Những ý kiến đề xuất của giáo viên và nhà trường sẽ là một trong những cơ sở để Hội đồng lựa chọn SGK thành phố chọn ra các bộ sách, cuốn sách bảo đảm đúng quy trình, minh bạch, tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục.
Nghiên cứu sách bằng nhiều hình thức
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết: Quy trình tổ chức lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 được thực hiện 6 bước theo quy định tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT. Dự kiến, chậm nhất vào đầu tháng 4, thành phố Hà Nội phê duyệt danh mục SGK để sử dụng trong các nhà trường.
“Để danh mục SGK đưa vào sử dụng thực sự chất lượng, các nhà trường cần quan tâm, tạo điều kiện để giáo viên nghiên cứu sách bằng nhiều hình thức. Khi đề xuất lựa chọn sách, ngoài nội dung chuyên môn, giáo viên cần lưu ý về sự phù hợp của sách với điều kiện dạy học tại địa phương và học sinh” - ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.
Cô Phùng Thị Anh Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đa Tốn (huyện Gia Lâm) nhận định: Qua tiếp cận với các bộ SGK lớp 2 mới, chúng tôi thấy nổi lên một số điểm mới: Bộ sách có hình ảnh đẹp mắt, sinh động phù hợp với học sinh tiểu học. Sách thiết kế theo hướng mở, tăng cường khả năng giao tiếp và ứng xử của học sinh trong thực tế. Trong đó, môn Tiếng Việt không còn chia theo các phân môn mà theo bốn kĩ năng đọc, viết, nghe, nói. Sách thiết kế các tuyến nhân vật ở môn Toán và môn Tự nhiên xã hội theo mạch kiến thức từ lớp 1 - 5 để giúp học trò thấy hứng thú và gần gũi hơn khi học tập.
Cũng theo cô Hà, toàn bộ sách được thiết kế theo hướng kết nối những tri thức với cuộc sống thực tế. Sách mới tạo điều kiện cho học sinh được thực hành nhiều hơn, từ đó phát huy được 3 năng lực chung: Giao tiếp và hợp tác, tự học và tự chủ, giải quyết vấn đề và sáng tạo các năng lực đặc thù môn học cùng với đó là hướng các em phát triển 5 phẩm chất: Yêu nước, nhân ái, trung thực, trách nhiệm, chăm chỉ…
Từ nhận định này, Trường Tiểu học Đa Tốn tổ chức cho giáo viên nghiên cứu các bộ SGK theo nhiều hình thức khác nhau: Nghiên cứu sách lớp 1 theo chương trình mới để tiếp cận với phương pháp và kế hoạch triển khai lớp 2; Cập nhật các thông tin trên mạng Internet và sách báo; Trao đổi với nhau trong các giờ sinh hoạt chuyên môn, họp chuyên môn…
Cô Đặng Hoàng Hà – GV Trường Tiểu học Giáp Bát (quận Hoàng Mai) chia sẻ: Tôi rất ấn tượng với bộ sách lớp 2. Sách có nhiều điều chỉnh và nội dung hay, phong phú… Sách thực sự là kho học liệu và cung cấp nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo để giáo viên có tuổi cũng có thể tiếp cận với đổi mới sáng tạo, hòa nhập với xu thế giáo dục hiện đại.
Dạy tích hợp theo SGK mới sẽ không khó khăn
Cô Lê Thủy Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Đông Thái (quận Tây Hồ) cho hay: Ban giám hiệu và giáo viên nhà trường đang nghiên cứu các đầu SGK mới. Việc giáo viên nhận xét các bộ sách diễn ra đến cuối tháng 3 để nhà trường tổng hợp gửi lên phòng GD&ĐT.
Liên quan đến việc tích hợp liên môn, cô Trang cho biết: Những năm học gần đây, giáo viên nhà trường triển khai dạy tích hợp một số môn. SGK mới cũng đưa rõ nội dung cần tích hợp nên khi dạy học chính thức không phải là vấn đề khó khăn. Nhà trường và giáo viên chỉ mong sớm được cầm bộ SGK mới trên tay để biết mình phải bắt đầu từ đâu, tích hợp liên môn thế nào cho phù hợp và hiệu quả với điều kiện của nhà trường.
Được thầy cô giáo dạy học theo hướng tích hợp liên môn, học sinh của Trường THCS Đông Thái tiếp thu nhanh và bảo đảm được mạch kiến thức cơ bản. Theo cô Trang, học sinh bây giờ có nhiều kênh thông tin để tiếp cận, tham khảo nên hiểu biết của các em cũng sâu rộng, phong phú hơn. Bên cạnh đó, các nội dung tích hợp cũng không xa lạ, giáo viên thường lựa chọn đơn vị kiến thức phù hợp với khối lớp và dạy học theo phương pháp đổi mới, nhẹ nhàng, sinh động gắn lý thuyết với thực tiễn và khích lệ học sinh tự khám phá, tìm hiểu thêm để các em không thấy bị quá tải, mơ hồ khi học tích hợp…
Theo GS.TSKH Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thường trực Chương trình giáo dục phổ thông mới, tích hợp nghĩa là gắn nhiều kiến thức khác nhau theo một logic nhất định. Chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực người học ắt phải dẫn đến dạy học sinh biết tích hợp. Muốn như vậy, chương trình xây dựng nội dung phải tích hợp, phương pháp cũng phải tích hợp.
Trước đây một môn là một người dạy độc lập, nhưng bây giờ tích hợp vào một môn học vậy cả hai hoặc ba người dạy hay một người dạy cả hai, ba môn. Về nguyên tắc có thể phân công theo cả hai cách. Thực hiện phương án nào tùy thuộc vào đội ngũ giáo viên đã có và trên cơ sở cái hiện có của giáo viên nhưng dù là một người dạy hay hai hoặc ba người dạy đều phải theo nguyên tắc tích hợp hai, ba lĩnh vực đó lại với nhau.