Triển khai Thông tư 30 ở Kon Tum: Cô mệt, trò vui

GD&TĐ - Sau hơn 1 tháng các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện Thông tư số 30 của Bộ GD&ĐT về đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học bằng nhận xét, không cho điểm số, bước đầu tạo thuận lợi cho học sinh, xóa bỏ được áp lực về điểm số. 

Giáo viên theo dõi sát hoạt động học tập của học sinh
Giáo viên theo dõi sát hoạt động học tập của học sinh

Cô hơi "căng" nhưng trò bớt áp lực

Thầy Lê Minh Tiến – Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lợi (TP Kon Tum) - cho biết: Cán bộ giáo viên nhà trường tán thành chỉ đạo của Bộ GD&ĐT theo Thông tư 30, bởi 26 thầy giáo - cô giáo đứng lớp như được “trút” gánh nặng phải duy trì và tăng tỷ lệ điểm số khá, giỏi đối với học sinh để giữ thành tích giáo dục ở mỗi tuần, tháng, học kỳ và cả năm thi đua toàn Ngành. 

Mặt khác, trường ở vùng ven ngoại thành của thành phố, có 309 học sinh, trong đó có 258 học sinh DTTS (chiếm gần 80% tổng số học sinh) và trung bình lớp học có 18 – 20 em, nên hoạt động dạy học trên lớp của giáo viên thuận lợi hơn khi quan sát, hướng dẫn và nhắc nhở động viên từng học sinh đọc bài, làm bài tập, sửa chữa sai sót tại chỗ; cũng như có nhận xét cụ thể theo hướng khích lệ các em học tập tích cực. 

Bên cạnh đó, gắn với đổi mới giáo dục, trừ khối lớp 1, còn lại khối lớp 2 – 5, toàn trường đã thực hiện mô hình Trường học mới (VNEN), các giáo viên đứng lớp quen với việc chủ động và hỗ trợ học tập giữa các học sinh trong nhóm; thường xuyên gợi mở vấn đề, giao nhiệm vụ phù hợp năng lực mỗi em để tham gia tiết học sinh động hơn và có cơ sở nhận xét cụ thể tiến bộ mỗi ngày của học sinh. 

Các giáo viên cũng thăm dò ý kiến phụ huynh, nhiều người ủng hộ việc giáo dục học sinh bằng lời nhận xét, thể hiện sự quan tâm, gần gũi với học sinh hơn và cha mẹ biết con em mình có hạn chế ở bài học phần nào (đọc, viết, tính toán..) để nhắc nhở học tập tiến bộ hơn.

Tuy vậy, theo cô Nguyễn Thị Mỹ Tâm – Giáo viên chủ nhiệm lớp 3A, Trường TH Lê Lợi, sĩ số lớp học 20 em, nhưng lời nhận xét đôi khi phải ghi đầy đủ cho các em, nhiều lúc một tiết học cô không dám ngồi một chỗ mà phải di chuyển liên tục. 

Như thế, việc nhắc nhở từng em kịp thời sửa lỗi sai bài toán, hoặc chính tả, sau đó cho các tổ thảo luận và giúp đỡ nhau hoàn thành bài học đã chiếm hết thời gian nên không thể giáo viên ghi lời nhận xét, trả vở cho học sinh mang về cho phụ huynh xem. 

Cô Tâm và một số giáo viên khác đôi lúc "buộc” đưa vở bài tập của học sinh về nhà tiếp tục phần việc nhận xét ở lớp, nếu không qua ngày khác sẽ quên mất. 

Một số giáo viên tiểu học dạy môn phụ như Âm nhạc, Mỹ thuật, Anh văn cũng cảm thấy khá "căng" khi lớp đông học sinh, dạy nhiều tiết, phải thu xếp thời gian và tâm sức để có những lời nhận xét ghi vào vở học sinh sao cho không trùng lắp, không so sánh giữa các học sinh với nhau. 

Giáo viên mời HS lên nhận lời đánh giá
 Giáo viên mời HS lên nhận lời đánh giá

Yêu cầu linh động khi nhận xét học sinh

Trước những thuận lợi và khó khăn mà một số trường học gặp phải khi triển khai Thông tư 30, thầy Võ Xuân Thủy – Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD&ĐT Kon Tum) cho biết: 

Tôi đã trực tiếp dự giờ ở một số trường tiểu học, đồng thời tham gia họp Hội đồng Giáo viên tại đây, để lắng nghe ý kiến phản ánh và định hướng chỉ đạo một số phương pháp, cách thức nhận xét học sinh đại trà, hoặc cá nhân mỗi em cho giáo viên đứng lớp triển khai hoạt động dạy học theo quy định mới.

Theo thầy Thủy, qua dự giờ, trao đổi, chúng tôi chủ yếu động viên giáo viên cố gắng trong lời nhận xét mang tính khích lệ, động viên học sinh cá biệt, hoặc trung bình yếu nỗ lực học tập; lời nhận xét tránh quá ngắn, hoặc quá dài, phải cụ thể về chữ viết, cách trình bày, diễn đạt bài…

Mặt khác, quá trình nhận xét học sinh không cứng nhắc phải ghi vào vở mỗi học sinh từng tiết học, nên chọn những yếu tố tích cực, vượt trội chung của học sinh mà động viên trước toàn thể lớp. 

Ngoài ra, có thể sử dụng email, thư điện tử để chuyển lời nhận xét học sinh đến phụ huynh. “Chúng tôi đã nhắc nhở các trường tuyệt đối không để giáo viên tự khắc con chữ nhận xét mang tính chung chung, “vô cảm” như một số trường tiểu học ở các địa phương khác trong nước thực hiện đã được các phương tiện truyền thông nêu gần đây” – Thầy Thủy cho biết. 

Trước những thuận lợi, khó khăn bước đầu, các giáo viên, nhà trường tại Kon Tum mong muốn ngành GD&ĐT tỉnh có những hỗ trợ, nhất là các trường học chưa tham gia mô hình quản lý học sinh theo hướng VNEN, nhằm giúp giáo viên tự tin và chủ động trong việc tổ chức hoạt động lớp học; tham gia đánh giá, ghi nhận xét điều chỉnh cách học, giao tiếp, hợp tác và tạo sự lôi cuốn trong học tập của học sinh tiểu học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giá vàng hôm nay 27/11 tiếp tục giảm

Giá vàng hôm nay 27/11 tiếp tục giảm

GD&TĐ - Giá vàng trong nước hôm nay (27/11), tiếp tục giảm 1,4 triệu đồng/lượng (bán ra), vàng nhẫn giảm; Vàng thế giới nhích nhẹ so với phiên trước.