Theo báo cáo mới đây của tổ chức nghiên cứu AidData (Mỹ), Trung Quốc đã trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới khi tài trợ hơn một nghìn tỷ USD cho các dự án trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường.
Ước tính, hơn 150 quốc gia, từ Uruguay đến Sri Lanka đã tham gia vào sáng kiến này. Trong đó, hơn 80% khoản vay tại khu vực Nam bán cầu được dùng để hỗ trợ các quốc gia gặp khó khăn về tài chính.
Sáng kiến Vành đai và Con đường được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố cách đây một thập kỷ. Cụ thể, nước này đã phân bổ các khoản vay khổng lồ dùng cho việc xây cầu, cảng và đường cao tốc ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Hiện nay, hơn một nửa khoản vay đã bước vào giai đoạn trả nợ gốc và sẽ tăng lên 75% vào cuối thập kỷ này. Các khoản nợ gần đến hạn trong bối cảnh tài chính thế giới đối mặt với nhiều thách thức như lãi suất cao, tăng trưởng toàn cầu chậm lại, nội tệ mất giá...
Trước bối cảnh trên, số lượng dự án xây dựng hạ tầng có khả năng bị đình chỉ hoặc hủy bỏ có nguy cơ tăng lên. Với tỷ lệ cho vay dành cho các quốc gia đang hoặc có khả năng gặp khó khăn tài chính cao, nhiều chuyên gia dự đoán Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.
Tuy nhiên, hồi tháng 6, quốc gia châu Phi Zambia đã đạt được thỏa thuận lịch sử nhằm cơ cấu lại khoản nợ 6,3 tỷ USD. 2/3 trong số này là nợ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, một trong hai ngân hàng chính sách lớn của Trung Quốc.
Nhằm giảm thiểu rủi ro vỡ nợ, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã tăng cường một số biện pháp như giảm các khoản vay dự án cơ sở hạ tầng, tăng cường cho vay khẩn cấp. Năm 2015, cho vay dự án cơ sở hạ tầng chiếm hơn 60% danh mục cho vay của Trung Quốc. Đến năm 2021, tỷ lệ này chỉ còn hơn 30%, trong đó, cho vay khẩn cấp chiếm gần 60%.
Trung Quốc cũng chuyển sang thỏa thuận cho vay hợp vốn, trong đó sẽ hợp tác với các ngân hàng thương mại phương Tây và tổ chức đa phương nhằm đánh giá các dự án và giảm thiểu rủi ro cho tương lai, đồng thời quốc gia này đã điều chỉnh sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm tăng cường giám sát và giảm thiểu rủi ro.
Điều đó cho thấy Trung Quốc đang ngày càng hoạt động giống như một nhà quản lý khủng hoảng quốc tế, với việc tạo ra mạng lưới cho vay an toàn để phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm biện pháp tự bảo vệ mình trước nguy cơ không được trả nợ.
Trong thời gian tới, Trung Quốc vẫn là nguồn tài chính phát triển chính thức lớn nhất thế giới và tiếp tục cung cấp vốn nhiều hơn bất kỳ nền kinh tế phát triển nào trong Nhóm G7 cũng như các tổ chức cho vay đa phương.
Trên thực tế, tác động của khoản vay khổng lồ này đến khu vực ngân hàng Trung Quốc, vốn đang chịu gánh nặng từ các vấn đề nợ trong nước, vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, nền kinh tế còn nhiều xáo trộn của Trung Quốc cũng thách thức sáng kiến Vành đai và Con đường. Nếu nền kinh tế không thể đột phá, việc phân bổ nguồn tài trợ lớn cho sáng kiến này khó có thể duy trì lâu dài.
Về phía các quốc gia tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường, việc gánh một khoản nợ trên sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển kinh tế, xoay chuyển lạm phát. Các công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư bởi Trung Quốc nếu bị hủy hoặc đình chỉ cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển hạ tầng chung của đất nước, gây ra tình trạng đình trệ, thất nghiệp và các vấn đề môi trường...