Bị trừ điểm vì dùng AI
Mới đây, trên trang HUFLIT Confessions (diễn đàn của sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM), một sinh viên kể chuyện mình sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để viết tiểu luận, bị giảng viên phát hiện ra và trừ 50% điểm. Theo sinh viên này, em từng nghe giảng viên nhắc nhở dùng AI viết tiểu luận sẽ tính là đạo văn nếu bị phát hiện, song lại cho rằng “đâu có biết giảng viên sẽ phát hiện được”. “Sau hồi giải thích, tôi đã hiểu ra nếu dùng những phần mềm dịch thuật từ Việt sang Anh cũng có nguy cơ tính là AI và bị kiểm tra đạo văn. Mong rằng câu chuyện của tôi là bài học để các bạn cẩn trọng hơn khi học những môn viết”, sinh viên này kể.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) cho biết, khi xây dựng đề cương chi tiết môn học, nhà trường có quy định về liêm chính học thuật (academic integrity). Quy định này yêu cầu sinh viên phải độc lập làm bài tập, tham gia trách nhiệm trong bài tập nhóm và báo cáo những biểu hiện gian lận học thuật.
Theo đó, HUFLIT có công cụ phát hiện nội dung bài tập sinh viên nộp có phải do AI tạo ra hay không. Công cụ này cho giảng viên biết đoạn nào trong sản phẩm, bài tập được tạo ra bởi AI. Việc xử lý như thế nào cho phù hợp tùy thuộc vào tính chất môn học. “Trường hợp sinh viên nói trên, được giao bài tập viết để nâng cao kỹ năng nhưng lại sử dụng AI để làm thay, thì việc trừ điểm của giảng viên là hợp lý”, ông Nguyễn Ngọc Vũ nhận định.
Tuy nhiên, lãnh đạo Trường HUFLIT không phủ nhận vai trò của AI với học tập, nghiên cứu của sinh viên. Khi dạy môn học “Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tiếng Anh” với đề án cuối kỳ là dựng một khóa học E-learning, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ yêu cầu sinh viên sử dụng tối đa các loại công cụ AI sao cho khóa học đẹp và chất lượng nhất. “Quan điểm của chúng tôi là giúp sinh viên khai thác lợi ích của AI”, đại diện lãnh đạo Trường HUFLIT nói.
Giao diện hệ thống kiểm tra đạo văn của Đại học Kinh tế TPHCM. Ảnh: UEH |
Dùng AI như công cụ tham khảo
Câu chuyện trên diễn đàn của sinh viên Trường HUFLIT phần nào liên quan đến quy định trích dẫn và chống đạo văn trong học tập, nghiên cứu khoa học đối với sinh viên ở trường đại học.
Hiện, nhiều trường đại học ban hành quy định trích dẫn và chống đạo văn áp dụng cho người học tất cả hệ đào tạo. Tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), quy định này được ban hành từ đầu năm 2020, cùng đó là việc kiểm tra trùng lặp dữ liệu bằng phần mềm DoIT và Turnitin. Theo đó, có 8 biểu hiện của đạo văn trong làm luận văn như sử dụng đoạn văn, thông tin, số liệu, hình ảnh từ tác phẩm của người khác đưa vào sản phẩm của mình mà không chỉ dẫn đầy đủ nguồn gốc tác phẩm trích dẫn; trích dẫn một hoặc nhiều tác phẩm của người khác để hình thành tác phẩm của mình có dung lượng chiếm trên 25% nội dung, dù có thực hiện đúng quy định về trích dẫn nguồn.
Tại Trường Đại học Kinh tế TPHCM, quy định về kiểm soát và xử lý đạo văn sản phẩm học thuật được ban hành từ năm 2016. Các sản phẩm học thuật được xem là phạm lỗi nếu theo kết quả kiểm tra của Turnitin có sao chép nguyên văn một đoạn văn 100 từ trở lên; 20% văn bản giống với nguồn dữ liệu của tác giả khác hoặc chỉ thay đổi tên đề tài, từ ngữ, số liệu nhưng giữ nguyên cấu trúc, nội dung tương tự công trình khác.
Tại Trường Đại học Công Thương TPHCM, ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông cho hay, sinh viên nhà trường cũng sử dụng Turnitin để kiểm tra đạo văn khi làm luận văn, luận án. Dù chưa có quy định chính thức, song nhà trường khuyến cáo sinh viên không được lạm dụng AI, không sử dụng ChatGPT để viết luận văn. “Các khoa tự tìm cách thức để sinh viên không viết luận văn bằng trí tuệ nhân tạo. Nếu sử dụng AI, ChatGPT, chỉ được dừng lại ở mức tham khảo, tìm kiếm thông tin”, ông Phạm Thái Sơn cho biết.
Theo ghi nhận, một thực trạng khá phổ biến tại cơ sở giáo dục hiện nay là người học sử dụng tác phẩm, tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau đưa vào bài viết của mình mà không trích dẫn nguồn, trích dẫn sai cách thức, vượt quá tỷ lệ cho phép. Nguyên nhân thực trạng này xuất phát từ sự thiếu thông tin dẫn đến vi phạm hoặc cố tình vi phạm.
Ông Nguyễn Ngọc Vũ cho rằng, trong tương lai, thế giới sẽ được định hình bởi cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo. Các công cụ AI có thể nâng cao tiềm năng nếu sinh viên biết cách sử dụng hợp lý. “Tuy nhiên, các em cần hiểu cách thức AI tạo nội dung để biết hạn chế của chúng, tuân thủ nguyên tắc đạo đức và minh bạch khi sử dụng AI trong học tập và công việc. AI là công cụ tốt, con người phải sử dụng để phát triển, nhưng không phó mặc năng lực tư duy cho AI”, Phó Hiệu trưởng HUFLIT nói.
Theo ThS Cù Xuân Tiến - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), để sử dụng tốt các công cụ AI hỗ trợ cho việc học, sinh viên cần rà soát kỹ dữ liệu của ứng dụng AI cung cấp, vì số liệu của phiên bản miễn phí có thể cũ, chưa cập nhật đến năm hiện tại. Sinh viên cần chuẩn bị kỹ câu hỏi đặt ra cho ứng dụng AI, không nên yêu cầu AI làm thay tất cả.” Dựa trên câu trả lời, ý tưởng mà AI cung cấp, ngoài kiểm tra kỹ tính hợp lý của dữ liệu nêu trên, sinh viên cần viết lại theo cách hiểu và phù hợp nội dung bài viết”, ThS Cù Xuân Tiến khuyên.
Nhiều năm trước, Trường Đại học Kinh tế TPHCM phát ra thông báo: Một số học viên cao học, nghiên cứu sinh cố ý thêm ký tự màu trắng, thu nhỏ vào giữa chữ trong luận văn, luận án, sử dụng dấu ngoặc kép không đúng quy định trích dẫn tài liệu trực tiếp (nhìn thấy được hoặc thu nhỏ, chuyển thành màu trắng), sử dụng định dạng hình ảnh trong bài, nhằm vượt qua kiểm tra tính trùng lắp của luận văn, luận án đối với sản phẩm học thuật công bố. Nhà trường đã có hình thức xử lý kỷ luật các học viên, nghiên cứu sinh này.