Giá gốc mua tại nước ngoài về chỉ khoảng 25.000 - 35.000 đồng/test
Tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương diễn ra ngày 26/9, ông Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, đề nghị Bộ Y tế chủ trì cùng các địa phương đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất test nhanh Covid-19 để mua số lượng lớn đến 100 triệu bộ với chi phí gốc.
Theo ông Đặng Hồng Anh thông tin, được biết giá mua tại nước ngoài về chỉ khoảng 1,5 USD/test (khoảng 35.000 đồng). Nếu mua được giá gốc với số lượng lớn thì có thể tiết kiệm được cho ngân sách hàng nghìn tỉ đồng.
Cụ thể, ông Đặng Hồng Anh cho biết, nếu Chính phủ cử bộ phận liên hệ trực tiếp với các đơn vị ở nước ngoài, với số lượng mua lên đến 100 triệu test, giá bán sẽ còn khoảng 1 USD, dưới 25.000 đồng/test.
Trong khi các địa phương đấu thầu các test này khoảng 70.000 - 80.000 đồng. Nếu giảm được 50.000 đồng/test, 100 triệu test giảm được 5.000 tỉ đồng...
Bộ Y tế: Việc mua và giá của kit test Covid-19 phải qua đấu thầu
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, theo quy định, việc mua và giá của kit test Covid-19 phải qua đấu thầu.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết, phía Bộ Y tế, trong quá trình cấp phép, đã yêu cầu các doanh nghiệp công khai mức giá. Công văn của Bộ Y tế đã nêu rất rõ rằng, các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về chất lượng, số lượng và giá đã công bố. Đồng thời đã có yêu cầu các Sở Y tế và cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát.
Trước đó, ngày 23/9, Bộ Y tế có Công văn số 7952/BYT-TTrB về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19.
Trong đó, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành và các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá dịch vụ test nhanh và test RT-PCR xác định Covid-19; cũng như việc thực hiện các gói thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch tránh tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm…
Loạn giá kit test nhanh: Nơi 60.000 đồng/test, nơi lên đến 500.000 đồng/test
Theo ghi nhận thực tế, kit test nhập khẩu về Việt Nam đang có rất nhiều mức giá.
Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, chị D.T.H (Hà Nội) cho biết, ngày 27/9, chị có mua 1 hộp kit test nhanh với giá 1,5 triệu đồng, gồm 25 kit.
Như vậy, với giá trên tính ra mỗi kit có giá 60.000 đồng.
Vấn đề về giá thành kit test nhanh cũng được báo chí đặt ra trong cuộc họp ngày 23/9 tại TP Hồ Chí Minh.
Theo phản ánh, hiện nay, trên thị trường bán nhiều loại que test nhanh Covid-19 với mức giá chỉ khoảng vài chục đến hơn 100.000 đồng/test.
Tuy nhiên, thực tế khi người dân đi test tại các bệnh viện để lấy chứng nhận thì mức test nhanh vẫn rất cao, không ít người phải chi trả mức khoảng 300 đến 500.000 đồng/lần.
Lý giải về nguyên nhân mua test nhanh rẻ nhưng giá xét nghiệm vẫn cao, ông Nguyễn Hồng Tâm – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) trả lời ngắn gọn: Hiện Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành rất nhiều loại test. Mỗi bộ test có những đặc tính khác nhau nên giá cả cũng có sự khác biệt.
Cũng liên quan tới giá test nhanh, ngày 23.9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đã có văn bản hướng dẫn về việc thanh toán xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, giá thu xét nghiệm test nhanh được áp dụng khung giá mới là 135.000 đồng cho 1 lần thực hiện. Trước đó, việc test nhanh ở nhiều đơn vị ngành Y tế tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang thực hiện với mức 175.000 đồng/lần test đối với các trường hợp có thu phí.
Theo CDC tỉnh này, việc hạ giá test nhanh có liên quan đến gói thầu chỉ định mua sắm test kháng nguyên SARS-CoV-2.
Đơn vị trúng thầu có trách nhiệm cung cấp 1,5 triệu kit test kháng nguyên với đơn giá sau thuế là 135.000 đồng cho CDC tỉnh. Kit test có nguồn gốc từ Hàn Quốc với tên thương mại là StandardTM Q Covid-19 Ag Test.
2 đơn vị nhập khẩu cùng 1 loại lại cho ra 2 mức giá chênh nhau
Hồi tháng 7/2021, Bộ Y tế cấp phép 16 loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2. Gồm, 4 loại được công bố ngày 28/7; 5 loại được công bố ngày 20/7; 6 loại được công bố ngày 13/7.
Trong 16 loại được cấp phép có 1 xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 sản xuất trong nước với mức giá 100.000 đồng/test.
Còn lại 15 loại nhập khẩu (Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan) với mức giá công bố giao động từ hơn 100.000 đồng đến 200.000 đồng/test.
Với mức giá được công bố thấp nhất là kit Flowflex SARSCoV-2 Antigen Rapid Test của Trung Quốc, xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 trong mẫu ngoáy dịch mũi hoặc mẫu ngoáy dịch tỵ hầu của người, do hai đơn vị nhập khẩu, một nơi giá 109.200 đồng/test.
Cao nhất là Espline SARS-CoV-2 của Nhật Bản, xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 trong dịch mũi họng, giá khoảng 190.000-200.000 đồng/test.
Đáng chú ý, trong 4 loại được Bộ Y tế công bố ngày 28/7, cùng là một loại test nhưng 2 đơn vị nhập khẩu lại cho ra 2 mức giá chênh nhau 75.200 đồng/test. Cụ thể, theo bảng công bố của Bộ Y tế, Flowflex SARSCoV-2 Antigen Rapid Test của Trung Quốc, xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 trong mẫu ngoáy dịch mũi hoặc mẫu ngoáy dịch tỵ hầu của người, do hai đơn vị nhập khẩu, một nơi giá 109.200 đồng/test và một nơi giá 4.625.000 đồng một hộp 25 test (185.000 đồng/test).
Tháng 8/2021, Bộ Y tế cập nhật thông tin về 7 loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 (gồm 3 loại của Hàn Quốc, 2 loại của Trung Quốc và 2 loại của Pháp) đã được cấp số đăng ký lưu hành; cấp giấy phép nhập khẩu từ ngày 28/7 và các sản phẩm đã thông báo nhưng có thay đổi giá.
Trong 3 loại điều chỉnh giá đợt tháng 8, Bộ Y tế cập nhật cho biết, Flowflex SARSCoV-2 Antigen Rapid Test của Trung Quốc, xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 trong mẫu ngoáy dịch mũi hoặc mẫu ngoáy dịch tỵ hầu của người, do 2 công ty nhập khẩu. Trong đó, một công ty công bố giá 109.200 đồng/test (giảm 75.800 đồng/test so với lần công bố ngày 28/7). Công ty còn lại công bố giá 79.800 đồng/test (giảm 29.400 đồng/test so với lần công bố trước).
Như vậy, sau khi điều chỉnh thì mức giá 1 loại này được 2 công ty nhập khẩu đưa ra vẫn có sự chênh nhau 29.400 đồng.