Áp dụng hiệu quả nhất đề tham khảo Ngữ văn trong dạy học, kiểm tra đánh giá

GD&TĐ - Phân tích đề tham khảo môn Ngữ văn, giáo viên chia sẻ kinh nghiệm để áp dụng hiệu quả nhất đề tham khảo trong dạy học, kiểm tra đánh giá.

Học sinh Trường THCS-THPT Phenikaa.
Học sinh Trường THCS-THPT Phenikaa.

Thay đổi có lợi cho thí sinh

Nhận xét đề tham khảo môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, cô Đình Thị Thủy, giáo viên Trường THCS & THPT Phenikaa cho biết: về phạm vi kiến thức, năng lực, đề đảm bảo kiến thức, năng lực trong khung chương trình Ngữ văn 2018. Học sinh được kiểm tra kiến thức về thể loại văn học, kỹ năng viết văn nghị luận (về vấn đề văn học, vấn đề xã hội).

Cấu trúc đề thi như định hướng Bộ GD&ĐT đã công bố, cụ thể gồm: kỹ năng đọc - hiểu (một đoạn trích thơ) - 4 điểm; kỹ năng viết đoạn văn nghị luận văn học - 2 điểm; kỹ năng viết bài văn nghị luận xã hội - 4 điểm.

Về mức độ nhận thức, tỷ lệ nhận biết chiếm khoảng 25%, thông hiểu khoảng 35%, vận dụng khoảng 40%.

Đặc biệt, câu 1 phần II yêu cầu viết đoạn nghị luận liên quan đến ngữ liệu trong phần I. Như vậy, học sinh tiết kiệm được thời gian vì dung lượng ngữ liệu giảm. Ngoài ra, việc trả lời các câu hỏi đọc hiểu cũng là cơ sở cho các em chủ động, thuận lợi hơn cho việc viết đoạn văn ở câu 1, phần II.

Triển khai đề tham khảo trong dạy học và kiểm tra, đánh giá

Đề tham khảo là tài liệu quan trọng để giáo viên nghiên cứu, tìm hiểu và có định hướng cho bản thân trong quá trình dạy học, kiểm tra, đánh giá. Đề cũng giúp học sinh được cọ xát, thực hành, rút kinh nghiệm, nhận ra điểm mạnh, điểm cần cải thiện để có lộ trình học tập hiệu quả.

Chia sẻ điều này, cô Đình Thị Thủy cho rằng, để đạt hiệu quả trong dạy và học, giáo viên nên thảo luận cùng tổ/ nhóm chuyên môn để nhận định, đánh giá đề ở các phương diện: kiến thức, kỹ năng, cấu trúc…. Giáo viên triển khai cho học sinh làm đề, sau đó chấm, chữa bài và nhận xét cho học sinh. Trong suốt quá trình dạy - học, giáo viên căn cứ đề tham khảo, xây dựng các đề kiểm tra tương ứng về mức độ kiến thức, kỹ năng để học sinh có cơ hội luyện tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng làm bài.

Để đảm bảo chất lượng dạy học và dạy học đạt mục tiêu, giáo viên cần nghiên cứu kỹ, sâu Chương trình tổng thể và chương trình Ngữ văn 2018. Nhận diện đặc điểm, trình độ học sinh của đơn vị trường/lớp nơi mình dạy học để có phương pháp dạy học phù hợp.

Đồng thời, phân hóa học sinh và đặt mục tiêu cho từng nhóm học sinh; dạy học sinh theo đặc trưng thể loại, chú trọng dạy kỹ năng đọc - viết - nói - nghe về các thể loại văn bản mà chương trình Ngữ văn 2018 đã hướng dẫn.

Thầy cô lưu ý không lơ là, đại khái khi dạy các văn bản trong sách giáo khoa. Cần dạy kỹ, cho học sinh luyện tập, thực hành viết về chính tác phẩm đã được học, sau đó từng bước cho các em thực hành đọc hiểu, viết nghị luận về các tác phẩm ngoài sách giáo khoa.

Kỹ năng làm bài theo cấu trúc đề thi, thầy cô cũng nên rèn kỹ cho học sinh; sau đó tiến hành chấm, nhận xét, đánh giá dưới nhiều hình thức (giáo viên đánh giá học sinh, học sinh đánh giá học sinh, học sinh tự đánh giá).

Hãy luôn đa dạng hóa các phương pháp dạy học, khuyến khích học sinh có tư duy phản biện, độc lập trong bày tỏ quan điểm, chính kiến. Đây là tiền đề cho sự phát triển năng lực, tư duy sáng tạo - yếu tố cần thiết để đáp ứng yêu cầu của chương trình 2018 là phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Để sử dụng hiệu quả đề tham khảo trong dạy học, trước hết giáo viên cần thảo luận, xây dựng kế hoạch, chương trình ôn tập theo số tiết đã được quy định. Thống nhất chương trình, xây dựng bài dạy theo từng chuyên đề bám vào đặc trưng thể loại chủ yếu theo khung chương trình Ngữ văn 12. Trang bị kiến thức trọng tâm, chú trọng rèn luyện kỹ năng làm bài cho học sinh theo từng phần phù hợp đặc trưng thể loại. Song song với việc dạy trên lớp, thầy cô bám khung chương trình, sách giáo khoa. Việc triển khai ôn tập tốt sẽ góp phần quyết định kết quả của Kỳ thi.

Cô Th.S Hồ Thị Lệ Hằng - TTCM Ngữ văn Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ