Chủ đầu tư lên tiếng vụ doanh nghiệp tự ý chở ‘đất lậu’ san lấp

GD&TĐ - Liên quan phản ánh ‘đất lậu’ khai thác trái phép được chở đến san lấp công trình, chủ đầu tư đã phản hồi thông tin và ra văn bản chấn chỉnh.

Xe tải chở đất khai thác trái phép phục vụ san lấp tại dự án Khu đô thị Bắc sông Hiếu (giai đoạn 2).
Xe tải chở đất khai thác trái phép phục vụ san lấp tại dự án Khu đô thị Bắc sông Hiếu (giai đoạn 2).

Yêu cầu lấy đúng mỏ đất được cấp phép

Sau phản ánh của Báo Giáo dục và Thời đại về tình trạng “đất lậu” khai thác trái phép được đưa vào thi công ở dự án Khu đô thị Bắc sông Hiếu (giai đoạn 2), Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị - đơn vị chủ đầu tư - cho biết, đã nắm bắt vụ việc và có văn bản chấn chỉnh kịp thời. Khi có thông tin, đơn vị lập tức đình chỉ việc thi công tại đây.

Dự án Khu đô thị Bắc sông Hiếu (giai đoạn 2), đang được triển khai với các hạng mục: giao thông, san nền và hệ thống thoát nước. Dự án do 2 nhà thầu chính thi công là Công ty Cổ phần Thành An, Công ty TNHH xây dựng Mạnh Linh.

Hiện trường vụ khai thác đất trái phép.

Hiện trường vụ khai thác đất trái phép.

Theo lãnh đạo Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị, khi thực hiện dự án, các nhà thầu cam kết có trách nhiệm thực hiện đúng pháp luật. Theo đó, Chủ đầu tư yêu cầu doanh nghiệp tham gia thi công lấy đất đúng mỏ theo quy định, đúng phẩm cấp. Mỏ lấy đất phải báo trước để chủ đầu tư kiểm tra. Nếu có tình trạng tự ý lấy ngoài thì đơn vị đó hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cùng với việc đình chỉ thi công, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi Công ty Cổ phần Thành An; Công ty TNHH XD Mạnh Linh – 2 đơn vị thi công chính tại dự án.

Theo đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh yêu cầu các đơn vị thi công thực hiện một số nội dung. Cụ thể, đối với các vật tư, vật liệu cung cấp cho công trình (như đá, cát, xi măng, sắt thép, cấu kiện đúc sẵn...) phải theo đúng thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật đã phê duyệt, đảm bảo chất lượng và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng theo quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và pháp luật liên quan.

Đặc biệt, đối với vật liệu là đất đắp cho công trình, đơn vị thi công phải lấy đúng mỏ đất đã được cấp phép và đúng vị trí đã thống nhất với chủ đầu tư, với các nguồn cung cấp khác phải đảm bảo tính pháp lý theo quy định của pháp luật và báo cáo Chủ đầu tư kiểm tra chất lượng và nguồn gốc vật liệu trước khi đưa vào sử dụng.

Đơn vị thi công phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng, pháp lý các vật tư, vật liệu đưa vào thi công tại công trình. Đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ; an toàn giao thông, an toàn lao động, an ninh trật tự trên toàn bộ công trình.

“Hé lộ” doanh nghiệp sử dụng đất khai thác trái phép

Theo tìm hiểu, khu vực tận dụng lấy đất làm vật liệu san lấp nằm trong diện tích đã được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt Phương án tận dụng, vận chuyển đất làm vật liệu san lấp dư thừa từ dự án Khu đô thị Tân Vĩnh để đắp nền dự án Khu đô thị Bắc sông Hiếu giai đoạn 2 với diện tích 0,88 ha, thuộc địa bàn phường Đông Lương, TP Đông Hà. Khối lượng đất được phép tận dụng là 12.337 m3.

Đất được đưa vào san lấp có nguồn gốc là "đất lậu".

Đất được đưa vào san lấp có nguồn gốc là "đất lậu".

Công ty CP Thành An là nhà thầu được khai thác đất tại mỏ này, thời gian thực hiện đến hết tháng 4/2023. UBND tỉnh cũng đã có văn bản xác nhận khu vực lấy đất và khối lượng đất được phép tận dụng.

Ngoài ra, Công ty CP Thành An cũng được cấp phép nạo vét trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi các hồ chứa nước: La Ngà, Kinh Môn, Hà Thượng, Trúc Kinh, Tân Kim, Nghĩa Hy, kết hợp thu hồi đất làm vật liệu san lấp. Tuy nhiên, việc khai thác đất ở đây cũng chỉ được thực hiện trong mùa có thời tiết thuận lợi.

Trong khi đó, Công ty TNHH XD Mạnh Linh hiện chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác mỏ đất.

Tuy nhiên, theo ghi nhận cho thấy, một khối lượng đất không nhỏ phục vụ thi công tại dự án Khu đô thị Bắc sông Hiếu có nguồn gốc là “đất lậu”. Phải chăng, đơn vị thi công tại dự án đang có sự mập mờ sử dụng nguồn đất được khai thác trái phép?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.