Công ty địa ốc Alibaba có dấu hiệu lừa đảo khách hàng

GD&TĐ - Công an tỉnh Đồng Nai cho biết các dự án của Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) có dấu hiệu lừa đảo khách hàng, vi phạm các quy định về sử dụng đất đai.

Khách hàng căng băng rôn yêu cầu Công ty Alibaba trả lại tiền. Ảnh: BVPL
Khách hàng căng băng rôn yêu cầu Công ty Alibaba trả lại tiền. Ảnh: BVPL

Lập dự án “ảo”, thu tiền kiểu đa cấp

Theo Công an tỉnh Đồng Nai, qua xác minh, Công ty Alibaba có một chi nhánh và một đơn vị liên kết hoạt động trên địa bàn. Tính từ năm 2016 đến tháng 7/2019, Công ty Alibaba đã quảng cáo trên website là thành lập 29 dự án khu dân cư trên địa bàn các huyện Long Thành, Xuân Lộc và Nhơn Trạch. Nhưng cho đến nay, UBND các địa phương chưa giới thiệu, thỏa thuận địa điểm, chủ trương đầu tư cho bất kỳ dự án khu dân cư nào liên quan đến Công ty Alibaba.

Công an tỉnh Đồng Nai khẳng định: “Việc Công ty Alibaba tự nhận là chủ đầu tư, tự vẽ sơ đồ khu dân cư, phân lô bán nền không đúng hiện trạng thực tế, cam kết ra sổ đỏ thổ cư 100% để bán cho khách hàng là sai quy định, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng, vi phạm quy định về sử dụng đất đai”.

Công an tỉnh Đồng Nai cũng nêu rõ, cho đến nay một số dự án của Công ty Alibaba từng bị ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai xử phạt vi phạm hành chính hoặc cưỡng chế vi phạm, trả lại hiện trạng.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết: Từ năm 2017 đến nay, HoREA nhận được nhiều thông tin, phản ánh của doanh nghiệp và người tiêu dùng về trường hợp Công ty Alibaba và Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TPHCM, có dấu hiệu tăng vốn điều lệ “ảo”; công bố bán nền nhà, thu tiền trước của khách hàng “kiểu kinh doanh đa cấp” tại nhiều “dự án” đất nền chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý, điều kiện để được huy động vốn khi bán nền nhà hình thành trong tương lai trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An và gần đây là tại TPHCM, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản và có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Có dấu hiệu lừa đảo khách hàng

Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, từ năm 2017 đến nay HoREA đã tiếp nhận nhiều đơn thư tố cáo Công ty Alibaba như: Đơn của bà Nguyễn Thị Bích Hợp và ông Phạm Trung Dũng, địa chỉ số 158/48/52 CMT8 KP3, phường Quang Vinh, Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai tố cáo Công ty Alibaba đã có hành vi lừa đảo.

Cụ thể, ngày 14/8/2017, bà Nguyễn Thị Bích Hợp và ông Phạm Trung Dũng đã ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng số LK5-14/HDCN-2017 với Công ty Alibaba do ông Nguyễn Thái Lĩnh làm đại diện theo pháp luật, lô đất ký hiệu LK5 ô số 14 tại dự án Long Phước 6, Long Thành, Đồng Nai có diện tích 12.666 m2, với giá tiền 537.798.360 đồng và đã đóng tiền 3 đợt với tổng số tiền là 356.458.852 đồng.

Vào các ngày 25/11, 2/12, 9/12/2017, bà Nguyễn Thị Bích Hợp và ông Phạm Trung Dũng đã đến Công ty Alibaba yêu cầu làm rõ thông tin và cung cấp toàn bộ giấy tờ và các văn bản pháp lý liên quan đến lô đất nói trên nhưng Công ty Alibaba không cung cấp được hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật. Bà Nguyễn Thị Bích Hợp và ông Phạm Trung Dũng đề nghị UBND quận Thủ Đức, UBND huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai và Hiệp hội Bất động sản TPHCM can thiệp để giúp ông bà được thanh lý hợp đồng và được nhận lại tiền đã đặt cọc.

Tương tự, HoREA đã nhận được đơn của ông Trần Minh Cường, địa chỉ liên lạc Ấp 5, xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai (là đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Phú Quý và bà Làm A Lìn, sinh năm 1987, CMND/CCCD số 271755980, địa chỉ Ấp Tân Bảo, Bảo Bình, Cẩm Mỹ, Đồng Nai theo Giấy ủy quyền được lập tại Văn phòng Công chứng quận Bình Thạnh ngày 26/3/2019) tố cáo Công ty Alibaba có hành vi làm giả hồ sơ giấy tờ có thể nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, ngày 28/7/2018, bà Làm A Lìn có mua 1 lô đất có ký hiệu LK 14-12 thuộc dự án Alibaba Center City 5 tại xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (ký Hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với Công ty Cổ phần Địa ốc Chiến Thắng được cho là công ty con của Công ty Alibaba) với giá trị hợp đồng là 1.669.220.000 đồng, đã đóng 4 đợt với tổng số tiền là 1.001.532.000 đồng.

Sau đó, do nhận thấy việc đầu tư dự án do Alibaba làm chủ đầu tư có dấu hiệu không minh bạch, bà Lìn đã đồng ý thanh lý hợp đồng đã ký và Công ty Chiến Thắng cũng như Công ty Alibaba sau nhiều lần hứa hẹn tuy nhiên không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả tiền vốn (đã đóng số tiền 1.001.532.000 đồng cho Công ty Chiến Thắng) cho bà Lìn theo thỏa thuận.

Sau một thời gian quá lâu, khi tạo áp lực và thực hiện nhiều biện pháp, bà Lìn được biết Công ty Alibaba đã tự làm giả chữ ký của bà để tất toán các khoản tiền có liên quan, đồng thời giả chữ ký của bà để ký 7 hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng QSDĐ ghi ngày 3/12/2018 với Công ty Cổ phần Địa ốc Tia Chớp (cũng được cho rằng là công ty con của Công ty Alibaba lý do là cả Biên bản thanh lý của Công ty Chiến Thắng và Công ty Tia Chớp đều do ông Trang Chí Linh làm đại diện) có địa chỉ tại khu 3, ấp Tập Phước, xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Cho đến nay, sau nhiều lần liên hệ, Công ty Alibaba không thực hiện việc hoàn trả khoản tiền trên cho bà Lìn (số tiền 1.001.532.000 đồng), và với việc bà Lìn không ký vào bất kỳ chứng từ nhận tiền (phiếu chi các ngày 3/12/2018 và ngày 4/12/2018) cũng như ký trên 7 hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng QSDĐ với Công ty Tia Chớp, bà Lìn cho rằng có dấu hiệu làm giả chữ ký giấy tờ có thể nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của Công ty Alibaba, đề nghị các cơ quan xem xét để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà cũng như làm rõ hành vi làm giả chữ ký giấy tờ có thể nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của Công ty Alibaba.

Do nội dung đơn tố cáo của ông Trần Minh Cường có liên quan vụ việc Công ty Alibaba đang được Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (C03) thuộc Bộ Công an thụ lý, nên Hiệp hội chuyển đơn của ông Trần Minh Cường tố cáo Công ty Alibaba có hành vi lừa đảo đến Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (C03) để được xem xét xử lý theo thẩm quyền, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ