Sáng ngày 25/11, trao đổi với PV, Lãnh đạo Công an huyện Yên Phong (Bắc Ninh) cho biết đơn vị này vẫn đang tiến hành điều tra, thu thập thêm chứng cứ liên quan đến vụ việc Nguyễn Thị Ánh Tuyết (SN 1986, quê Quảng Ngãi) có hành vi hành hạ dã man đối với 2 người nhân viên là Trương Quang Duy (15 tuổi) và Võ Văn Đức (21 tuổi) cùng quê tại tỉnh Quảng Ngãi.
Duy và Đức là nhân viên tại quán bánh xèo Miền Trung (có địa chỉ tại Ấp Đồn, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) do Nguyễn Thị Ánh Tuyết làm chủ.
Sau khi vụ việc được phát hiện, Đức và Duy được giải cứu và đang được điều trị vết thương do người chủ tàn ác gây ra tại Trung tâm Y tế huyện Yên Phong
Theo thông tin Đức chia sẻ, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Đức phải nghỉ học sớm để làm thuê kiếm tiền gửi về phụng dưỡng bà ngoại. Đức bắt đầu được nhận vào làm việc tại quán bánh xèo của Nguyễn Thị Ánh Tuyết từ đầu năm 2020. Những ngày đầu mới vào làm, Đức được Tuyết đối đãi rất tốt. Tuy nhiên, được khoảng 2 tháng, Tuyết bắt đầu "trở mặt" và cũng là lúc Đức phải chịu đựng những trận đòn vô cớ của chủ.
Thời gian đầu, khi mới bị chủ đánh, Đức nghĩ rằng có lẽ do bản thân mình làm sai điều gì. Tuy nhiên, càng về sau, số lượng và mức độ của những trận đòn mà Đức phải chịu đựng càng tăng lên. Điều khiến Đức cảm thấy uất ức nhất là việc mình không làm gì sai bà Tuyết cũng đánh.
Đức cho biết thường bị bà chủ đánh vào lưng, tay, chân. Có những hôm chủ quán bực tức vớ được cái gì đánh nhân viên bằng thứ đó, lúc thì chày đập tiêu, lúc thì đồ đánh vảy cả, thậm chí cả dao để “dạy dỗ” nhân viên.
Đức bảo vết thương vừa mới khô miệng ở cánh tay phải là hậu quả của một lần bà chủ cầm dao đánh. Lúc đó, Đức bị thương, máu chảy nhiều nhưng bà chủ không cho đi viện khâu vết thương mà Đức phải tự cầm máu.
Lo ngại việc hành hạ nhân viên bị bại lộ, Tuyết quản lý Đức và Duy bằng cách không cho 2 nhân viên gặp gỡ, giao tiếp với những người bên ngoài. Mỗi khi thấy nhân viên nói chuyện với khách lúc làm việc, Tuyết đều tỏ ra khó chịu và tỏ thái độ không hài lòng.
Ngay cả những khi muốn “dạy dỗ” nhân viên, Tuyết cũng đều cẩn thận đưa những người này vào trong căn phòng kín sau đó mới đánh đập. Thực tế, những người dân sinh sống quanh khu vực quán bánh xèo của Tuyết cho biết họ có phát hiện ra những vết thương trên người 2 nhân viên nhưng khi hỏi thì không ai dám nói.
Nhân viên một quán nước cạnh đó còn cho biết thỉnh thoảng có nghe thấy tiếng khóc to vọng từ quán bánh xèo của Tuyết sang.
Không những thường xuyên bị đánh đập, Đức và người làm cùng là em Duy còn không được chủ quán cho ăn uống đầy đủ. “Hôm chủ cho ăn, hôm thì không, bọn em chủ yếu ăn cơm với nước tương, nước mắm. Nhiều khi đói quá bọn em phải ăn thức ăn thừa của khách", Đức kể.
Tâm sự về việc tại sao thường xuyên bị bạo hành nhưng không chuyển đi nơi khác, Đức cho biết bản thân mình và vợ chồng chủ quán có quan hệ hàng xóm ở quê và vì nhà nghèo, cần tiền, sợ bỏ trốn Tuyết sẽ không trả số tiền lương vất vả làm gần 1 năm qua nên Đức cắn răng chịu đựng.