Chủ quan với bệnh dại, hậu quả khôn lường!

GD&TĐ - 8 năm gần đây, toàn tỉnh Đồng Tháp có đến 9 người tử vong do bệnh dại. Đau lòng là đa số những trường hợp tử vong do không tiêm phòng bệnh dại hoặc điều trị dự phòng không đúng cách sau khi bị chó cắn. 

Trẻ đến tiêm phòng vắc xin dại tại Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp.
Trẻ đến tiêm phòng vắc xin dại tại Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp.

Né tiêm ngừa bệnh dại cho chó

Hiện nay người dân vẫn còn thói quen nuôi chó thả rông và không tiêm ngừa diễn ra khá phổ biến ở vùng nông thôn. Có mặt tại ấp Phú Yên, xã An Long, huyện Tam Nông (Đồng Tháp), chúng tôi thấy nhiều chó chưa đeo dây chứng nhận đã tiêm ngừa.

Hỏi một số người xung quanh thì mọi người đều lắc đầu bảo “không biết”. Còn cô C.T.T., ngụ ấp Phú Yên bảo: “Chó do người thân cho, tôi thấy nó hiền có cắn ai đâu nên khỏi chích”.

Không chỉ thả rông chó và không tiêm ngừa bệnh dại cho chó, có trường hợp người dân còn phản ứng lại lực lượng chức năng ra quân bắt chó thả rông. Ông Bạch Tuấn Kiệt, Trưởng phòng Dịch tễ, Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp - cho biết: Mỗi năm Chi cục phối hợp với lực lượng cán bộ thú y cơ sở và Công an ra quân trong toàn tỉnh tổ chức 2 đợt bắt chó thả rông, mỗi đợt bắt 3 ngày.

Trước đây có lần cán bộ thú y dùng xe bắt chó thả rông tại địa bàn huyện Hồng Ngự thì người dân trong xóm đồng loạt ra đường phản ứng không cho bắt chó. Hiện tỉ lệ tiêm phòng ngừa dại cho chó, mèo ở khu vực thành thị hàng năm đạt từ 70 - 80%, trong khi đó, ở khu vực nông thôn chỉ đạt từ 10 - 20% mà nguyên nhân do ý thức người dân. 

Thực tế việc tiêm ngừa bệnh dại cho chó hiện nay rất tiện lợi. Tất cả 144 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có điểm tiêm ngừa. Các xã ngoài việc tổ chức đoàn đi tiêm ngừa, khi người dân có yêu cầu đến tiêm ngừa dại cho chó thì cán bộ thú y còn đến tận nhà. Theo Chi cục Thú y tỉnh, để phòng ngừa chó mắc bệnh dại cắn người làm ảnh hưởng đến tiền bạc và sức khỏe người dân, Chi cục không ngừng đẩy mạnh phối hợp với ngành chức năng trong công tác tuyên truyền phòng ngừa bệnh dại đến tận nhà dân.

Cuối năm 2015, Chi cục cũng đã có văn bản thông báo đến các địa phương trong tỉnh việc tổ chức tiêm phòng cho vật nuôi, trong đó có chó và tiêm phòng bệnh dại cho chó trong năm 2016; đồng thời đề nghị Trạm Thú y các huyện, thị, thành phối hợp với chính quyền địa phương kiên quyết xử lý các trường hợp không thực hiện việc tiêm phòng vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật, trong đó có chó.

Bệnh dại - không thể chủ quan

Hai tuần đầu tháng 1/2016, tại Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh Đồng Tháp có 100 người bị chó, mèo cắn đến điều trị dự phòng bằng vắc xin dại hoặc huyết thanh kháng dại, hoặc cả 2 loại. Chỉ chưa đầy năm phút, tại Trung tâm có 3 trường hợp đến tư vấn và tiêm ngừa vắc xin dại do bị chó cắn, trong đó có cả người lớn và trẻ em.

Chị Trần Thị Thu Cẩm, ngụ ấp 4, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười cho biết: Con chị 3 tuổi, bé chạy giỡn vô tình đạp trúng vào chó nhà thì bị cắn 3 vết, chị cũng hoàn toàn bất ngờ vì trước giờ chó nhà hiền, không cắn, chó chị nuôi trước đây cũng được tiêm phòng dại nhưng không nhớ đã tiêm bao lâu. Sau khi được bác sĩ trạm y tế xã tư vấn và có nghe gần đây thông tin chó bị bệnh dại cắn chết người nên chị đã mang con đi tiêm ngừa vắc xin phòng dại.

Bác sĩ Lê Lan Trinh - Công tác tại Phòng tiêm ngừa (Phòng khám đa khoa, TTYTDP tỉnh) - cho biết: Dù chó đã được tiêm vắc xin ngừa dại nhưng trẻ bị cắn ở những nơi nguy hiểm như bộ phận sinh dục, vùng đầu, mặt… thì cũng cần tiêm ngừa vì ở những vị trí này, virus dại dễ tấn công vào hệ thần kinh trung ương, khiến trẻ dễ tử vong.

Trong năm 2014, toàn tỉnh có 13.114 ca tiêm vắc xin phòng dại, không có trường hợp tử vong. Năm 2015, toàn tỉnh có 13.702 ca tiêm vắc xin phòng dại, tỉ lệ nam nữ tiêm ngừa tương đương nhau, về độ tuổi thì trẻ em dưới 15 tuổi chiếm 37,2%. Trong năm 2015 cũng cho thấy gần 80% trường hợp người tiêm ngừa vắc xin phòng dại bị chó cắn, còn lại do mèo và các con vật khác cắn.

Đặc biệt là năm qua có đến 3 trường hợp tử vong do bị chó dại cắn ngụ hại huyện Hồng ngự, Tam Nông và thị xã Hồng Ngự. Cả 3 trường hợp tử vong không tiêm phòng bệnh dại hoặc điều trị dự phòng không đúng cách (bị nặng mà không đi tiêm kháng huyết thanh) sau khi bị chó cắn.

Ngoài 2 trường hợp không tiêm phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn ở huyện Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự, trường hợp bé trai D.V.L., sinh năm: 2010, ngụ ấp Phú Long, xã Phú Thành B, huyện Tam Nông sau khi bị chó cắn vào ngày 28/11/2015 với vết cắn sâu, chảy máu, bệnh nhân được xử lý vết cắn bằng thuốc hóa chất sát khuẩn và không có đi tiêm kháng huyết thanh do hoàn cảnh khó khăn. Đến ngày 10/12 thì L., có triệu chứng dại đầu tiên và được chuyển đi cấp cứu nhưng đã tử vong vào lúc 18 giờ cùng ngày. Kết quả xét nghiệm bệnh phẩm dại cho thấy L., dương tính với virus dại.

Bác sĩ Lưu Thị Thu Hà - Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, TTYTDP tỉnh Đồng Tháp - cho biết: Hiện nay vẫn còn tình trạng người dân chủ quan với bệnh dại, khi bị chó cắn không đi tiêm ngừa vắc xin, tiêm kháng huyết thanh hoặc tiêm ngừa trễ rất nguy hiểm.

Không ít trường hợp khi thấy chó cắn ai đó thì vội đập chết chó hoặc đuổi đi là không nên, vì rất cần phải theo dõi chó cắn người trong thời gian 10 ngày sau cắn xem chó có bị dại không để thông tin cho bác sĩ biết có những bước điều trị phù hợp.

Ngoài ra, cũng có tình trạng người dân nghĩ chó cắn là có nọc chó nên dùng lưỡi lam rọc ra nặn máu, rồi lăn đất lên cho rằng lấy nọc bỏ, làm như vậy là phản khoa học dẫn đến nhiễm trùng gây thêm chứng uốn ván, khiến bệnh nhân phải vừa tiêm vắc xin phòng dại, vừa tiêm vắc xin ngừa bệnh uốn ván.

Bác sĩ Hà khuyến cáo: Bệnh dại lây sang người chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị bệnh dại trên da bị tổn thương. Khi bị chó, mèo cắn cần phải xem đó là trường hợp cấp cứu, trước hết là rửa thật kỹ vết thương nhiều lần bằng xà phòng và đến ngay cơ sở y tế.

Những người khi đã bị bệnh dại lên cơn đều dẫn đến tử vong 100%, biện pháp duy nhất là khi nghi bị nhiễm vi rút dại cần phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại (tất cả trung tâm y tế huyện, thị, thành đều có vắc xin) và huyết thanh kháng dại càng sớm càng có hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ