Chủ biên Chương trình Ngữ văn 2018 chia sẻ về dạng đề so sánh 2 tác phẩm văn học

GD&TĐ - PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình Ngữ văn 2018 chia sẻ một số lưu ý trong hướng dẫn ôn luyện dạng đề so sánh 2 tác phẩm văn học.

Giờ Ngữ văn tại Trường THPT Ban Mai - Hà Đông, Hà Nội.
Giờ Ngữ văn tại Trường THPT Ban Mai - Hà Đông, Hà Nội.

Kĩ năng cần thiết trong cảm thụ, phân tích tác phẩm văn học

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, so sánh là một thao tác và cũng là một kĩ năng cần thiết trong cảm thụ, phân tích tác phẩm văn học. Qua so sánh mà thấy vẻ đẹp đa dạng, phong phú, sự sáng tạo và đóng góp của mỗi tác giả, tác phẩm.

Chương trình Ngữ văn 2018, lớp 12 có yêu cầu viết loại bài nghị luận so sánh 2 tác phẩm văn học. Quy định về phạm vi, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD&ĐT cũng coi đây là 1 trong 3 kiểu bài viết nghị luận văn học. Như thế không thể không dạy và ôn cho học sinh làm kiểu bài này.

Nhìn rộng hơn, khi dạy viết, SGK phổ thông một số nước cũng rất chú ý đến yêu cầu so sánh- đối chiếu. PGS.TS Đỗ Ngọc Thống lấy ví dụ trong bộ sách của Hoa Kì (Literature - Grade 10, 11, 12 - Copyright © 2008 by McDougal Littell, a division of Houghton Mifflin Company. All rights reserved), cả 3 lớp cuối cấp THPT đều có kiểu bài so sánh. Sách nêu lên nhiều đề so sánh, ở đây chỉ nêu 1 đề làm ví dụ:

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nêu 1 đề ví dụ trong số nhiều đề so sánh nêu trong sách như sau:

Đề cho lớp X: Viết một bài luận so sánh hoặc đối chiếu hai tác phẩm văn học. Tập trung vào những yếu tố chính của văn học như đề tài, không gian, nhân vật và giải thích tác động của các yếu tố đó như thế nào đối với ý nghĩa của tác phẩm. Từ bài viết của anh (chị) bạn đọc có thể hiểu thêm điều mới mẻ về tác phẩm.

Đề lớp XI: Viết một bài luận so sánh và đối chiếu hai bài thơ. Bài viết cần tập trung vào các phương diện chính của bài thơ như chủ đề, phong cách, sự lựa chọn từ ngữ; để giúp bạn đọc thấy được sự sâu sắc trong các bài thơ ấy.

Đề lớp XII: Viết một bài luận so sánh hoặc đối chiếu hai tác phẩm văn học. Tập trung vào các yếu tố văn học chính như chủ đề, bối cảnh không gian, hoặc nhân vật và giải thích hiệu quả của các yếu tố đó như thế nào đối với toàn thể ý nghĩa của tác phẩm. Bài luận của bạn cần giúp người đọc tăng thêm sự hiểu biết mới về tác phẩm ấy.

Cần chú ý gì về kiểu bài so sánh?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho biết, đề văn có thể yêu cầu so sánh 2 tác phẩm văn xuôi, 2 tác phẩm thơ, 2 tác phẩm kí và 2 tác phẩm kịch; có thể so sánh 2 văn bản của 2 tác giả hoặc của cùng 1 tác giả.

Phạm vi so sánh ở đây không bắt buộc phải so sánh toàn bộ tác phẩm, mà có thể chỉ một số yếu tố chính, quan trọng về nội dung hoặc nghệ thuật của tác phẩm ấy. Các đề văn trong sách của Hoa kì cũng chỉ yêu cầu so sánh tập trung vào các yếu tố chính như đề tài, không gian, nhân vật hoặc chủ đề, phong cách, sự lựa chọn từ ngữ; và chỉ ra hiệu quả, tác động của các yếu tố ấy…

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống lưu ý: Mục đích của bài văn so sánh là chỉ ra sự giống nhau và khác biệt của 2 văn bản, 2 tác giả; tránh việc so sánh nhằm đề cao tác phẩm này hoặc tác phẩm kia dù vô tình hay cố ý. Cần hướng dẫn cho học sinh cách viết bài so sánh, cụ thể không phải lần lượt phân tích 2 văn bản rồi mới chỉ ra điểm giống và khác mà cần làm rõ sự giống và khác qua các tiêu chí về nội dung và nghệ thuật:

Về nội dung, cần chỉ ra 2 văn bản có gì giống và khác nhau về các yếu tố đề tài, chủ đề, cảm hứng chủ đạo, thông điệp tư tưởng, ý nghĩa xã hội, nhân sinh…; những giá trị hiện thực, nhân đạo; giá trị nhận thức, giáo dục và thẩm mĩ…

Về nghệ thuật, cần làm rõ sự giống và khác nhau về cách thức thể hiện thông qua các yếu tố đặc trưng của mỗi thể loại và ngôn ngữ: vần, nhịp, từ ngữ, hình ảnh, điểm nhìn, người kể, lời kể, cốt truyện, nhân vật, các biện pháp nghệ thuật ( miêu tả, tu từ, trần thuật…), các yếu tố phi ngôn ngữ…

Tất nhiên một bài viết không thể so sánh tất cả các yếu tố trên mà chỉ tập trung vào một vài yếu tố nổi bật có trong 2 văn bản mà đề yêu cầu. Trong hoặc sau khi so sánh cần chỉ ra ý nghĩa của sự giống và khác nhau của một số yếu tố đó. Thực chất là phân tích vai trò của sáng tạo cá nhân, sự phong phú đa dạng trong cách thức thể hiện của nhà văn, từ đó làm rõ đóng góp của mỗi văn bản, tác phẩm trong việc thể hiện nội dung và nghệ thuật.

“Đề văn yêu cầu so sánh cần chú ý phù hợp với thời lượng làm bài và trình độ học sinh. Với thời gian 120 phút trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đề văn yêu cầu so sánh không thể quá rộng, chỉ nên tập trung vào 1-2 yếu tố nổi bật cần so sánh, làm rõ từ 2 văn bản.

Văn bản ngữ liệu so sánh là rất quan trọng. Nên lựa chọn 2 văn bản có chung đề tài, chủ đề nhưng cách thức thể hiện khác nhau. Văn bản thơ dễ hơn văn xuôi. Nếu là văn xuôi, cần xác định trước yêu cầu so sánh từ các yếu tố nào là chính. Ví dụ đề định yêu cầu so sánh cách miêu tả nhân vật (ngoại hình, nội tâm, diễn biến tâm lí…?) hay so sánh đặc điểm ngôn ngữ của 2 văn bản? Đề yêu cầu so sánh chủ đề, cảm hứng chủ đạo, hay so sánh giá trị hiện thực hoặc giá trị nhân đạo?...Từ yêu cầu ấy mới lựa chọn văn bản cho phù hợp”, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ.

Về đáp án, Chủ biên Chương trình Ngữ văn 2018 cho rằng, đáp án và hướng dẫn chấm cần rõ ràng, tập trung vào yêu cầu của đề và gợi ra một số hướng, cách làm cùng ví dụ cụ thể về nội dung cần triển khai. Không nên yêu cầu quá cao so với trình độ nhận thức chung của học sinh, nhưng cần khuyến khích những bài làm vượt lên trên chuẩn, có nhiều sáng tạo. Cần linh hoạt trong việc xem xét, đánh giá dung lượng bài viết. Không nên cứng nhắc lấy số lượng chữ (200 hoặc 600 chữ) làm căn cứ cho điểm mà cần dựa vào chất lượng bài/ đoạn văn là chính.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ