Chọn phương án nào cho cấp THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam?

GD&TĐ - Nhiều phụ huynh mong muốn Hà Nội tiếp tục duy trì công tác đào tạo cấp THCS tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam với một mô hình trường mới.

Học sinh dự thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Học sinh dự thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

TPHCM đề xuất tách trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa

UBND TPHCM đã chấp thuận đề xuất về việc tổ chức lại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, đồng thời giao Sở GD&ĐT xây dựng đề án, lấy ý kiến các Sở, ngành để hoàn thiện Đề án tổ chức lại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.

Theo Sở GD&ĐT TPHCM, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, không có loại hình trường THPT chuyên có cấp THCS; đồng thời, kể từ năm học 2024-2025, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa không còn được tổ chức lớp không chuyên và không tuyển sinh, đào tạo cấp THCS để đảm bảo đúng quy định hiện hành theo quy chế trường THPT chuyên.

Theo đó, việc tổ chức lại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa trực thuộc Sở GD&ĐT là cần thiết theo quy định hiện hành về điều kiện tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập.

Đề xuất của Sở GD & ĐT TPHCM về phương án phương án tổ chức lại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, như sau: Tách khối THCS của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và tuyển sinh các lớp không chuyên THPT để hình thành Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa với tư cách pháp nhân riêng trực thuộc Sở GD&ĐT theo đúng loại hình trường được Bộ GD&ĐT quy định tại Thông tư số 32/2020 và Thông tư số 05/2023.

Với đề xuất này, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa được tách thành 2 trường với tên gọi và địa chỉ trụ sở khác nhau.

Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa đặt tại số 53 Nguyễn Du, phường Bến Nghé, Quận 1 (là cơ sở 1 của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa hiện tại).

Trong đó, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đặt tại lô P2, khu tái định cư 38,4ha, phường An Khánh, TP Thủ Đức (đây là cơ sở 2 của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa hiện tại).

Cả 2 trường đều do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu; đều là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.

Như vậy, với việc UBND TP.HCM chấp thuận đề xuất tổ chức lại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa của Sở GD&ĐT, khối THCS vẫn tiếp tục được tuyển sinh và hoạt động theo mô hình trường phổ thông có nhiều cấp học.

Riêng cấp THPT vẫn hoạt động theo mô hình trường chuyên, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố.

Về lộ trình tuyển sinh và đào tạo của Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa, từ thời điểm được thành lập (năm học 2024-2025) trở đi, nhà trường tiếp tục đào tạo học sinh cấp THCS của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa; tuyển sinh và đào tạo học sinh cấp THCS và THPT.

Học sinh dự thi vào lớp 6 trường chất lượng cao tại Hà Nội.

Học sinh dự thi vào lớp 6 trường chất lượng cao tại Hà Nội.

Tương lai nào cho lớp 6 Trường Ams?

Tại Hà Nội, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ tiếc nuối nếu Hà Nội dừng tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và đề xuất cơ chế đặc thù để tiếp tục tuyển sinh tại ngôi trường "đặc biệt" này.

Anh Chu Quang Anh, phụ huynh học sinh tại quận Hoàng Mai, cho biết: "Tôi có con học lớp 5 và đã có định hướng ôn thi vào lớp 6 Trường Ams gần 3 năm nay. Con học tập nghiêm túc, ôn thi vất vả, có lộ trình. Nếu Hà Nội phải dừng tuyển sinh lớp 6 Trường Ams thì không chỉ tôi, con tôi mà còn nhiều phụ huynh, học sinh khác cũng rất hụt hẫng.

Tại sao trường đang tuyển sinh, đào tạo tốt như vậy lại phải dừng? Tôi mong, Hà Nội sẽ xin được cơ chế đặc thù để tiếp tục duy trì hệ THCS của trường Ams. Đó là môi trường học tập tuyệt vời, các con được rèn luyện và có phong trào học tập vô cùng tốt".

Nhìn nhận toàn diện về vấn đề trên, chị Nguyễn Thu Hằng, phụ huynh học sinh tại quận Thanh Xuân cho rằng: Việc dừng tuyển sinh THCS trong trường chuyên là bắt buộc phải làm. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để phát triển hệ THCS của Trường Ams theo hướng tốt hơn, hoàn thiện hơn, bền vững hơn.

Hiện tại, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đang thực hiện cơ chế của một trường THPT chuyên nên sự quan tâm đầu tư dành cho cấp THCS còn hạn chế. Dù học phí không cao và được học tập ở môi trường tốt với nhiều thầy cô giỏi nhưng cơ sở vật chất của trường vẫn còn hạn chế.

Tới đây, nếu Hà Nội nghiên cứu, xem xét, phát triển cấp THCS của Trường Ams theo hướng thành lập mới Trường THCS chất lượng cao Hà Nội - Amsterdam và độc lập với Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam thì mọi chuyện vẫn tốt. Khi đó, chỉ tiêu của trường được rộng mở, cơ hội cho học sinh vào trường sẽ cao hơn và vẫn đảm bảo duy trì chất lượng đào tạo".

Trong tháng 3, Hà Nội sẽ công bố phương án tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội, trong đó có tuyển sinh vào Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Là Thủ đô với quy mô giáo dục lớn nhất, luôn dẫn đầu cả nước về chất lượng đại trà và mũi nhọn, Hà Nội đã và đang đề xuất nhiều cơ chế đặc thù cho giáo dục với những giải pháp phù hợp, đảm bảo cả yêu cầu đào tạo cũng như nguyện vọng của phụ huynh học sinh.

Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết đang xây dựng kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2024-2025 để báo cáo TP trên tinh thần chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Cùng với đó, Sở sẽ nghiên cứu tham mưu thành phố đề xuất cơ chế đặc thù với những giải pháp phù hợp trong tuyển sinh vào các trường chuyên trên cơ sở đáp ứng yêu cầu của phụ huynh, học sinh và đảm bảo công tác đào tạo mũi nhọn của Thủ đô.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.