Không đi học bị phạt
Kể từ sau hàng loạt vụ tự sát của học sinh do bị bạn cùng lớp bắt nạt năm 2012, Bộ Giáo dục đã có nhiều nỗ lực loại bỏ bạo lực trường học và khuyến khích học sinh không che giấu việc bị bắt nạt cũng như đề nghị giúp đỡ để có giải pháp.
Theo kế hoạch 2015 - 2019, được thông qua trong phiên họp chính phủ do Thủ tướng Chung Hong-won chủ trì, yêu cầu bắt buộc toàn bộ phụ huynh có con nhỏ tham gia các khóa giáo dục trực tuyến hoặc offline về bạo lực trường học 3 năm/lần bắt đầu từ khi sinh con – theo Bộ Giáo dục.
Các quan chức Bộ Giáo dục cho biết việc mở rộng giáo dục bạo lực trường học đối với phụ huynh dựa trên chỉ trích của xã hội là thiếu giáo dục cá nhân tại gia đình là nguyên nhân khiến bạo lực tràn lan ở trường.
Chế tài đối với giáo dục bạo lực cho phụ huynh là phạt tiền nếu phụ huynh không chịu đi học.
Nằm trong kế hoạch chống bạo lực tổng thể, các trường lớp học trong tương lai sẽ được xây dựng hoặc cải tạo nhằm giám sát tốt hơn và ngăn ngừa hành vi bạo lực trong trường học. Cụ thể như lắp đặt camera giám sát tại những khu vực vắng vẻ, giảm thiểu các góc khuất trong trường học… Chính phủ cũng sẽ áp dụng chương trình 4 tuần giúp “bắt tay” giữa người bắt nạt và nạn nhân.
Vẫn nhức nhối bạo lực trường học
Theo khảo sát của Bộ Giáo dục Hàn Quốc được công bố cuối tháng 11/2014, khoảng 1/100 học sinh tiểu học, THCS và THPT đã trải qua bạo lực trường học. Khảo sát được thực hiện với sự kết hợp của Bộ Giáo dục, nhân viên GD cấp tỉnh và thành phố - cho thấy 1,2% người được hỏi thừa nhận đã chịu bạo lực ở trường, giảm chút ít so với mức 1,4% trong nghiên cứu đầu năm nay. Khảo sát cuối năm dựa trên tìm hiểu 4,1 triệu học sinh từ lớp 4 tiểu học đến năm cuối THPT trong thời gian từ 15/9 - 24/10.
Tín hiệu mừng là xu hướng bạo lực trường học đã giảm nhiều so với đỉnh điểm năm 2012. Khảo sát nửa đầu năm 2012 cho thấy, 12,3% học sinh được hỏi cho biết đã chịu bạo lực học đường. Tỉ lệ này nửa đầu năm 2013 còn 2,2% và giảm tiếp còn 1,4% trong nửa đầu năm nay.
Nghiên cứu chỉ ra rằng học sinh tiểu học và nam sinh có nguy cơ là nạn nhận bạo lực trường học cao hơn học sinh THPT và nữ sinh. Lăng mạ và hạ nhục bằng lời nói là hình thức bạo lực trường học phổ biến nhất, tiếp theo lần lượt là các hình thức tẩy chay, đánh đập, rình rập, bắt nạt qua mạng và tống tiền.
Còn theo khảo sát của Tổ chức Phòng chống Bạo lực Thanh niên Hàn Quốc thì hơn 20% học sinh chia sẻ là nạn nhân của bạo lực học đường. Phổ biến tình trạng phụ huynh Hàn Quốc không tiếc tiền đổ vào đủ loại hình học thêm của con cái nhưng lại không giáo dục tốt cho trẻ đạo đức và ứng xử trong cuộc sống. Vì thế mà sự tăng cường giám sát bạo lực học đường trường học thôi chưa đủ mà cần có môi trường lành mạnh từ gia đình, hướng dẫn trẻ kĩ năng xã hội và cách giải quyết vấn đề của bản thân.