Tại buổi đối thoại, vấn đề mức giá căn hộ cho người thu nhập thấp, những chính sách để hạ mức giá nhằm giúp cho công nhân lao động có thể mua được nhà ở và yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho công nhân, người lao động thuê trọ cũng như trách nhiệm của chính quyền địa phương về an ninh trật tự, an toàn cháy nổ, môi trường sống là những vấn đề bức thiết mà công nhân lao động gửi tới người lãnh đạo cao nhất của tỉnh Đồng Nai.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, đến nay trên địa bàn tỉnh mới có 3 dự án nhà ở công nhân với quy mô 2.893 căn được hoàn thành. Trong khi số lượng công nhân làm việc trong các tổ chức, doanh nghiệp là 1.217.530 người. Nhiều lao động tại Đồng Nai phải sinh hoạt trong các căn nhà trọ chật hẹp, không được đảm bảo các điều kiện sống cơ bản.
Trong khi đó, giá bán nhà ở xã hội hiện nay dao động từ 4,3 triệu đồng đến 14,7 triệu đồng/m² khiến công nhân rất khó để tiếp cận. Bên cạnh đó một thực trạng đang diễn ra là, tại một số nhà ở xã hội, người mua chủ yếu là những lao động khá, người hưởng thụ chính sách không đúng đối tượng. Tình trạng người nghèo không được mua nhà ở xã hội hoặc trong sân nhà ở xã hội, xe ô tô con đậu kín sân là những gì đang diễn ra.
Trước tình hình cấp bách của việc xây dựng nhà ở cho người công nhân, người lao động, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố phải tính toán xây dựng và tạo điều kiện nhiều hơn để người lao động, công nhân được mua nhà ở xã hội. Các sở, ngành phải quy hoạch bố trí đất để xây dựng nhà ở xã hội, nơi nào có nhiều công nhân thì nơi đó phải có nhiều nhà ở xã hội.
Cũng theo Bí thư Tỉnh uỷ thì, phải thiết kế mô hình nhà ở hoàn thiện, phù hợp với nhu cầu sống, sử dụng được diện tích tối đa và phải có cơ chế thanh toán, lãi suất dài hạn hợp lý.