Chọn phương án tổ chức thi, phân tích của phóng viên giáo dục

GD&TĐ - Theo dõi lĩnh vực GD nhiều năm, đưa tin về nhiều kỳ thi tốt nghiệp, trực tiếp tổng hợp ý kiến từ nhiều đối tượng về những đổi mới thi cử năm nay, PV giáo dục các tờ báo trên cả nước đã có những lựa chọn riêng về phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT. 

Sự quan tâm của toàn xã hội sẽ là nguồn động viên để học sinh tự tin bước vào mùa thi
Sự quan tâm của toàn xã hội sẽ là nguồn động viên để học sinh tự tin bước vào mùa thi

Trịnh Vĩnh Hà - Báo Tuổi trẻ: Phương án 3 thích hợp với thí sinh mọi vùng miền

Phương án phù hợp phải đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, tránh để thí sinh bị áp lực căng thẳng, mệt mỏi, đồng thời đảm bảo về mặt thời gian cho các hội đồng coi thi xử lý các vấn đề kỹ thuật liên quan tới bảo mật đề thi, bài thi, kỉ cương trường thi.

Riêng về thí sinh, việc lựa chọn phương án cũng phải tính tới đặc điểm thời tiết trong khi diễn ra kì thi thường nóng nắng, hoặc có mưa bão, tính tới thời gian đi lại, nghỉ ngơi của thí sinh giữa các buổi thi để tránh phiền hà, tốn kém cho phụ huynh và thí sinh.

Trong trường hợp phải cân nhắc giữa khó khăn cho thí sinh và cho người tổ chức thi thì nên lựa chọn phương án dành thuận lợi cho thí sinh, các hội đồng coi thi phải nỗ lực để giải quyết khó khăn.

Trong 4 phương án Bộ GD&ĐT đưa ra trong dự thảo, tôi thấy phương án 3 là an toàn nhất, thích hợp với thí sinh ở nhiều vùng miền, điều kiện hoàn cảnh khác nhau. So với các năm trước, phương án này cũng không kéo dài hơn.

Tuệ Nguyễn - Báo Thanh Niên: Cân nhắc tránh "thời gian chết" giữa hai buổi thi ở phương án 2

Trao đổi với những nhà giáo lâu năm công tác trong ngành, những người chịu trách nhiệm trực tiếp trong kỳ thi này, các Sở GD&ĐT, tôi đã nhận được hầu hết các ý kiến đều muốn tổ chức thi theo phương án hai, thi trong 2,5 ngày.

Tôi cho rằng, với hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, do học sinh nào cũng phải dự thi và có thời gian thi dài nhất thì nên tổ chức mỗi môn/buổi. 1,5 ngày còn lại là dành để thi 6 môn tự chọn. Những môn này tổ chức 2 ca/buổi nhưng theo nguyên tắc trong một buổi có một môn là 60 phút và một môn là 90 phút.

Ngoài ra, thực tế thăm dò bước đầu của các trường cho thấy, đã và sẽ có những trường không có học sinh nào thi Lịch sử. Vậy nên chăng cân nhắc để đưa môn thi này vào ca cuối cùng của kỳ thi để tránh xảy ra thời gian “chết” giữa hai buổi thi ở một số hội đồng thi.

Hồng Chuyên - Báo điện tử Infonet: Tính toán để không lãng phí tổ chức phòng thi

Tôi ủng hộ phương án 3. Lý do: Phương án này đã nhấn mạnh vào những môn thi bắt buộc, những môn học chính của các em bậc phổ thông. Tôi tin có nhiều em sẽ chọn thi ĐH khối D có môn Toán, Văn, Ngoại Ngữ. 

Do đó, khả năng lựa chọn thi tốt nghiệp vào 3 môn chính sẽ lớn. Những môn có lịch thi trùng với những môn chính có khả năng ít học sinh lựa chọn, dẫn đến lãng phí khi tổ chức phòng thi.

Nói như vậy, không có nghĩa là phương án 3 không có nhược điểm. Nhược điểm đó chính là thời gian tổ chức thi dài, nhưng thực tế, chỉ kéo dài 1 ngày so với phương án 1, 1 buổi so với phương án 2. Do vậy, vấn đề thời gian sẽ không phải là quá phức tạp đối với việc tổ chức thi.

Thu Phương - Báo Công an nhân dân: Thi 2 ngày thuận lợi cho thí sinh ở xa

Tôi ủng hộ tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo phương án 1, vì những lí do:

Mục đích chính của lần cải tiến thi tốt nghiệp lần này là làm cho kỳ thi thực sự nhẹ nhàng, bằng việc giảm số môn thi. Vậy việc rút xuống còn 2 ngày thi cũng phù hợp với chủ trương trên. Cách sắp xếp môn thi ở phương án này đã được tính toán để giảm đến tối đa mỗi thí sinh không phải thi 2 môn/buổi thi. Khoảng thời gian 75 phút là đủ để chuẩn bị cho buổi thi tiếp theo.

Tổ chức 2 ngày thi, có thể sẽ gây đôi chút vất vả, căng thẳng cho hội đồng thi, nhưng rất tiện ích cho thí sinh, nhất là những thí sinh ở xa, các em sẽ không phải mất thêm một buổi để đến trường thi.

Thêm nữa, vì là thi tốt nghiệp, mục đích để công nhận trình độ phổ thông nên không có gì phải “chạy đua”, do đó, thí sinh hoàn toàn có thể làm được hai bài thi trong hai buổi sáng 2 và 3/6 (có hai môn bắt buộc là Văn và Toán). Đó là chưa kể, chỉ có thí sinh lựa chọn Vật lý và Ngoại ngữ là môn tự chọn mới phải thực hiện cả 2 bài thi trong một buổi như trên.

Thu Hà - Báo Quân đội nhân dân: Phương án 2 ít tốn kém, đỡ căng thẳng

Trong quá trình tác nghiệp hỏi ý kiến giáo viên và học sinh, tôi thấy nhiều ý kiến thiên về phương án 2. Đây là phương án ít tốn kém và đỡ căng thẳng cho học sinh. Những môn thi nặng nhất được tách riêng, thời gian kì thi vừa phải, bớt tốn kém

Bộ GD&ĐT đã có chủ trương giảm áp lực thi cử cho học sinh chỉ thi 4 môn, trong đó 2 môn tự chọn thì không nên tạo áp lực về thời gian. Hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn nếu bố trí thi riêng vào 2 buổi sáng sẽ tạo tâm lí tốt và thời gian chuẩn bị cho học sinh; bên cạnh đó sẽ giảm áp lực đối với Hội đồng thi.

Với phương án này, cách bố trí môn thi mỗi buổi đều có môn tự nhiên kèm môn xã hội để hạn chế thấp nhất việc học sinh phải thực hiện 2 bài thi trong buổi thi.

Dương Việt Anh - Báo Điện tử Đảng Cộng sản: Thi trong 2,5 ngày, thí sinh được nghỉ trọn vẹn sau môn Toán, Ngữ văn

Theo tôi, lựa chọn phương án 2 - thi trong 2,5 ngày là hợp lý nhất. Ưu điểm của phương án 2 là môn Ngữ văn và Toán thời gian thi dài nhất - 120 phút - nên để thí sinh được nghỉ ngơi trọn vẹn, cũng là để giám thị, hội đồng thi có thời gian chuẩn bị tốt hơn cho các ca thi buổi chiều.

Thêm nữa, với phương án này, việc sắp xếp các môn thi ca chiều cũng rất hợp lý với môn Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận, thời gian thi dài hơn (90 phút) thi trước, rồi các môn tự nhiên thi theo hình thức trắc nghiệm (60 phút) được xếp sau sẽ giảm nhiều áp lực cho thí sinh.

Buổi thi thứ 3 còn lại 2 môn Ngoại ngữ, Sinh học đều thi hình thức trắc nghiệm và thời gian làm bài cũng ngắn nên có thể thu xếp dồn thi một buổi sáng thì kết thúc, không nhất thiết phải “xé” 2 môn này như phương án 3. Còn phương án 4 kéo dài thời gian thi không cần thiết.

Xuân Kỳ - Báo Nhân dân: Nên chọn phương án 1 - phương án vì học sinh

Không chỉ cá nhân tôi mà nhiều người tôi phỏng vấn đều lựa chọn phương án 1.

Với phương án này, dù có thể dễ xuất hiện một số rắc rối về kỹ thuật, các thầy cô cũng chịu áp lực hơn, nhưng thực tế, đó là phương án ít tốn kém nhất và ít gây căng thẳng cho học sinh nhất. Giữa việc thầy cô có vất vả hơn với học sinh nhẹ nhàng thoải mái hơn, tôi nghĩ nên chọn vì học sinh.

Ngọc Anh - Thông tấn xã Việt Nam: Ngày thi cuối kết thúc sớm, thuận lợi cho thí sinh vùng sâu, vùng xa

Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi đã lấy ý kiến một số cha mẹ học sinh, học sinh và giáo viên; tất cả các ý kiến đều lựa chọn phương án 1 hoặc phương án 2.

Cá nhân tôi nghiêng về phương án 2 hơn vì 2,5 ngày là khoảng thời gian hợp lý, vừa đảm bảo vừa sức cho thí sinh cũng như xã hội, vừa đáp ứng tiêu chí đỡ tốn kém, phù hợp với mục tiêu của Bộ GD&ĐT khi tiến hành đổi mới thi cử.

Hai môn thi bắt buộc và có thời gian thi dài là Toán và Ngữ văn được bố trí riêng vào 2 buổi sáng khác nhau, giúp thí sinh có thời gian chuẩn bị tâm lý và sức khỏe tốt. Ngày thi cuối cùng kết thúc sớm, thuận lợi cho những thí sinh phải đi một quãng đường xa để đến trường thi, đặc biệt là những học sinh ở vùng cao, vùng sâu, xa...

Hoàng Thùy - Báo Vnexpress: Phương án 2 phù hợp với chủ trương đổi mới thi cử của Bộ GD&ĐT

Trong 4 phương án, tôi thấy thi trong 2,5 ngày (phương án 2) là hợp lý hơn cả. Nếu dồn cả 8 môn trong 2 ngày như phương án 1 sẽ khá căng thẳng, đặc biệt với các hội đồng thi.

Ngược lại, phương án 3 và 4 kéo dài ra đến 3 - 4 ngày tôi cho là không cần thiết, gây thêm áp lực cho học sinh, tốn kém cho xã hội, không phù hợp với chủ trương đổi mới thi cử của Bộ GD&ĐT.

Văn Chung - Báo Vietnamnet: Thi gói gọn trong 2 ngày nhẹ nhàng, ít tốn kém

Cá nhân tôi nghiêng nhiều hơn về cách bố trí lịch thi theo phương án 1, thi 8 môn gói gọn trong 2 ngày. Đây là phương án thi nhẹ nhàng, ít tốn kém nhất. Cũng không lo học sinh phải thi 2 môn cùng trong một buổi, trong đó có Văn hoặc Toán, bởi năm nay, thời gian thi hai môn ngày đã giảm 30 phút, chỉ còn 120 phút mỗi môn.

Tuy nhiên, với phương án này, vẫn có một số băn khoăn liên quan đến học sinh và giáo viên sau mỗi buổi thi; việc in sao đề thi, phát đề thi... Bởi cách này dù không mới với khối ĐH nhưng hoàn toàn mới mẻ với thi tốt nghiệp THPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ