Phân tích điểm mới trong Quy chế tổ chức, hoạt động của Trường THPT chuyên được Bộ GD&ĐT ban hành kèm Thông tư 05/2023/TT-BGDĐT, ông Võ Văn Mai, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đồng thời chia sẻ giải pháp để trường chuyên nâng cao hơn nữa vai trò, vị trí, chất lượng giáo dục trong giai đoạn mới.
Tác động tích cực từ quy định mới
- Theo ông, đâu là điểm mới đáng chú ý trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường THPT chuyên được Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 05/2023 mới đây?
- Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường THPT chuyên được Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 05/2023/TT-BGDĐT có nhiều điểm mới, trong đó có một số điểm mới đáng chú ý sau đây.
Thứ nhất: Quy định thêm nhiệm vụ của trường chuyên và tổ chuyên môn trong trường chuyên. Cụ thể, trong mỗi năm học, trường chuyên chủ trì tổ chức ít nhất một hội thảo chuyên đề về tổ chức và quản lý các hoạt động giáo dục trong nhà trường với sự tham gia của các trường THCS, THPT khác. Việc này nhằm chia sẻ những giải pháp và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của trường chuyên theo quy định.
Trong mỗi năm học, tổ chuyên môn chủ trì tổ chức ít nhất 1 lần sinh hoạt chuyên môn có mời giáo viên của các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông khác tham dự. Việc này nhằm chia sẻ những giải pháp, kết quả thực hiện của tổ chuyên môn trong việc nghiên cứu vận dụng hiệu quả chương trình giáo dục và các phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá tiên tiến trong nước và quốc tế. Đồng thời quy định nhiệm vụ của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, giáo viên trong trường chuyên trong việc thực hiện những nội dung này.
Thứ hai, quy định về lớp học trong trường chuyên, theo đó không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên.
Thứ ba, về tuyển sinh vào lớp đầu cấp cũng như tuyển sinh bổ sung vào lớp chuyên Thông tư 05/2023/TT-BGDĐT chỉ quy định những vấn đề chung như: Nguyên tắc, kế hoạch tuyển sinh, tổ chức thi tuyển… các nội dung cụ thể giao quyền cho địa phương, đơn vị quản lý trường chuyên quyết định.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long (thứ 2 bìa phải), Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Thái Văn Thành (thứ 2 bìa trái) chúc mừng học sinh Trương Văn Quốc Bảo - HC Vàng Tin học châu Á năm 2022, HC Bạc Tin học quốc tế năm 2022 (bìa trái) và Nguyễn Hoàng Vũ - HC Bạc Tin học quốc tế năm 2021 (bìa phải). Ảnh: NTCC |
- Những điểm mới vừa nêu, theo ông sẽ tác động ra sao đến các trường THPT chuyên, cả về việc đem đến cơ hội và thách thức?
- Quy định không còn lớp không chuyên trong trường chuyên, với Nghệ An, cụ thể là Trường THPT chuyên Phan Bội Châu không có tác động lớn. Từ trước đến nay nhà trường không tuyển sinh lớp không chuyên.
Các điểm mới còn lại theo tôi đều có tác động tích cực, thúc đẩy sự phát triển của trường THPT chuyên. Cơ hội mang đến đó chính là trường chuyên tự chủ nhiều hơn trong công tác tuyển sinh, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên...
Ví dụ, thông qua việc tổ chức các hội thảo, sinh hoạt chuyên môn có sự tham gia của các trường THCS, THPT khác sẽ đem lại nhiều hiệu ứng tích cực. Đối với trường THPT chuyên, được chia sẻ, lan tỏa các giải pháp, kết quả thực hiện quản lí, về thực hiện chương trình giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá…
Thông qua đó, trường chuyên và giáo viên trường chuyên có cơ hội khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp của mình cho sự phát triển giáo dục địa phương. Đối với các trường THCS, THPT được tiếp cận với chương trình giáo dục của trường chuyên; phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá tiên tiến trong nước và quốc tế… Từ đó, từng bước điều chỉnh phương pháp giáo dục phù hợp tạo nguồn tốt nhất cho trường chuyên.
Tuy nhiên, bước đầu triển khai sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với cán bộ quản lí, giáo viên trường chuyên và đòi hỏi cao hơn về tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực cố gắng, khát vọng cống hiến của các thầy cô.
Ông Võ Văn Mai, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An. |
Không để trường chuyên “đơn thương, độc mã”
- Theo ông, các trường chuyên cần làm gì để nâng tầm ảnh hưởng, phát huy vai trò đầu tàu?
- Tại Nghệ An, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu là đơn vị có bề dày truyền thống, có đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên tâm huyết, trách nhiệm, năng lực chuyên môn tốt. Nhiều cán bộ quản lí, giáo viên của trường là cán bộ quản lí, giáo viên cốt cán của tỉnh.
Sở GD&ĐT Nghệ An xác định, không để trường chuyên “đơn thương, độc mã”. Do đó, ngoài công tác chỉ đạo, các phòng ban chuyên môn, chuyên viên phụ trách bộ môn, sẽ đồng hành cùng nhà trường trong quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Sở luôn quan tâm đến công tác tham mưu UBND tỉnh, Bộ GD&ĐT để có các chính sách động viên, khuyến khích, hướng dẫn kèm theo đối với cán bộ quản lý, giáo viên trường chuyên trong thực hiện nhiệm vụ.
Đây là điều kiện thuận lợi để Trường THPT chuyên Phan Bội Châu triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn sâu. Trong những năm qua, theo sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, chúng tôi đã tổ chức các hội thảo chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường và trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, sẽ không tránh khỏi những khó khăn, thách thức.
Để thực hiện nhiệm vụ này, theo tôi, đối với nhà trường, cần tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong cán bộ quản lí, giáo viên nhận thức rõ trách nhiệm, thách thức cũng như cơ hội để phát triển chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng giáo dục, khẳng định vai trò, vị thế, thương hiệu nhà trường, đóng góp cho sự phát triển giáo dục chung.
Tổ chuyên môn cần xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm học, rõ về mục tiêu, nội dung và tổ chức thực hiện. Trong đó chú trọng đúng mức việc xác định các vấn đề/nội dung khoa học liên quan đến chuyên môn sâu các môn chuyên.
Cùng với đó, phải rõ các vấn đề về phương pháp dạy học theo hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu, phát hiện và đề xuất cách giải quyết vấn đề, không chỉ nội môn mà trong liên môn. Các chương trình giáo dục quốc tế để vận dụng trong xây dựng chương trình giáo dục chuyên phù hợp năng lực học sinh, đáp ứng hội nhập quốc tế cũng cần được quan tâm, chú trọng.
Nhà trường chủ động và tăng cường trao đổi, chia sẻ, nắm bắt thông tin với các trường trong và ngoài tỉnh để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác, hỗ trợ… trong quá trình triển khai thực hiện.
Mong sớm có đề án phát triển trường THPT chuyên mới
- Trường THPT chuyên đã trải qua giai đoạn 10 năm thực hiện Đề án “Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010 - 2020”. Theo ông, giải pháp nào tiếp theo để trường chuyên nâng cao hơn nữa vai trò, vị trí, chất lượng giáo dục trong giai đoạn mới?
- Thời gian qua,Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đang thực hiện tốt vai trò hình mẫu cho các trường THPT. Đây là đơn vị giáo dục đi đầu trong triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và các chủ trương đổi mới giáo dục.
HS Trường THPT chuyên Phan Bội Châu trong tiết thực hành Hóa học. |
Trường THPT chuyên Phan Bội Châu luôn khẳng định được vị thế cao trong tốp đầu cả nước. Trong 10 năm gần đây, nhà trường có 847 học sinh đạt học sinh giỏi quốc gia. 45 lượt học sinh dự thi Olympic khu vực và quốc tế ở tất cả các bộ môn tự nhiên. Trường có 10 Huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc, 7 Huy chương Đồng, 3 Bằng khen, 1 giải Nhất bài viết luận Olympic quốc tế môn Tiếng Nga.
Bên cạnh đó, trường có nhiều học sinh đạt giải quốc gia trong các cuộc thi khác như: Giải Nhất cuộc thi Rung chuông vàng “Theo dấu chân Người”, kỉ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; giải Đặc biệt cuộc thi An toàn giao thông cấp quốc gia; giải Ba cuộc thi Tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam, kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 2 giải Nhất (năm 2019 và 2021) cuộc thi Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm 2019, giải Ba chung cuộc năm 2021; CLB CP The News của nhà trường đạt giải Ba cuộc thi Thầy cô trong mắt em do Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức,…
Để tiếp tục phát huy những thành quả hiện có, tôi cho rằng, đầu tiên cần có chính sách phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong của trường chuyên trong phát triển GD-ĐT ở địa phương. Tăng cường tính tự chủ kèm theo giải trình của trường chuyên, nhất là trong thực hiện xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, phát triển đội ngũ, hợp tác trong nước và quốc tế.
Cùng với đó, trường chuyên cần phải được quan tâm đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Hoàn thiện các cơ chế chính sách đặc thù đối với cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh nhằm thu hút xã hội hóa, tăng cường liên thông giữa giáo dục chuyên sâu và đại học, tăng cường hợp tác quốc tế cũng như sự hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn khi tham gia học tập ở trường chuyên. Chú trọng hơn đến công tác theo dõi cựu học sinh của trường để rà soát đánh giá mục tiêu, chất lượng dạy học, bồi dưỡng nhân tài đồng thời huy động được trí tuệ của cựu học sinh trong phát triển nhà trường.
Tôi hy vọng chúng ta sẽ sớm có một đề án phát triển trường THPT chuyên mới, thay thế cho Đề án “Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020”. Từ đó, mở ra hướng mới để trường chuyên có điều kiện tiếp cận xu hướng hội nhập, tiên tiến trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
- Ngành GD-ĐT Nghệ An có hướng phát triển trường THPT chuyên trên địa bàn thế nào trong giai đoạn tiếp theo?
- Quan điểm chỉ đạo của ngành Giáo dục Nghệ An là phát triển trường chuyên theo hướng phát triển năng khiếu học sinh trên nền chất lượng giáo dục toàn diện theo xu hướng tiên tiến, hội nhập khu vực và quốc tế. Phát huy vai trò đầu tàu của trường chuyên trong hệ thống giáo dục phổ thông.
Nghệ An đang tiến hành xây dựng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu ở địa điểm mới. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở GD&ĐT tham mưu xây dựng, trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành trong năm 2023 Nghị quyết về quy định một số chính sách ưu đãi đối với Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Đây sẽ là những tiền đề, động lực quan trọng để phát triển Trường THPT chuyên Phan Bội Châu trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn ông!