Có thể nôm na so sánh việc xác định ngành du học cũng giống như chuyện chọn nguyện vọng thi ĐH. Theo ngành yêu thích hay theo ngành có nhiều cơ hội việc làm; chọn ngành đã được chấp thuận hồ sơ dù không phải sở trường hay tiếp tục chờ đợi một ngành học đúng với đam mê?
Nguyễn Thị Minh Tâm - hiện học năm cuối ngành CNTT Trường ĐH Khoa học ứng dụng Frankfurt (Đức) - trước đây là sinh viên theo con đường hóa học tại ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Ngày vừa bước chân vào giảng đường ĐH, Tâm đã muốn tìm cho mình một hướng du học vì khát khao có môi trường học tập tốt. Trong hơn hai năm ở Bách khoa, Tâm vừa học vừa tìm hiểu và gửi đơn đi khắp các trường ĐH ở nhiều quốc gia, tiếp cận thêm các học bổng chính phủ như Nhật, Hàn Quốc, Phần Lan, Úc... rồi trúng vào ngành CNTT.
Tâm nói: "Việc mình học CNTT là một sự đánh đổi niềm đam mê hóa học nên nhiều khi cũng thấy tiếc". Nhìn chung, một số bạn trẻ có "máu" du học như Tâm thường cho rằng hễ ra nước ngoài học là tiếp xúc với hệ thống giáo dục tiên tiến với nhiều cơ hội phát triển, hoặc ít nhất cũng tốt hơn trong nước, do đó sẵn sàng chấp nhận học trái ngành để du học.
Là người Việt Nam duy nhất nhận học bổng toàn phần của Chính phủ Đức cho hệ thạc sĩ năm 2012, Bùi Thị Minh Châu cho rằng các bạn trẻ khi lựa chọn điểm đến du học nên ưu tiên ngành học lên hàng đầu vì liên quan trực tiếp đến đam mê, sở trường và thiên hướng phát triển nghề nghiệp lâu dài của cá nhân.
Xác định rõ ngành học sẽ hạn chế được việc "rải" hồ sơ đến nhiều trường, thay vào đó tập trung sức lực để đầu tư và tìm hiểu tối đa cho một số ít học bổng.
Châu khuyên các bạn có ý định tìm học bổng không nên "rải" đơn nhằm tăng cơ hội nhưng rồi hồ sơ nào cũng "nhạt" và không thuyết phục được các trường vì sao mình xứng đáng với học bổng của họ.
Thay vào đó cần đầu tư thời gian để tìm hiểu về một số học bổng nhất định và chú trọng vào thư nguyện vọng (Letter of Motivation) và thư giới thiệu (Letter of Recommendations) để đạt kết quả tốt nhất.