Chọn SGK theo Chương trình GDPT 2018: Phải phù hợp với thực tế địa phương

Chọn SGK theo Chương trình GDPT 2018: Phải phù hợp với thực tế địa phương

- Phòng GD&ĐT quận Ô Môn có những định hướng ra sao trong việc lựa chọn SGK tại trường học?

- Việc chọn bộ SGK đưa vào giảng dạy cho HS trong năm học mới cần dựa trên những tiêu chí cơ bản: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương; Điều kiện tổ chức dạy và học tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên từng địa bàn.

Với mong muốn HS thực sự là trung tâm của quá trình đổi mới, việc chọn ra một bộ sách để đưa vào giảng dạy tại các trường trên địa bàn vô cùng quan trọng. Vì vậy chúng tôi lựa chọn bộ SGK dựa trên định hướng của Sở GD&ĐT Cần Thơ. Bộ SGK này nằm trong danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp lựa chọn một đầu SGK. Quá trình lựa chọn bộ SGK đưa vào giảng dạy trong nhà trường đều bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

- Đến thời điểm này, việc lựa chọn sách tại các trường thực hiện đến đâu, thưa ông?

- Trong khi chờ đợi văn bản hướng dẫn cụ thể từ Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, Phòng GD&ĐT tổ chức cho lãnh đạo, chuyên viên, cán bộ quản lý, giáo viên được phân công dạy lớp 1 năm học 2019 - 2020 và giáo viên được phân công dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021 nghiên cứu nội dung 5 bộ SGK lớp 1 do Sở GD&ĐT cung cấp, trong đó có so sánh đối chiếu với bộ SGK lớp 1 hiện hành.

Ông Lê Hoàng Duy Linh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ
 Ông Lê Hoàng Duy Linh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ

- Việc thành lập hội đồng chọn lựa SGK được tiến hành trên cơ sở nào?

- Việc thành lập hội đồng chọn lựa SGK gồm các thành phần: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng tổ chuyên môn, giáo viên dạy lớp 1, giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có SGK được lựa chọn và đại diện Ban đại diện cha mẹ HS của cơ sở giáo dục phổ thông (ưu tiên phụ huynh HS có con chuẩn bị học lớp 1).

Do một số cán bộ, GV đã dự các buổi tập huấn do Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT tổ chức. Các nhà trường đã được Sở GD&ĐT cung cấp 5 bộ sách đồng thời tận dụng thời gian HS được nghỉ học tránh dịch để nghiên cứu, bàn bạc kỹ hơn về ưu, nhược điểm của từng bộ sách. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có những khó khăn như: Nhiều cán bộ, GV chưa được tham gia các buổi tập huấn về chương trình SGK mới. Số lượng sách do Sở GD&ĐT cung cấp quá ít không đủ phân chia cho nhiều người nghiên cứu cùng một lúc. Các nhà trường không được cung cấp sách giáo viên (sách hướng dẫn dạy) nên gặp khó trong việc chọn lựa phương pháp dạy cho phù hợp. Mặt khác thời gian cho các nhà trường nghiên cứu còn không nhiều.

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của từng thành phần trong hội đồng lựa chọn SGK?

- Trong quá trình lựa chọn bộ SGK đưa vào giảng dạy, hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm về hoạt động của hội đồng lựa chọn SGK, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch làm việc; Tổ chức thực hiện các hoạt động của hội đồng; phân công nhiệm vụ của phó chủ tịch hội đồng, thư ký và các ủy viên; Đồng thời xử lý theo thẩm quyền các tình huống phát sinh trong quá trình lựa chọn…; Nghiên cứu, đánh giá các SGK theo tiêu chí lựa chọn và các tài liệu liên quan do hội đồng cung cấp; Chịu trách nhiệm về ý kiến nhận xét, đánh giá lựa chọn SGK và chịu trách nhiệm giải trình về quyết định lựa chọn SGK của hội đồng.

Các GV có trách nhiệm tham gia các cuộc họp của hội đồng; tham khảo ý kiến của HS, cha mẹ HS về việc lựa chọn SGK; Nghiên cứu, đánh giá bộ sách theo tiêu chí lựa chọn và các tài liệu liên quan do hội đồng cung cấp; Chịu trách nhiệm về ý kiến nhận xét, đánh giá lựa chọn của mình.

Với phụ huynh được mời phải tham gia các cuộc họp của hội đồng; tham khảo ý kiến của HS, cha mẹ HS không được mời về việc lựa chọn SGK. Phụ huynh cũng sẽ nghiên cứu, đánh giá các SGK theo tiêu chí lựa. Chịu trách nhiệm về ý kiến nhận xét, đánh giá lựa chọn SGK.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ