Chủ tịch Công ty Địa ốc Alibaba là ai?

GD&TĐ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện, người vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an phối hợp Công an TPHCM bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới đây, trước đó từng bị phạt hành chính vì... lộng ngôn. 

Nguyễn Thái Luyện bị di lý ra xe của lực lượng CSĐT. Ảnh CTV
Nguyễn Thái Luyện bị di lý ra xe của lực lượng CSĐT. Ảnh CTV

Từ nhân viên môi giới đến CEO công ty địa ốc

Công ty Alibaba được thành lập ngày 6/5/2016 có trụ sở chính tại 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TPHCM. Ngành nghề kinh doanh chính là tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, Công ty Alibaba đăng ký thêm 24 ngành kinh doanh bao gồm trồng các loại cây ăn quả, cây lâu năm hay hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải.

Nguyễn Thái Luyện (SN 1985) là Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty Alibaba, góp 80% vốn; Nguyễn Thái Lĩnh (Giám đốc kiêm đại diện pháp luật, có 10% vốn), Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc pháp lý của công ty góp 10% vốn điều lệ). Trong đó, Nguyễn Thái Luyện là anh ruột của Nguyễn Thái Lĩnh.

Nguyễn Thái Luyện đăng ký hộ khẩu thường trú tại xã Tân Sơn, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai và từng học tại một trường ĐH ở TPHCM. Trước khi trở thành CEO của Alibaba, Luyện là nhân viên môi giới đất nền trên địa bàn các tỉnh lân cận TPHCM như: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Vào giữa năm 2016, Luyện bắt đầu lấn sân vào thị trường địa ốc.

Ngoài Công ty Alibaba, Nguyễn Thái Luyện còn được biết đến là cổ đông lớn nhất tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Ali. Công ty này có ngành kinh doanh chính là hoàn thiện công trình xây dựng. Theo đó, Luyện là người đại diện theo pháp luật của công ty. Ban đầu, công ty này có vốn điều lệ 100 triệu đồng, nhưng đến giữa năm 2017, vốn điều lệ của công ty thay đổi lên mức 100 tỷ đồng.

Từng bị phạt vì... lộng ngôn

CEO Nguyễn Thái Luyện. Ảnh IT
 CEO Nguyễn Thái Luyện. Ảnh IT

Ngoài kinh doanh bất động sản, Nguyễn Thái Luyện cũng thường mở các khóa đào tạo hay tổ chức các buổi nói chuyện với nhân viên môi giới; đồng thời luôn kèm những phát ngôn gây sốc. “Thứ tôi chia sẻ được viết thành sách văn hết”, “Tôi giỏi hơn cả Gia Cát Lượng”; “Đem so với Thành Cát Tư Hãn, tôi phải giỏi hơn Thành Cát Tư Hãn ấy chứ” - Luyện từng nói.

Vào tháng 6/2019, sau khi các cơ quan chức năng cưỡng chế khu đất trùng với vị trí một dự án “ma” của Alibaba tại xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, một đoạn video với nhiều từ ngữ miệt thị công an xã, chủ tịch xã của Nguyễn Thái Luyện được chia sẻ trên mạng Internet. Ngày 4/7, Luyện được Phòng Bảo vệ an ninh chính trị nội bộ (PA03), Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mời lên làm việc. Ngày 1/8/2019, Sở TT&TT Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đã lập biên bản phạt hành chính 7,5 triệu đồng với Nguyễn Thái Luyện khi có phát ngôn lăng mạ cán bộ chức năng trên mạng xã hội.

Trong một buổi nói chuyện với cấp dưới, Luyện khẳng định Địa ốc Alibaba giờ là tập đoàn địa ốc lớn nhất khu vực Đông Nam Á khi trong vòng 3 năm, doanh thu từ vài chục tỷ đồng đã lên vài trăm tỷ đồng. Khoảng tháng 6 đến tháng 8/2019, trước hàng loạt thông tin trên truyền thông về các dự án “ma” mà Alibaba rao bán bị cưỡng chế do sai phạm, trước câu hỏi do nhân viên đặt ra: “Nếu chủ tịch chết thì sao”?, Luyện tuyên bố: “Không sao. Vì những thứ tôi chia sẻ được viết thành sách, thành văn hết rồi. Mỗi giám đốc chi nhánh là người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Luyện khẳng định: “Cho dù nếu tôi có chết thì toàn bộ đất đai không mất đi. Cái quyền sử dụng đó thuộc về giám đốc chi nhánh. Họ sẽ tiếp tục thực hiện cho nó hoàn thành. Tôi chỉ là người phất ngọn cờ thôi”.

Vụ CEO Công ty Alibaba bị bắt đặt ra một vấn đề về giải quyết hậu quả của những hợp đồng mua nhà đất của công ty này. “Tôi thật sự sốc. Lúc trước thấy công ty rao bán giá đất chỉ 700 triệu đồng/nền và góp vốn trong thời gian cũng vừa phải nên tham gia. Nhưng tới hạn giao đất thì phía Công ty Alibaba cứ kéo giãn thời gian. Nay sự việc vỡ lở, tôi mong cơ quan chức năng thu hồi được tiền vốn từ công ty trả lại cho người bị hại” - một khách hàng và nạn nhân của Công ty Alibaba chia sẻ.

Cơ quan chức năng đã phong tỏa tài khoản của ông Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh và của bà Võ Thị Thanh Mai. Cơ quan CSĐT khuyến cáo người dân là khách hàng ký hợp đồng mua nền đất, các bị hại bị Công ty Alibaba thu tiền, chiếm đoạt tài sản liên hệ với Phòng 15 Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an (địa chỉ 47 Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) hoặc Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an TPHCM (địa chỉ 674 đường 3/2, phường 14, quận 10, TPHCM) và Công an 24 quận, huyện để cung cấp thông tin phục vụ công tác điều tra...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ