Cơ hội chia sẻ, học hỏi cùng phát triển trường chuyên

GD&TĐ - Một trong những nhiệm vụ của trường THPT chuyên là mỗi năm học chủ trì tổ chức ít nhất một hội thảo chuyên đề, với sự tham gia của GV trường khác.

Một hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: NTCC
Một hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: NTCC

Quy định này nhận được hưởng ứng tích cực của các trường THPT chuyên trên cả nước.

“Chìa khóa” quan trọng

Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa - Vũng Tàu) hiện có hơn 1.000 học sinh và trên 100 giáo viên. Cô Hiệu trưởng Lữ Thị Trà Giang cho hay, hằng năm, nhà trường vẫn tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn từ cấp tổ đến cấp trường; thậm chí tổ chức hội thảo chuyên môn cấp tỉnh. “Do đó, việc quy định mỗi năm học, các trường THPT chuyên chủ trì tổ chức ít nhất một hội thảo chuyên đề về chuyên môn sẽ không làm khó chúng tôi. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn sẽ phát huy vai trò “đầu tàu”, sẵn sàng đón nhận quy định”, cô Giang quả quyết.

“Dự kiến, cuối năm học này, chúng tôi sẽ lấy ý kiến của các tổ chuyên môn, giáo viên trong trường về chủ đề cho hội thảo đầu tiên. “Đầu xuôi, đuôi mới lọt” nên chúng tôi quyết tâm đề xuất chủ đề hay, thiết thực; đồng thời xây dựng kịch bản chi tiết và các phương án dự phòng, ứng phó những tình huống bất ngờ có thể xảy ra; trong đó có cả phương án tổ chức theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp online”, cô Giang chia sẻ.

Dù chưa xây dựng kế hoạch chi tiết, nhưng Ban giám hiệu Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã hình dung những việc phải làm trong năm học tới. Cô Giang trao đổi, việc đầu tiên phải xây dựng chủ đề hội thảo. Tiếp đến, trong khâu tổ chức, nhà trường sẽ phân công, phân nhiệm đến từng bộ phận, giáo viên, nhân viên trên tinh thần rõ người, rõ việc và cộng đồng trách nhiệm.

Riêng phần chủ đề hội thảo, cần bám sát thực tiễn giảng dạy, hoạt động giáo dục của các trường phổ thông. Trên hết là “chạm” đến những tâm tư, vướng mắc của các thầy, cô giáo trong quá trình dạy học. Từ đó, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho giáo viên nói riêng và các trường nói chung. Mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng dạy – học.

Đồng quan điểm, thầy Phan Văn Chương – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam) cho hay, nội hàm của quy định trên không mới, vì hằng năm nhà trường cũng tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chuyên môn. Tuy nhiên, tính chất, phạm vi và đối tượng được mở rộng hơn. “Chìa khóa” quan trọng nhất là xây dựng được chủ đề hay, thiết thực và ý nghĩa với thầy – trò và các trường”, thầy Chương nhấn mạnh.

Không nên “đánh trống bỏ dùi”

Theo thầy Chương, trước đây, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn tổ chức sinh hoạt chuyên môn ở cấp trường hoặc cấp tỉnh theo hình thức trực tiếp. Trong buổi sinh hoạt, đơn vị chủ trì nêu vấn đề; thậm chí giáo viên thực hiện minh họa trực quan để giáo viên tham dự cho ý kiến, phân tích, “mổ xẻ” tìm ra giải pháp tối ưu nhất, hiệu quả nhất.

“Có lẽ, phương pháp sẽ được chúng tôi tiếp tục kế thừa, phát huy khi thực hiện nhiệm vụ chủ trì tổ chức hội thảo. Sau đó, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để các buổi sinh hoạt chuyên môn ngày càng hiệu quả và ý nghĩa”, thầy Chương trao đổi.

Một lớp học của Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương). Ảnh: Website của nhà trường.

Một lớp học của Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương). Ảnh: Website của nhà trường.

Theo Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, thời điểm thích hợp nhất để tổ chức sinh hoạt chuyên môn là tuần đầu tiên của thời gian nghỉ hè hoặc tháng 8 hằng năm. Việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn ở cấp trường, cấp cụm hoặc cấp tỉnh không khó. Tuy nhiên, nếu tổ chức ở phạm vi liên tỉnh cũng cần tính toán kỹ lưỡng và có phương án chi tiết. “Chúng tôi cũng tính đến phương án tổ chức hình thức trực tuyến, hoặc kết hợp trực tuyến với trực tiếp khi hội thảo chuyên đề với phạm vi, đối tượng mở rộng”, thầy Chương chia sẻ.

Nhấn mạnh, tổ chức hội thảo chuyên đề cần thiết, thầy Trịnh Ngọc Tùng – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) khẳng định, hoạt động này giúp các trường, giáo viên chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Từ đó, góp phần cải tiến, nâng cao chất lượng giảng dạy của các trường. Tuy nhiên, điều thầy Tùng băn khoăn là, nếu thêm nhiệm vụ này thì áp lực có thể gia tăng cho các trường và giáo viên.

Lãnh đạo Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi viện dẫn: Thực tế, ngoài nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị mình, các trường THPT chuyên đang thực hiện nhiều nhiệm vụ khác do địa phương giao phó, trong khi đó, kinh phí cho nhà trường còn hạn hẹp. Do đó, thầy Tùng đề xuất, khi được giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức hội thảo chuyên đề mỗi năm ít nhất một lần thì cần bổ sung kinh phí cho trường, để các hoạt động, nhiệm vụ chuyên môn khác không bị ảnh hưởng. Trên hết là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công việc.

Khẳng định, sau mỗi lần tham gia sinh hoạt chuyên môn, cán bộ, giáo viên của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa - Vũng Tàu) lĩnh hội được nhiều kinh nghiệm hay, bài học quý từ các đồng nghiệp trong tỉnh; tuy nhiên điều cô Hiệu trưởng Lữ Thị Trà Giang mong muốn là được học hỏi từ đồng nghiệp ở các tỉnh, thành khác trên cả nước, ít nhất ở vùng Đông Nam Bộ.

Cô Giang phân trần, thực tế, ở một số hội thảo, giữa các trường của các tỉnh, thành vẫn chưa thực sự cởi mở, chia sẻ thân tình; đâu đó vẫn giữ lại “vốn liếng cho riêng mình”. “Mong rằng, khi quy định trên có hiệu lực, thì vấn đề này sẽ được gỡ bỏ. Theo đó, các trường cùng nhau trao đổi, học hỏi để cùng phát triển, không nên “mạnh ai nấy làm”, cô Giang bày tỏ.

Viện dẫn Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên mới được ban hành, PGS.TS Nguyễn Vũ Lương - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận, việc quy định mỗi năm học, chủ trì tổ chức ít nhất một hội thảo chuyên đề phù hợp với thực tiễn cũng là cơ hội và điều kiện để các trường chuyên phát huy vai trò “đầu tàu”. Qua đó, chia sẻ giải pháp, kết quả thực hiện của nhà trường, tổ chuyên môn trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông và phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá.

“Quy định đã có, chỉ mong các trường thực hiện nghiêm túc, không nên làm qua loa, đối phó cho xong và càng không nên “đánh trống bỏ dùi”. Hơn bao giờ hết, các tỉnh, thành cần quan tâm hơn nữa cho trường THPT chuyên, để nhà trường thực sự là “cánh chim đầu đàn” trong lĩnh vực giáo dục của địa phương”, PGS.TS Nguyễn Vũ Lương khuyến nghị.

Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên quy định, trong mỗi năm học, chủ trì tổ chức ít nhất một hội thảo chuyên đề về tổ chức và quản lý các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Hội thảo có sự tham gia của các trường THCS, THPT khác, nhằm chia sẻ những giải pháp và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của trường chuyên theo quy định hiện hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.