Chủ động nguồn lực triển khai Chương trình mới

GD&TĐ - Năm học 2023 - 2024, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục triển khai với lớp 4, lớp 8, lớp 11.

Cô Phạm Thị Thanh Huyền, Trường THPT Hoàng Cầu trong tiết dạy minh họa môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 11. Ảnh: NVCC
Cô Phạm Thị Thanh Huyền, Trường THPT Hoàng Cầu trong tiết dạy minh họa môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 11. Ảnh: NVCC

Các địa phương, trường phổ thông đã và đang chủ động xây dựng phương án nhằm bảo đảm đủ số lượng, đáp ứng về chất lượng đội ngũ giáo viên đứng lớp.

Sẵn sàng tâm thế

Theo lộ trình, năm học tới, Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 11. Để bảo đảm chương trình mới phù hợp với việc giảng dạy và học tập của thầy - trò, cô Phạm Thị Thanh Huyền được đề cử thực hiện tiết dạy minh họa môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 11. Tiết dạy được quay video để các giáo viên khác tham khảo và rút kinh nghiệm.

“Chúng tôi luôn sẵn sàng tâm thế đón nhận Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đó cũng là sự chủ động bắt nhịp của nhà trường cho năm học 2023 - 2024 khi mà Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được triển khai ở lớp 11”, cô Huyền bộc bạch.

Năm học 2023 - 2024, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tả Ván (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) dự kiến có 13 lớp, trong đó có 150 học sinh lớp 8. Thầy Hiệu trưởng Hoàng Văn Hiếu cho hay, tháng 3 vừa qua, nhà trường được bổ sung giáo viên. “Hiện trường còn thiếu 1 giáo viên tiếng Anh. Hy vọng trong năm học tới sẽ đủ nhân lực”, thầy Hiếu bộc bạch.

Theo thầy Hiếu, nhà trường đã có kế hoạch cử giáo viên đi tập huấn, bồi dưỡng dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, có phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên dạy lớp 6, lớp 7, lớp 8 trong năm học tới. Đây là 3 khối mà giáo viên và học sinh sẽ dạy - học theo Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. “Chúng tôi ưu tiên đội ngũ có chuyên môn vững vàng, chủ động đổi mới, sáng tạo để dạy học các khối, lớp này”, thầy Hiếu trao đổi.

Năm học 2023 - 2024 là năm thứ tư Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định) triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, thầy Hiệu trưởng Đỗ Hồng Duy tự tin sẽ không gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo thực hiện. “Chúng tôi đã dự kiến phân công đội ngũ dạy lớp 4 năm học 2023 - 2024. Theo đó, nhà trường ưu tiên những giáo viên có năng lực chuyên môn “cứng” để đứng lớp”, thầy Duy chia sẻ.

Lý giải về việc này, thầy Duy phân tích, trong chương trình giáo dục cấp tiểu học, lớp 4 là lớp chuyển giai đoạn từ lớp 1, lớp 2, lớp 3 và là bước đệm để học sinh lên lớp 5. Theo đó, các chủ đề học tập, lượng kiến thức sẽ rộng và sâu hơn. Thứ nữa, đây cũng là năm thực hiện dạy - học theo Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

“Vì vậy, khi sắp xếp đội ngũ, chúng tôi tính toán để có sự kế thừa những giáo viên đã dạy tốt lớp 4 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006; đồng thời bổ sung một số giáo viên đang chủ nhiệm lớp 3 theo lên lớp 4”, thầy Duy cho hay.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tả Ván trong ngày hội văn hóa đọc. Ảnh: NVCC.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tả Ván trong ngày hội văn hóa đọc. Ảnh: NVCC.

Bố trí đủ giáo viên dạy học

Theo thống kê, năm học tới quận Hà Đông (TP Hà Nội) có khoảng 117.000 học sinh, bên cạnh xây dựng bổ sung trường, lớp học đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, theo bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT, đơn vị đặc biệt chú trọng bố trí đủ giáo viên dạy học. Cùng với tổ chức tuyển dụng biên chế theo quy định, quận cũng cử hơn 500 giáo viên đi học nâng cao trình độ, bảo đảm 100% nhà giáo có trình độ đào tạo đạt chuẩn theo quy định.

Để chuẩn bị cho năm học 2023 - 2024, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sở đã yêu cầu các phòng GD&ĐT rà soát đội ngũ giáo viên hiện có để chuẩn bị phương án cho năm học mới; đồng thời, phân công giáo viên tham gia bồi dưỡng trong hè năm 2023. Mục tiêu là bảo đảm đủ giáo viên, tạo thuận lợi nhất cho học sinh, không để ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

Tỉnh Hải Dương yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát đội ngũ giáo viên để kịp thời tháo gỡ khó khăn (nếu có) trong năm học tới. Ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương cho hay, sở đã tham mưu với UBND tỉnh tổ chức tuyển dụng giáo viên nhằm bổ sung số lượng còn thiếu. Công việc này đang được triển khai, rà soát từ phía cơ sở giáo dục. Qua đó, bảo đảm việc tuyển dụng đúng và trúng mục tiêu, mục đích đề ra.

“Ngoài ra, dự kiến tháng 6 chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; trong đó chú trọng đội ngũ giáo viên dạy lớp 4, lớp 8, lớp 11. Đến tháng 8, sở tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên đại trà. Qua đó, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để các thầy, cô giáo yên tâm bước vào năm học mới”, ông Hưng nhấn mạnh.

Tại Trà Vinh, Sở GD&ĐT chủ động xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên và tham mưu UBND các huyện xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục. Đồng thời thực hiện một số giải pháp như: Điều chuyển giáo viên đến các đơn vị còn thiếu có thời hạn khi cần thiết; tiếp nhận giáo viên từ nơi khác có nguyện vọng về công tác tại địa phương theo quy định.

Sở GD&ĐT Trà Vinh đã thực hiện quy trình “đặt hàng” với Trường ĐH Trà Vinh để đào tạo nâng chuẩn cho giáo viên. Sở đã tổ chức tập huấn cho 100% giáo viên, cán bộ quản lý 9 mô-đun bồi dưỡng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Chúng tôi đã và đang tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu kỹ chương trình giáo dục tổng thể, chương trình môn học, làm cơ sở cho nhiệm vụ dạy học. Nhà trường cũng yêu cầu giáo viên đọc sách giáo khoa của các nhà xuất bản gửi về. Từ đó tìm ra những điểm phù hợp của từng bộ sách, tạo thuận lợi cho dạy - học sau này”, thầy Đỗ Hồng Duy thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.