Khi đề xuất lựa chọn sách, ngoài các nội dung chuyên môn, giáo viên còn lưu ý về sự phù hợp của sách đối với điều kiện dạy, học của địa phương và học sinh
Cô Phùng Thị Anh Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đa Tốn (huyện Gia Lâm) cho biết: Qua tiếp cận với các bộ SGK lớp 2 mới, chúng tôi thấy nổi lên một số điểm mới. Đó là: Bộ sách có hình ảnh đẹp mắt, sinh động phù hợp với học sinh tiểu học; Sách đã thiết kế theo hướng mở, tăng cường khả năng giao tiếp và ứng xử của học sinh trong thực tế. Trong đó, môn Tiếng Việt không còn chia theo các phân môn mà theo bốn kĩ năng đọc, viết, nghe, nói. Sách đã thiết kế các tuyến nhân vật ở môn Toán và môn Tự nhiên xã hội theo mạch kiến thức từ lớp 1 đến lớp 5 để giúp các em thấy hứng thú và gần gũi hơn khi học tập.
Trường Tiểu học Đa Tốn tổ chức cho giáo viên nghiên cứu các bộ SGK theo nhiều hình thức khác nhau: Nghiên cứu sách lớp 1 theo chương trình mới để tiếp cận với phương pháp và kế hoạch triển khai lớp 2; Cập nhật các thông tin trên mạng internet và sách báo; Trao đổi với nhau trong các giờ sinh hoạt chuyên môn, họp chuyên môn…
Qua tiếp cận với các bộ SGK mới, cô Đặng Hoàng Hà – giáo viên Trường Tiểu học Giáp Bát (quận Hoàng Mai) chia sẻ: Năm nay, tôi rất ấn tượng với bộ sách lớp 2. Sách có nhiều điều chỉnh và nội dung rất hay, phong phú… Sách thực sự là cầu nối, là kho học liệu và cung cấp nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo để những giáo viên có tuổi cũng có thể tiếp cận với những đổi mới sáng tạo, hoà nhập với xu thế giáo dục hiện đại.
“Với nhiều hình thức, giáo viên có thể tiếp cận các bộ SGK một cách chi tiết, sinh động và thấy rõ được tính ưu việt của sách mới với điều kiện của địa phương, học sinh để hình thành phương pháp dạy học phù hợp”- cô Hà nhận định.
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm học 2021-2022, học sinh lớp 6 sẽ học tích hợp liên môn Lịch sử – Địa lý, Khoa học tự nhiên thay vì các môn đơn lẻ như trước đây.
Thầy Đặng Việt Hà- Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ) cho rằng, trường yêu cầu giáo viên nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng SGK tích hợp để nắm bắt được nội dung tích hợp liên môn từ đó xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp.
“Trên cơ sở nguồn lực đang có, trước mắt, để triển khai việc dạy theo SGK tích hợp, nhà trường sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch giáo dục cho giáo viên dạy bộ môn đảm nhận dạy theo nội dung bộ môn của mình theo mạch kiến thức độc lập, sau đó phối hợp với giáo viên tích hợp nội dung để có phương pháp đánh giá, kiểm tra kiến thức của học sinh”- thầy Hà nêu ý kiến.
Cô Lê Thủy Trang- Hiệu trưởng Trường THCS Đông Thái (quận Tây Hồ) cho hay: Hiện nay, Ban giám hiệu và giáo viên nhà trường đang nghiên cứu các đầu sách giáo khoa mới. Việc giáo viên nhận xét các bộ sách sẽ diễn ra từ nay đến cuối tháng 3 để nhà trường tổng hợp gửi lên phòng GD&ĐT.
Liên quan đến việc tích hợp liên môn, cô Trang cho biết: Những năm học gần đây, giáo viên nhà trường đã triển khai dạy tích hợp một số môn. Sách giáo khoa mới cũng đưa rõ nội dung cần tích hợp nên khi áp dụng vào dạy học chính thức trong năm học này sẽ không phải là vấn đề khó khăn. Nhà trường và giáo viên chỉ mong là sớm được cầm bộ sách giáo khoa mới trên tay để biết mình phải bắt đầu từ đâu, tích hợp liên môn thế nào cho phù hợp và hiệu quả với điều kiện của nhà trường.