Chủ quản không nên tham gia quá sâu, giáo dục nghề nghiệp nên để trường tự quyết

GD&TĐ - Dù đã có những quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 nhưng các trường cao đẳng hiện nay vẫn gặp phải nhiều vướng mắc khi thực hiện tự chủ.

Tự chủ tài chính ở nhiều trường nghề vẫn gặp khó. Ảnh minh họa
Tự chủ tài chính ở nhiều trường nghề vẫn gặp khó. Ảnh minh họa

Thiếu cơ chế, hành lang pháp lý

Tự chủ đã được Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khẳng định là chìa khóa để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Ngoài việc tự chủ hơn trong thực hiện đào tạo, lựa chọn và phát triển nhân sự, Nhà nước sẽ cấp tài chính theo cơ chế đấu thầu và đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo dạy nghề.

Dẫu thế, việc đổi mới cơ chế hoạt động, đẩy mạnh tự chủ của cơ sở GDNN còn gặp nhiều khó khăn cần sớm được tháo gỡ. Đặc biệt là vấn đề mở mã ngành nghề hay công tác tuyển sinh.

Theo đó, khi được giao quyền tự chủ, một số trường học đã phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu người học, sử dụng lao động theo chuẩn kỹ năng. Chất lượng đào tạo và tuyển sinh từng bước được nâng cao, dần tạo được uy tín, thương hiệu của nhà trường.

Ông Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng: Tự chủ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng GDNN. Tuy nhiên, bất cập lớn hiện nay là đang thiếu cơ chế, hành lang pháp lý để thực hiện.

Muốn tự chủ được, cơ sở đào tạo phải tự cân đối được nguồn thu chi và phải đầu tư theo định hướng của Nhà nước. Bởi việc đào tạo vẫn phải đảm bảo nhu cầu nhân lực của địa phương, của xã hội.

Vấn đề đặt ra lúc này là chúng ta có mạng lưới cơ sở GDNN bao phủ cả nước, nhưng còn thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao, doanh nghiệp còn gặp khó trong tuyển dụng... Vì vậy, không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo, các trường cần có hành lang pháp lý cho việc tự chủ trong tuyển sinh hay mở mã ngành nghề theo xu thế chung của xã hội.

Hiện, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam chỉ có 3 trường hoạt động theo cơ chế tự chủ trên tổng số gần 2.000 cơ sở GDNN. Theo các chuyên gia, đây là con số quá thấp. Vì vậy, việc đổi mới cơ chế hoạt động, đẩy mạnh tự chủ của cơ sở GDNN còn nhiều bất cập cần sớm được tháo gỡ.

Trên thực tế, một số trường nghề còn e ngại vấn đề tự chủ tài chính. Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền - thành viên nhóm tư vấn Đề án công nghiệp hỗ trợ TPHCM cho rằng, sự cạnh tranh trong tuyển sinh ở các trường nghề khá lớn. Cùng với đó, các trường đại học cũng không ngừng tăng đã thu hút số lượng lớn học sinh theo học. Từ đó, lượng người đi học trung cấp, cao đẳng nghề giảm đi đáng kể.

Nhiều trường không tuyển sinh được, thu không đủ bù chi trong khi ngân sách đang dần giảm bớt. Chính vì vậy, làn sóng sáp nhập các trường nghề ngày càng nhiều vì không thể đứng vững trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền cho rằng, muốn tự chủ, các cơ quan chủ quản của các trường nghề không nên tham gia quá nhiều vào các hoạt động đào tạo, tổ chức bộ máy, bổ nhiệm cán bộ, thiết kế chương trình…

Bởi đây là công việc thuộc về nội bộ trường. Điều này không chỉ giúp các trường giảm các quyết định bị chậm trễ, không phù hợp với thực tế. Đồng thời khiến các trường bớt tâm lý ỷ lại, triệt tiêu động lực sáng tạo và trách nhiệm.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền cho biết thêm, thực tế, có rất nhiều vấn đề phải xem xét, tính toán trước khi quyết định tự chủ hoặc cấp phép tự chủ. Đối với các trường nghề thuộc hệ thống công lập, tự chủ không đơn thuần chỉ là tài chính, nhân lực.

Nguồn thu giảm, khó tự chủ

Tiến sĩ Phạm Văn Tân - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội cho rằng, hướng dẫn tự chủ hiện nay còn thiếu thực tế và chưa chú trọng vào đặc thù ngành đào tạo.

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Tân, bản chất của tự chủ trong giáo dục không phải là tự túc về mặt tài chính. Muốn đẩy nhanh tự chủ tại các trường cao đẳng y thì Nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về cơ sở vật chất, cấp nhiều kinh phí hơn để trang bị các thiết bị phục vụ đào tạo. Bên cạnh đó, lãnh đạo các bộ, ngành phải theo dõi, đánh giá năng lực đào tạo của từng trường để tránh đầu tư lãng phí.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội chia sẻ, có rất nhiều hướng dẫn về tự chủ tài chính, các trường được phép tự chi. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều trường cao đẳng y tuyển sinh ảm đạm và hầu như không đạt chỉ tiêu đề ra, kéo theo nguồn thu từ học phí giảm. Không có nguồn thu, những hướng dẫn tự chủ khó đi vào thực tiễn.

Mặt khác, tài chính hạn hẹp, chế độ đãi ngộ không đảm bảo, trường cũng khó giữ chân người tài. Thực tế, nhiều giảng viên được trường hỗ trợ học lên thạc sĩ, tiến sĩ nhưng sau khi học xong, cơ sở khác chiêu mộ với lương, thưởng tốt hơn, họ sẵn sàng rời đi.

Cũng theo Tiến sĩ Phạm Văn Tân, mặc dù Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội đã tự chủ loại 2, chi thường xuyên từ năm 2018 nhưng các kế hoạch tài chính của trường vẫn phải thông qua Sở Tài chính.

Bên cạnh đó, bản chất của tự chủ trong giáo dục là xóa bỏ cơ chế dưới đề xuất, trên phê duyệt, nhưng trường chưa được quyền tự quyết trong vấn đề bổ nhiệm, thay đổi cơ cấu bộ máy nhân sự. Những vấn đề liên quan đến thay đổi bộ máy nhân sự, trường đều phải trình lên Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và chờ xét duyệt.

Ngoài ra, chương trình đào tạo hệ cao đẳng khá lệch so với đại học nên sinh viên muốn liên thông rất khó khăn. Về hoạt động chuyên môn do chưa có sự đồng thuận quản lý giữa 2 Bộ là Bộ Y tế và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nên khung chương trình đào tạo từng ngành nghề chưa thực sự thống nhất, cụ thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.