Thời gian không còn dài, nên việc rà soát, đánh giá để xác định nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đang được các địa phương thực hiện khẩn trương, sẵn sàng cho Chương trình mới bắt đầu từ năm 2019.
Cải thiện điều kiện học tập, tăng trường học 2 buổi/ngày
Dạy học 2 buổi trên ngày là một trong những nỗ lực quan trọng của các địa phương trong năm học 2018 - 2019 chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc này, trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT Gia Lai đã yêu cầu các Phòng GD&ĐT xây dựng Đề án và tham mưu với UBND các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ kinh phí, tăng cường các nguồn lực, huy động xã hội hóa giáo dục đầu tư xây dựng thêm phòng học, tăng thêm giáo viên (GV) nhằm tích cực đẩy mạnh, phát triển hệ thống trường, lớp học 2 buổi/ngày.
Đồng thời, phát triển mô hình trường tiểu học bán trú vùng đông học sinh dân tộc thiểu số để nâng cao chất lượng giáo dục và chuẩn bị cho triển khai Chương trình, SGK mới. Sở này nhấn mạnh cần duy trì mô hình dạy học 2 buổi/ngày ở các trường đã đủ điều kiện và đã triển khai dạy học 2 buổi/ngày như trường SEQAP, VNEN và nhân rộng mô hình sang các trường khác.
Chương trình GDPT mới vừa là văn bản quy định nhưng cũng là cam kết của Nhà nước về chất lượng GDPT. Nhà nước ở đây không chỉ Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT mà còn là chính quyền các địa phương. Để quyết định cải thiện điều kiện học tập, cơ sở vật chất các trường thì cấp ủy, chính quyền địa phương phải coi GD-ĐT là quốc sách hàng đầu và phải đầu tư.
Cùng nỗ lực tăng số trường, lớp được học 2 buổi/ngày, năm học 2018 - 2019, Sở GD&ĐT Đắk Lắk tiếp tục chỉ đạo các trường học rà soát, đầu tư xây dựng, bổ sung, sửa chữa, nâng cấp CSVC, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học; chủ động báo cáo với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt những khó khăn cần sự chỉ đạo, hỗ trợ giải quyết kịp thời để đảm bảo điều kiện dạy học.
Theo ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk - đến hết tháng 8/2018, tổng số kinh phí để đầu tư cho xây dựng, sửa chữa, mua sắm CSVC, thiết bị chuẩn bị cho năm học 2018 - 2019 trên địa bàn tỉnh là 402.219 triệu đồng. Với kinh phí này, địa phương đã xây mới 303 phòng học; 29 phòng học bộ môn; 5 phòng công vụ cho GV; 10 phòng thí nghiệm thực hành; 42 công trình vệ sinh cho GV, học sinh và các công trình trường học khác. Cùng với đó, sửa chữa 620 phòng học, 2 phòng học bộ môn, 34 phòng công vụ GV, 16 phòng nội trú cho học sinh, 10 phòng thí nghiệm thực hành, 2 nhà đa năng, 51 công trình vệ sinh cho GV và học sinh, 5 công trình nước sạch.
Cơ sở vật chất là điều kiện căn bản để thực hiện chương trình đổi mới (Trong ảnh: Giờ học của HS Trường TH Văn Bán, Cẩm Khê, Phú Thọ) |
“Để sẵn sàng cho triển khai Chương trình, SGK mới, chúng tôi đồng thời tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án, chương trình, dự án trong năm 2018 để bổ sung CSVC, thiết bị dạy học cho các trường học” - Giám đốc Phạm Đăng Khoa cho hay.
Tại Đồng Tháp, công tác chuẩn bị triển khai Chương trình, SGK mới cũng được thực hiện khẩn trương. Sở GD&ĐT đã xây dựng chuyên mục “Giáo dục Đất Sen hồng thực hiện đổi mới Chương trình GDPT” để đăng tải các thông tin có liên quan về chương trình mới. Đồng thời, tổ chức rà soát các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện Chương trình mới theo lộ trình.
Riêng về CSVC, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp Trần Thanh Liêm, địa phương đã tiến hành rà soát thực trạng, nhu cầu đầu tư CSVC, thiết bị trường học và công tác dồn ghép các điểm trường lẻ của cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông của tỉnh và báo cáo Bộ GD&ĐT. Qua tính toán, nhu cầu kinh phí cần đầu tư để triển khai thực hiện cao, trong khi ngân sách tỉnh không cân đối được. Đó là khó khăn của tỉnh khi triển khai Chương trình mới.
Chuẩn bị đội ngũ - điều kiện tiên quyết để Chương trình mới thành công
Cùng tiếp tục tham mưu cấp uỷ, chính quyền các cấp đầu tư tăng cường CSVC, thiết bị dạy học, kinh phí cho việc thực hiện Chương trình GDPT mới, trong đó ưu tiên mục tiêu đảm bảo CSVC cho việc dạy học 2 buổi/ngày cấp tiểu học, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã thực hiện rà soát đội ngũ GV trong toàn ngành, xác định nhu cầu GV theo lộ trình đổi mới Chương trình, SGK phổ thông mới, có biện pháp giải quyết số GV thừa, thiếu từng cấp học, môn học.
Đồng thời, lựa chọn chuẩn bị đội ngũ GV dạy các chương trình đầu cấp để có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn (trực tiếp và trực tuyến) cho 100% GV được phân công dạy theo Chương trình, SGK phổ thông mới theo lộ trình của Bộ GD&ĐT và được cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng.
Sở GD&ĐT cũng thực hiện đánh giá GV và CBQL các cấp theo các chuẩn nghề nghiệp; có biện pháp giải quyết số GV chưa đạt chuẩn. Liên quan đến nhiệm vụ này, Trường CĐ Ngô Gia Tự được giao bám sát chương trình các môn học để xây dựng chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo GV sư phạm; chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng CBQL, GV đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình, SGK phổ thông mới.
Học sinh THCS trong phòng thực hành ngoại ngữ |
Tại Phú Thọ, năm học này, Sở GD&ĐT tập trung chỉ đạo chuẩn bị chu đáo để triển khai Chương trình GDPT mới, rà soát kỹ các điều kiện triển khai, mời các tổng chủ biên, chủ biên và liên kết với các trường ĐH sư phạm để tập huấn cho đội ngũ GV; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trong xã hội về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và điều kiện thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT.
Ông Nguyễn Minh Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ - nhấn mạnh sẽ tập trung vào khâu then chốt là nâng cao chất lượng đội ngũ GV và CBQL giáo dục.
Cụ thể, lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ GV và CBQL GDPT cốt cán theo chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp GV để thực hiện bồi dưỡng giáo viên, CBQL giáo dục thực hiện Chương trình, SGK mới.
Thực hiện 4 đổi mới: Nội dung kiến thức; phương pháp dạy học; kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực người học; công tác quản lý theo hướng chú trọng đến nâng cao chất lượng, hiệu quả. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT về tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo; thực hiện đúng quy chế làm việc và văn hóa công sở. Thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế. Thực hiện các giải pháp bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu giáo viên các cấp học theo quy định.