Kỳ thi dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 5, với 8 môn thi gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.
Đa dạng phương thức
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, mục đích của kỳ thi nhằm đa dạng hóa phương thức tuyển sinh. Đồng thời, gia tăng cơ hội trúng tuyển và phân loại tốt hơn năng lực của thí sinh. Qua đó, tuyển chọn được sinh viên phù hợp với một số khối ngành, nhóm ngành đào tạo trình độ đại học. Ngoài ra, thí sinh có thể sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để xét tuyển vào trường khác nếu công nhận kết quả của kỳ thi này.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cho hay, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã xây dựng dự thảo Đề án tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực độc lập để xét tuyển đại học. Năm 2022, trường đã tổ chức thành công kỳ thi này. Từ năm 2023 trở đi, trường tổ chức kỳ thi với tính chất độc lập.
Đến thời điểm này, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cùng nhau thỏa thuận sử dụng kết quả thi năng lực của nhau trong xét tuyển đại học. Nếu số lượng thí sinh lớn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có thể tổ chức kỳ thi ở miền Trung. Ngoài ra, Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 sẽ nghiên cứu, xem xét khả năng sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển vào trường.
Thí sinh vào phòng thi - Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NTCC |
Gia tăng cơ hội cho thí sinh
PGS.TS Nguyễn Thành Nhân – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cho hay: Nhà trường sẽ nghiên cứu và tham mưu với hội đồng tuyển sinh để sử dụng kết quả Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội như một phương thức xét tuyển cho mùa tuyển sinh năm 2023.
“Cá nhân tán thành việc sử dụng phương thức này, bởi lẽ: Kỳ thi được tổ chức thành công trong năm 2022. Kết quả của kỳ thi khả quan, đánh giá được năng lực của thí sinh” - PGS.TS Nguyễn Thành Nhân viện dẫn, đồng thời cho rằng, kỳ thi không chỉ là phương án tốt cho Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mà còn khả thi với các trường thuộc hệ thống sư phạm cũng như hệ thống giáo dục.
Đây là kỳ thi độc lập nên tính chất khác so với kỳ thi được tổ chức năm 2022. Chia sẻ điều này, TS Trịnh Đình Vinh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 thông tin, nhà trường sẽ nghiên cứu và tính toán để dành chỉ tiêu cho phương án xét tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi đánh giá năng lực do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức.
Từ cách thức ra đề thi và phương án tổ chức, PGS.TS Bùi Đức Nguyên – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) nhìn nhận, Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tạo điều kiện cho thí sinh trong đăng ký xét tuyển vào đại học. Vì thế, kỳ thi nên được tổ chức thành nhiều đợt trong năm nhằm gia tăng cơ hội cho thí sinh. Cùng với đó, cần bảo đảm tính pháp lý của kỳ thi và các thủ tục cần thiết để các trường có thể sử dụng kết quả trong mùa tuyển sinh năm tới.
Trao đổi về các vấn đề liên quan đến Kỳ thi đánh giá năng lực, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nhắc lại: Mục đích của Kỳ thi tốt nghiệp THPT là xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12. Bộ GD&ĐT khuyến khích một số nhóm trường sử dụng kết quả đánh giá năng lực để xét tuyển đại học. Do vậy, một trong những phương thức mà các trường đại học nên làm là, hợp tác với nhau để sử dụng chung kết quả của kỳ thi tuyển sinh riêng trong công tác tuyển sinh. Đơn cử như Kỳ thi đánh giá năng lực do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức.
Theo dự kiến, năm 2023, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ tăng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết quả của kỳ thi này. “Chúng tôi tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi và thực hiện theo nguyên tắc căn bản của Kỳ thi đánh giá năng lực đã tổ chức trong năm 2022. Trên cơ sở phân tích kết quả, từng ban, nhóm chuyên môn chịu trách nhiệm thực hiện việc rà soát những câu hỏi cho ngân hàng đề thi” - PGS.TS Nguyễn Đức Sơn trao đổi, đồng thời cho hay: Tầm nhìn đến năm 2025, nhà trường sẽ tiến hành điều chỉnh ma trận đề nhằm đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
“Chúng tôi dự kiến kỳ thi tổ chức trong một ngày theo hướng gọn nhẹ, tạo thuận lợi cho thí sinh. Đề thi gồm các câu hỏi trắc nghiệm, tự luận nhằm đánh giá năng lực người học ở mức độ thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao để xét tuyển đại học. Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Thí sinh có thể lựa chọn dự thi một số môn và sử dụng kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học hệ chính quy. Thí sinh sẽ thi tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và thi trên giấy” - PGS.TS Nguyễn Đức Sơn thông tin.
Theo dự thảo Đề án tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực xét tuyển đại học hệ chính quy của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, hàng năm kỳ thi được tổ chức 1 hoặc 2 đợt vào cuối tháng 4 và tháng 5. Đối tượng là học sinh lớp 12 THPT hoặc đã tốt nghiệp THPT và có nguyện vọng: Đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo hệ chính quy của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo hệ chính quy của trường đại học có sử dụng kết quả đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.