Chủ động bắt nhịp khi bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên

GD&TĐ - Từ năm học 2024 - 2025, các trường THPT chuyên sẽ không được tuyển sinh lớp không chuyên như trước.

Trao đổi giữa giáo viên Trường THPT chuyên Lào Cai và giáo viên các trường trên địa bàn huyện Mường Khương. Ảnh: NTCC
Trao đổi giữa giáo viên Trường THPT chuyên Lào Cai và giáo viên các trường trên địa bàn huyện Mường Khương. Ảnh: NTCC

Ngay sau khi quy định mới được ban hành, các trường chuyên đã có kế hoạch phù hợp để chủ động bắt nhịp.

Nên dừng tổ chức lớp không chuyên

Thầy Trần Văn Hưng, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ hoàn toàn ủng hộ quy định dừng tuyển sinh lớp không chuyên trong trường chuyên theo quy chế mới.

Lý do thầy Trần Văn Hưng đưa ra là mục tiêu của trường chuyên đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục và điều lệ nhà trường. Trước đây, cơ sở vật chất và điều kiện học tập các trường còn khó khăn, nên mục đích mở thêm các lớp cận chuyên để có nhiều em được học trong điều kiện thuận lợi, đội ngũ chất lượng.

Tuy nhiên, hiện nay cơ sở vật chất các trường học được Nhà nước quan tâm đầu tư. Do đó, điều kiện học tập giữa trường chuyên và đại trà đã thu hẹp. Đồng thời, đội ngũ giáo viên các trường THPT không chuyên cũng rất chất lượng. Chưa kể, việc có lớp không chuyên trong trường chuyên dễ dẫn đến thương mại hóa giáo dục.

“Thời gian tới, Trường THPT chuyên Thái Nguyên cùng với việc tiếp tục nâng cao chất lượng các môn chuyên hiện có (12 môn), sẽ mở thêm các lớp chuyên tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật Bản”, thầy Trần Văn Hưng thông tin.

Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ), thầy Phạm Tuấn Anh cho rằng, lớp chuyên trong trường chuyên phải hoàn thành nhiệm vụ giáo dục mũi nhọn để có học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế, nhưng số này không đáng kể; còn lại vẫn tính toán để bảo đảm giáo dục toàn diện và các nhu cầu khác của phụ huynh, học sinh.

Trường hợp không còn lớp không chuyên, các trường chuyên hoàn toàn có thể mở rộng lớp chuyên. Như vậy, cơ hội học tập của học sinh vẫn bảo đảm, đồng thời nhà trường tập trung hơn trong thực hiện nhiệm vụ.

Cùng quan điểm, ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho rằng, không tuyển sinh lớp không chuyên trong trường THPT chuyên hết sức phù hợp. Quy định này bảo đảm được mục tiêu của trường THPT chuyên là phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện... Việc dừng tuyển sinh lớp không chuyên không gây lãng phí nguồn lực vì tùy theo điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên mà hiệu trưởng trường THPT chuyên sẽ xây dựng phương án tuyển sinh bằng cách tăng số lớp chuyên cho phù hợp.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến từ trường chuyên mong muốn được mở lớp không chuyên. Cô Đặng Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang) nêu quan điểm, cơ sở vật chất, đội ngũ của trường chuyên được quan tâm đầu tư, nếu chỉ dạy lớp chuyên với số lượng học sinh khá ít có phần lãng phí.

Học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) trong giờ tin học. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) trong giờ tin học. Ảnh: NTCC

Học sinh lớp không chuyên cũng được sàng lọc từ số đông học sinh đăng ký dự thi nên chất lượng bảo đảm có thể học tập tốt tại trường chuyên, tạo đội ngũ cận chuyên tốt cho việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng của địa phương.

Lớp không chuyên trong trường chuyên cũng là nơi để những học sinh bị sàng lọc khỏi lớp chuyên tiếp tục được tạo điều kiện học tập, rèn luyện ở ngôi trường mình mơ ước thi vào nhưng vì những lý do khách quan, chủ quan các em không thể theo học lớp chuyên, thể hiện tính nhân văn của môi trường giáo dục.

Các trường thuận lợi triển khai

Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) hiện có khoảng 15 lớp không chuyên cho cả 3 khối. Nếu tới đây không có lớp không chuyên, thầy Hiệu trưởng Phạm Tuấn Anh cho biết dự tính sẽ mở rộng thêm các lớp chuyên. Từ đó, nhà trường vẫn thực hiện được nhiệm vụ đào tạo mũi nhọn, chọn đội tuyển học sinh dự thi quốc gia, quốc tế; đồng thời các em còn lại vẫn được giáo dục toàn diện và bảo đảm các nhu cầu khác (vào đại học, du học).

“Chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về trường THPT chuyên là đúng hướng và đáp ứng được nhu cầu học tập ở cấp độ cao. Tuy nhiên, các văn bản, thông tư liên quan đến cơ chế, chính sách cho hệ thống trường chuyên phải đặc thù. Địa phương sẽ có chính sách theo đặc thù của tỉnh, nhưng về phía Bộ, mong rằng sẽ có tính toán để mở rộng hành lang cho các trường THPT chuyên trong huy động nguồn lực để tập trung cho các lớp chuyên”, thầy Phạm Tuấn Anh nêu kiến nghị.

Thực hiện quy chế mới, nhà trường chỉ có chút khó khăn bởi chương trình đào tạo lớp không chuyên và lớp chuyên khác nhau, nên phải định hướng lại, điều chỉnh lại chương trình.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai nhận định, quy định không tiếp tục mở lớp không chuyên trong trường chuyên là phù hợp. Bởi trường chuyên là môi trường để đào tạo học sinh năng khiếu, có tư chất thông minh, khả năng phát triển trong một môn học nào đó. Với quy định mới, Bộ GD&ĐT đã xin ý kiến rộng rãi, có tính toán kỹ nên cơ bản bảo đảm các trường có thể thuận lợi triển khai.

Ở góc độ quản lý ngành Giáo dục địa phương, ông Nguyễn Minh Thuận nhấn mạnh điểm mới của Thông tư, đó là: UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình cấp có thẩm quyền quyết định các chế độ chi ngân sách đầu tư bổ sung cho trường chuyên thuộc tỉnh theo quy định của pháp luật…

UBND cấp tỉnh (đối với trường chuyên thuộc tỉnh), cơ sở giáo dục đại học (đối với trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học) căn cứ theo quy định của pháp luật trình cấp có thẩm quyền quyết định hoặc quyết định chính sách bổ sung chế độ ưu đãi, khen thưởng đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường chuyên đạt kết quả xuất sắc theo nhiệm vụ được giao. Điều này là phù hợp, thể hiện tính mở của quy định mới.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai cũng băn khoăn với việc không còn quy định về chuyển học sinh ra khỏi lớp chuyên. Lý do, học sinh vào trường chuyên cũng phải nỗ lực để phát huy năng lực của mình trên mọi khía cạnh. Nếu không nghiêm túc học tập, rèn luyện có thể bị chuyển khỏi trường chuyên sẽ khiến học sinh không có động lực để cố gắng hơn.

Nói về tác động của quy định mới, từ thực tế An Giang, ông Trần Tuấn Khanh cho rằng: Khi không còn được tuyển sinh lớp không chuyên, trường THPT chuyên không gặp khó khăn. Cùng với việc tăng số lớp chuyên, hằng năm trường THPT chuyên có thể tuyển bổ sung những học sinh từ các trường THPT chuyên khác, trường THPT không chuyên vào các lớp chuyên còn thiếu của nhà trường. Về nguồn thu, trường THPT chuyên được ưu tiên bố trí kinh phí chi thường xuyên nên việc giảm nguồn thu không ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.