Chủ tịch Hà Nội yêu cầu không ‘hành’ người lao động vô lối

GD&TĐ - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu không để xảy ra tình trạng “hành” lao động bằng giấy xác nhận cư trú hay phiếu lý lịch tư pháp.

Hà Nội đang có những giải pháp quyết liệt, giảm thiểu việc công nhân lao động không phải đến cơ quan hành chính.
Hà Nội đang có những giải pháp quyết liệt, giảm thiểu việc công nhân lao động không phải đến cơ quan hành chính.

Đẩy mạnh các biện pháp giải quyết thủ tục hành chính

Tại cuộc đối thoại với công nhân lao động Thủ đô năm 2023 mới đây, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đã nhắc đến những phản ánh của người lao động khi phải xếp hàng làm thủ tục cấp lý lịch tư pháp.

Việc người dân, trong đó có người lao động phải mất nhiều công sức, thời gian để xếp hàng từ đêm, sáng sớm, vất vả dưới nắng nóng, chờ được nhận phiếu lý lịch tư pháp đã khiến dư luận bức xúc.

Đồng cảm với những khó khăn, vất vả của người lao động, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu lãnh đạo Sở Tư pháp báo cáo thực trạng và hướng giải quyết.

Theo lý giải của lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội, việc gia tăng đột biến hồ sơ đề nghị cấp lý lịch tư pháp, ngoài nhu cầu do học sinh, sinh viên nhập học, người lao động đi làm, còn là việc một số công ty, doanh nghiệp yêu cầu người lao động sử dụng phiếu lý lịch tư pháp.

Dù Luật Tư pháp không quy định về thời hạn giá trị của thủ tục tư pháp nhưng những doanh nghiệp, công ty này vẫn yêu cầu công nhân sau 6 tháng phải cung cấp phiếu lý lịch tư pháp mới.

Đáng nói, thực tế những lao động đó vẫn đang làm việc bình thường, hàng ngày tại doanh nghiệp, công ty, chủ doanh nghiệp đã nắm được nhân thân.

Lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội cũng thừa nhận, đang có hiện tượng lạm dụng phiếu lý lịch tư pháp và hậu quả đổ lên đầu công nhân.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, rõ ràng ở đây có chuyện “đẻ” thêm thủ tục, nhất là trong bối cảnh khó khăn, các đơn vị đã lợi dụng kẽ hở để “hành” công nhân, người lao động.

Nhấn mạnh việc cấp lý lịch tư pháp không phải vấn đề nhanh hay chậm, mà phải xem xét dưới góc độ việc doanh nghiệp, công ty đó yêu cầu người lao động có phiếu lý lịch tư pháp sau 6 tháng có đúng luật hay không?

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ rõ, việc lạm dụng một cách vô lối để “hành” người lao động như vậy là không thể chấp nhận được và phải xử lý.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, xã hội, tư pháp… đẩy mạnh các biện pháp giải quyết thủ tục hành chính qua liên thông, trực tuyến.

Thời gian công nhân, người lao động phải xếp hàng chờ lấy phiếu lý lịch tư pháp cần được chuyển hóa dành vào thời gian hoạt động sản xuất, tăng năng suất lao động, nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động…

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho biết, tháng 7 tới, UBND TP sẽ trình HĐND xây dựng đề án miễn giảm tất cả chi phí cơ bản, phí nộp thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của TP với điều kiện làm trực tuyến, để công nhân lao động dành thời gian nhiều hơn cho lao động sản xuất, tăng năng suất, có thời gian nghỉ ngơi, giảm tối đa rủi ro.

Sẽ có chính sách phát triển nhân lực chất lượng cao

Tại cuộc đối thoại, thông tin về giải pháp để thu hút lực lượng công nhân lao động đến làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn nhằm tạo lợi thế cạnh tranh lao động với các địa phương khác, bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, cho rằng, trước hết cần thu hút doanh nghiệp, nhiều dự án lớn đầu tư nước ngoài vào Thủ đô để tạo ra việc làm.

Theo bà Hương, hằng năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đều khảo sát và ghi nhận hàng trăm nghìn lao động có nhu cầu tìm việc làm.

Riêng về lợi thế cạnh tranh của nguồn lao động, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng, bà Hương cho biết, TP đã có nhiều giải pháp, ban hành văn bản về vấn đề này và Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 06 về phát triển thị trường lao động ổn định, bền vững, đảm bảo an ninh xã hội…

Trong đó nhấn mạnh cần có sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động.

Nhờ vậy, những tháng đầu năm 2023, Hà Nội đã có trên 1.150 doanh nghiệp đăng ký gắn kết với trên 300 cơ sở đào tạo nghề để hỗ trợ sinh viên, khi lao động được đào tạo nghề thì doanh nghiệp tuyển dụng ngay.

Hằng năm, có trên 135.000 sinh viên sau khi được đào tạo nghề được doanh nghiệp tuyển dụng.

Đối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực của TP, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nêu quan điểm TP sẽ phát triển theo hướng mở rộng, công nghệ cao, đòi hỏi nguồn nhân lực đáp ứng công nghệ cao.

Do đó, TP sẽ có chính sách để phát huy lợi thế trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo, đặc biệt là chú trọng vào các trường nghề, đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng xu thế phát triển.

Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, TP sẽ có những chính sách cụ thể, rõ ràng về phát triển công nghiệp, công nhân, nhân lực chất lượng cao sau khi Luật Thủ đô tới đây được ban hành, Quy hoạch Thủ đô được phê duyệt, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được điều chỉnh.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho biết, TP sẽ có cơ chế xây dựng chính sách tiền lương tương đối cụ thể, bảo vệ tối đa nhất quyền lợi của người lao động, nhưng vẫn đảm bảo tính hấp dẫn tối thiểu nhà đầu tư đến Việt Nam, kể cả nhà đầu tư trong nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tin đăng ngan hang tuyen dung tại Vieclam24hTìm kiếm cơ hội việc làm chất lượng