm chí nếu mua nhiều, giá có thể xuống khoảng 1 USD, ông có thể giải thích rõ hơn về mức giá này không? Công ty ông mua được kit test với giá này hay ông tham khảo ở đâu?

Ông Đặng Hồng Anh: Tôi có đầu tư trong lĩnh vực y tế, vì vậy trước nay tôi vẫn thường có thói quen tham khảo giá cả các thiết bị y tế, thuốc ở nhiều kênh khác nhau, cả trên mạng internet. Trong đợt dịch lần này cũng vậy, tôi vẫn thường lên mạng để tham khảo giá thuốc điều trị Covid- 19, các bộ kit test, máy thở... Tôi thấy rất nhiều công ty tại châu Âu quảng bá sản phẩm này với giá như vậy và tôi nêu ra tại buổi đối thoại với Thủ tướng như một ví dụ để chúng ta cùng tham khảo, làm sao mua được các sản phẩm y tế với giá có lợi nhất.

- Hiện nay các các tỉnh thành đang đấu thầu giá 60.000 - 70.000 đồng/bộ, cao hơn khá nhiều so với mức giá mà ông đưa ra, cũng hoạt động trong lĩnh vực y tế, ông giải thích thế nào về mức chênh lệch này?

- Thực ra hôm đó (tại buổi đối thoại với Thủ tướng - PV) tôi đề xuất rất rõ, Thủ tướng nên cử một bộ phận đàm phán trực tiếp với nhà cung cấp, không cần thông qua trung gian thì sẽ tiết giảm được rất nhiều chi phí. Bởi theo quy trình hiện nay, các sản phẩm được cấp phép thì người dân và doanh nghiệp mới sử dụng được. Còn không thì bị coi là hàng trôi nổi, hàng lậu.

Mà để cấp phép thì có rất nhiều tiêu chuẩn, quy định, qua nhiều cơ quan, ban ngành... khiến chi phí bị đội lên. Các địa phương muốn mua còn phải đấu thầu, quy trình này cũng gây tốn kém thêm một khoản nữa. Đó là lý do đầu tiên dẫn tới chênh lệch về giá.

Thứ 2 là hiện cũng có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Mỹ, Nhật... cung cấp các loại kit test với giá khác nhau... Ví dụ kit test đang bán tại châu Âu có xuất xứ Trung Quốc giá dao động từ 0,75 - 1,2 euro. Cũng sản phẩm đó nếu được sản xuất tại châu Âu, giá từ 2,5 - 3,5 euro, còn kit test của Hàn Quốc thì khoảng 2 - 3 USD/cái.

Giá kit test ở mỗi thời điểm, mỗi nước khác nhau - ảnh 2

Ông Đặng Hồng Anh (thứ hai từ phải sang), Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trong đợt trao tặng 1.000 bình ô xy cho đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh.

Tôi cũng xin nói thêm là, ở mỗi thời điểm khác nhau thì giá kit test hay thiết bị y tế... sẽ khác nhau. Giá tôi vừa nói trên là ở thời điểm này. Ở thời điểm dịch diễn biến căng thẳng, giá kit test nói riêng và thiết bị liên quan đến phòng chống dịch nói chung đều cao hơn. Đây không phải chuyện gì lạ hay mới trên thị trường.

Chúng ta từng chứng kiến chỉ sau 1 tuần, giá chiếc iPhone thế hệ mới có thể giảm hàng chục triệu đồng do hàng sản xuất nhiều hơn... Nhân đây tôi cũng đề xuất là những sản phẩm đã được chứng nhận FDA (quy định khắt khe của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đưa ra để giám sát độ an toàn những sản phẩm thuộc danh mục quản lý của mình lưu hành trên thị trường Mỹ) thì không cần cấp phép nữa. Khi đó, doanh nghiệp sẽ tự đàm phán với các doanh nghiệp của Mỹ, chắc chắn giá sẽ tốt hơn.

- Phát biểu của ông gây xôn xao dư luận mấy ngày nay, nhiều nghi vấn cũng được đặt ra, tại sao ông không lên tiếng giải thích cụ thể ngay sau đó cho mọi người được rõ, tránh để mọi cái ồn ào, phức tạp?

Tôi cũng muốn nói rõ hơn ý của mình và thông thường sau mỗi cuộc họp, Hội đều có thông cáo báo chí gởi các báo cụ thể về thông tin, đề xuất của Hội. Nhưng ngay sau cuộc đối thoại với Thủ tướng, rất nhiều báo lập tức gọi điện cho tôi khiến tôi cảm thấy mọi chuyện bị đẩy đi quá xa. Tôi nghĩ là nên im lặng để tránh làm phức tạp hơn tình hình. Bởi việc lớn nhất lúc này vẫn là chung tay phòng, chống dịch.

Hơn nữa, phát biểu của tôi xuất phát từ sự cảm kích với ngoại giao vắc xin của Thủ tướng cũng như các lãnh đạo cao cấp của đất nước. Vì thế tôi mới đề xuất cơ chế cho đàm phán mua trực tiếp để tiết giảm chi phí xuống như nói trên...

- Vậy ông có muốn "nói lại" điều gì không?

Nhờ sự quyết liệt chỉ đạo cũng như làm việc không mệt mỏi của Thủ tướng và các bộ ngành nên dịch đã giảm. Điều cần thiết nhất trong thời gian tới để hồi phục kinh tế là sự đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân. Thế nên lúc này, tôi chỉ muốn tập trung tất cả cho việc phòng, chống dịch; tiếp tục thực hiện các chương trình tình nguyện của Hội.

Chúng ta đều biết, dù dịch Covid-19 đã có những tín hiệu tốt nhưng chưa thể chủ quan. Cũng từ hôm nay, TP Hồ Chí Minh mở cửa kinh tế trở lại, tôi và các anh em thành viên trong Hội đều là doanh nhân nên cũng đang tập trung hết sức để bảo đảm sản xuất an toàn theo đúng quy định. Tôi chỉ muốn nói lại cho rõ lần duy nhất này mà thôi.

Theo thanhnien.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hiệu quả là mấu chốt

GD&TĐ - Theo ADB, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.