Sớm một bước, vẹn đôi đường

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 được dư luận xã hội, chuyên gia tuyển sinh và các nhà trường đánh giá cao về công tác tuyển sinh thuận lợi, nhẹ nhàng và đạt được những tiêu chí xét tuyển riêng của từng trường. Tuy nhiên, vẫn có những dư âm buồn, đó là tình trạng các trường sư phạm khó khăn về nguồn tuyển cho dù có xét tuyển bổ sung nhưng việc thiếu vắng thí sinh dẫn đến khó khăn cho việc mở ngành học.

Sớm một bước, vẹn đôi đường

Việc các trường khó tuyển sinh một số ngành là lời nhắc nhở cho việc cần phải sớm quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên để phù hợp với thực tế đòi hỏi.

Biết trước khó khăn này, Bộ GD&ĐT đã chủ trương giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm rất nhiều, coi đây là dịp nâng cao chất lượng đào tạo. Bộ cũng đưa ra mức điểm sàn xét tuyển tối thiểu hệ đại học là 17 điểm và hệ cao đẳng 15 điểm, nhưng mới chỉ có Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TPHCM và Trường Đại học Sài Gòn tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt 1, còn nhiều trường ĐH, CĐ đã không tuyển đủ thí sinh vào các ngành sư phạm.

Theo số liệu thống kê được Bộ GD&ĐT đưa ra, tính đến thời điểm tháng 8/2018, tình trạng thừa thiếu giáo viên so với định mức giáo viên/lớp theo quy định, trên cả nước thiếu 43.732 giáo viên mầm non; 18.953 giáo viên tiểu học, 10.142 giáo viên THCS (đây là số thiếu cục bộ ở một số địa phương) và cả nước thừa 12.165 giáo viên THCS, thiếu 3.161 giáo viên THPT. Cả nước đang có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng và 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên, trong đó, có 14 trường đại học sư phạm, 40 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Vấn đề đặt ra là số lượng các trường sư phạm như hiện nay đã đủ hợp lý chưa, có cần thiết phải quy hoạch lại các trường cho phù hợp với điều kiện thực tế không, làm sao cho chất lượng đào tạo phải được nâng cao, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của đổi mới?

Đành rằng những cảnh báo về tuyển sinh của các trường sư phạm khó có nguồn tốt là có cơ sở. Tuy nhiên thực tế cho thấy, vẫn có những trường sư phạm vẫn đang tuyển sinh tốt, và vẫn có những thí sinh đạt điểm cao đăng ký theo học ở những trường đó. Chính vì thế, không nên quá bi quan khi nhìn vào những khó khăn trong tuyển sinh mà các trường có đào tạo sư phạm nản lòng. Vấn đề là các trường phải tự thay đổi chức năng, mô hình, cơ cấu đào tạo để thích ứng tốt hơn với nhu cầu của xã hội. Hơn ai hết, với vai trò là “chiếc máy cái” các trường phải tự thấy rằng muốn sự nghiệp đổi mới giáo dục thành công phải bắt đầu từ người thầy và giáo dục không thể phát triển nếu không có các trường sư phạm đào tạo ra những thầy giỏi.

Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Dự báo trong tương lai rất gần, đáp ứng đủ đội ngũ giáo viên dạy các môn học liên quan với yêu cầu cao về chất lượng, cũng như việc đào tạo bù đắp số lượng giáo viên các bộ môn đang thiếu sớm phải triển khai. Để thực hiện điều này, theo nhiều chuyên gia, vấn đề cấp bách được đặt ra là cần sớm quy hoạch lại các trường đại học, cao đẳng nói chung và khối trường sư phạm nói riêng theo hướng ưu tiên đảm bảo chất lượng và đào tạo giáo viên theo đúng nhu cầu địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ